Thú y hôm nay

Là chuyên khoa có trách nhiệm nghiên cứu, chẩn đoán và chữa trị về các quá trình bệnh lý của cơ thể động vật dưới tác động của các yếu tố gây bệnh.

Bỏ thu phí, lệ phí thú y: Nông dân sắp “nhẹ người”

Trước nhiều ý kiến phản ánh về việc phí, lệ phí thú y rườm rà, gây tốn kém và phiền nhiễu cho doanh nghiệp (DN), người chăn nuôi...
Trước nhiều ý kiến phản ánh về việc phí, lệ phí thú y rườm rà, gây tốn kém và phiền nhiễu cho doanh nghiệp (DN), người chăn nuôi, tại Hội nghị Đánh giá tình hình tái cơ cấu chăn nuôi diễn ra ngày 9/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Thú y cùng các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, chấn chỉnh nhằm tạo điều kiện thông thoáng, giảm chi phí cho nông dân, doanh nghiệp. Thông tin này lập tức khiến nhiều người trong cuộc hồi hộp mong ngóng...

Nhiều người vui, vài người “lo”

Trước đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho các DN có các hoạt động liên quan đến thú y, Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính đã họp để rà soát, bãi bỏ một số nội dung thu phí, lệ phí trong công tác thú y được quy định tại Thông tư 04. Theo công văn Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính bãi bỏ 14 mục thu lệ phí quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư 04/2012/TT-BTC (gọi tắt là Thông tư 04) ngày 5/1/2012 và 17 loại phí trong cùng thông tư.

Trong công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT chỉ yêu cầu giữ lại một số loại phí trong công tác thú y, như các loại phí kiểm tra thực trạng hàng hóa đối với sản phẩm động vật, thủy sản đông lạnh; sản phẩm động vật, thủy sản qua phơi, sấy; sản phẩm động vật thủy sản dạng lỏng, sệt và các loại sản phẩm động vật thủy sản khác.

Đương nhiên, trước thông tin này, nhiều cơ quan thú y chưa đồng thuận với ý kiến chỉ đạo và kêu rằng việc ngừng thu phí, lệ phí sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của ngành thú y và thậm chí ảnh hưởng đến quỹ lương của ngành. Nhưng Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: “Vấn đề là việc thu ấy có hợp lý không, có hợp lòng dân không. Vì không hợp lý, không hợp lòng dân nên phải bỏ”.

Theo vị Tổng tư lệnh của ngành nông nghiệp, dù có thu phí kiểm dịch hay không thì lực lượng thú y vẫn phải nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được giao, không được lơ là công việc; vẫn phải đảm bảo hiệu quả công tác kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp không thể vì thiếu kinh phí duy trì hoạt động của hệ thống thú y đến nỗi phải đi thu nhiều loại phí, lệ phí, mà phải nhất định phải thu theo đúng nguyên tắc. “Cán bộ thú y không thể cứ mở một xe chở trứng ra, ngó ngó gọi là kiểm tra cảm quan rồi đếm, nhân số lượng lên để thu tiền phí được. thu phí tới từng quả trứng chim cút nữa thì càng không thể hiểu nổi”, Bộ trưởng nói.

Bỏ phí, lệ phí thú y vẫn đảm bảo được an toàn thực phẩm

Phải thừa nhận một điều rằng, từ người chăn nuôi cho đến ông chủ lò mổ, bà bán trứng ở các chợ đều chứng kiến một ông cán bộ thú y thường xuyên túc trực ở trang trại, lò mổ hay cổng chợ để chỉ làm mỗi một việc “viết giấy kiểm dịch thu tiền”. Và như vậy, dư luận cũng có thể hiểu việc quả trứng, con gà hay miếng thịt bị thu đi thu lại 2, 3 lần phí, mục đích trước hết là để nuôi sống cán bộ thú y. Điều đáng nói là vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) gần như không liên quan đến việc thu phí, lệ phí bởi nhiều lẽ.

Như tại TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ mỗi ngày hơn 10.000 con heo, 300.000 con gia cầm, hàng ngàn con trâu bò cộng với trên dưới 5 triệu quả trứng gia cầm. Lượng thực phẩm này có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau, có loại từ các địa phương giết mổ đưa vào, có loại đưa vào thành phố giết mổ, sơ chế và có loại nhập khẩu. Và cơ quan thú y thành phố cho biết họ đã giám sát được 100% nhưng đối với đàn heo chỉ được 60-65%, còn chăn nuôi và giết mổ bò thì rất thấp, chỉ khoảng... 10%.

Lâu nay, các chủ trang trại, DN và nhà quản lý phản ánh nhiều loại phí, lệ phí bất hợp lý đè lên gia cầm khiến họ bức xúc. Thậm chí gà con mới nở một ngày tuổi đã phải gánh phí; cùng một sản phẩm làm ra nhưng có thể phải đóng từ hai đến nhiều lần phí nếu phải vận chuyển bảo quản nhiều lần. Đồng thời có thực trạng, 1 quả trứng nhiều bộ quản, các bộ lại không có sự kết nối dẫn đến phí chồng phí làm khổ DN, người chăn nuôi... Do vậy, nhiều người đề nghị phải bỏ các loại phí bất hợp lý, góp phần tiết giảm phí trong sản xuất nhằm tạo ra được sản phẩm có giá thành hợp lý và cạnh tranh. Đặc biệt, việc bỏ các khoản phí, lệ phí này không ảnh hưởng tới việc đảm bảo ATVSTP.

Hoàng Lê

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-bo-thu-phi-le-phi-thu-y-nong-dan-sap-nhe-nguoi-14825.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY