Dinh dưỡng hôm nay

Thực hư cách ăn vải không nóng được lan truyền trên Tiktok, các chuyên gia nói gì?

Vải vốn là một loại quả ngon và có nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khoẻ, đặc biệt là chỉ xuất hiện theo mùa khiến giá trị của chúng lại càng cao. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ăn vải có thể gây nóng trong, nổi mụn nên cần phải hạn chế.

Mới đây, trên kênh Tiktok có lan truyền một video hướng dẫn cách ăn vải không gây nóng người, nhiệt miệng và khẳng định phương pháp này đã có nhiều lương y gợi ý mọi người áp dụng. Cụ thể hơn, đó là chúng ta nên ăn cả lớp màng trắng giữa lớp vỏ và phần thịt của quả vải. 

Tuy đã khẳng định chắc chắn như thế, song, hiệu quả của phương pháp này đã được chứng thực hay chưa cũng như có cơ sở khoa học hay không thì người đăng tải lại không thể làm rõ trong video. Vì vậy, nhiều chuyên gia đã thực hiện một số kiểm nghiệm để xác minh phương pháp này. Vậy, thực hư ra sao và chuyên gia nói gì?

Nhiều người cho rằng khi ăn vải nên ăn luôn cả màng trắng vì như vậy sẽ giúp hạn chế sinh nhiệt (Ảnh: Internet)

Các chuyên gia tiết lộ sự thật

Từ những gì được khuyên trong video và kết quả kiểm nghiệm từ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), các chuyên khoa, giảng viên khẳng định rằng lời khuyên này hoàn toàn không chính xác, và cũng không có cơ sở. 

Một cách cụ thể hơn, các chuyên gia cho biết loại màng trắng này chỉ đơn giản là một lớp màng ôm phần thịt vải, vốn không chứa bất kỳ giá trị dinh dưỡng nào, cũng không cho thấy cấu tạo nào sẽ giúp cơ thể hạn chế việc nóng trong khi ăn chúng như lời khuyên đưa ra. 

Mặt khác, màng trái vải sẽ tự động tách ra cùng khi bóc vỏ, việc phải lựa cả màng trắng ra sẽ rất mất thời gian. Đặc biệt, màng vải còn có vị chát, ngang, nếu ăn cùng phần thịt sẽ khiến quả vải bị giảm hương vị thơm ngon. Tuy vậy, loại màng này vốn không có tính độc nên có ăn cũng không gây hại sức khoẻ, nếu ai thích và tin thì vẫn có thể ăn. 

Vải vốn rất tốt cho sức khoẻ, ta nên ăn vải như thế nào để không bị nóng trong, nhiệt miệng?

Các chuyên gia cũng giải thích thêm, về bản chất thì quả vải không phải là nguyên nhân gây nóng cho người ăn, mà đó là do hàm lượng đường cao trong quả vải như glucose, fructose (loại đường tạo hương vị thơm, ngọt tự nhiên cho trái cây) phản ứng khiến cơ thể sinh nhiệt trong quá trình hấp thu, từ đó gây nóng khiến rôm sảy, mụn mọc lên.

Vì sự lầm tưởng này mà nhiều người đã tránh xa quả vải, vô tình bỏ qua rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khoẻ, có thể kể đến như:

Kháng ung thư: Thịt của trái vải chứa nhiều hợp chất flavonoid và các chất kháng oxy hóa - có chức năng kháng ung thư. Đối với những bệnh nhân ung thư đang được hóa trị liệu thì trái vải còn có tác dụng bảo vệ cơ thể trước những tác động có hại của phương pháp điều trị này. 

Nhờ vào nguồn hợp chất polyphenol dồi dào có trong trái vải cũng khiến đặc tính kháng ung thư của loại vải này thêm mạnh mẽ (Ảnh: Internet)

Điều hòa huyết áp: Kali là một loại khoáng chất cần thiết mà cơ thể cần để kiểm soát huyết áp, và vải là một trong những thực phẩm chứa nhiều loại kháng chất này. Một chén vải có thể cung cấp cho cơ thể khoảng 325 mg kali, tức khoảng 9% lượng kali được đề nghị cho cơ thể mỗi ngày. Bên cạnh đó, trái vải là một loại trái cây có hàm lượng sodium (natri) vô cùng thấp, vì vậy đây là loại thức ăn lý tưởng cho việc điều hòa, kiểm soát huyết áp.

Làm đẹp da: Nhiều người lo sợ ăn vải gây nóng sẽ khiến da dễ nổi mụn, nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại, đó là vải có thể nuôi dưỡng các tế bào da bằng các chất chống oxy hóa giúp da khỏe mạnh hơn, loại bớt những nếp nhăn, tạo cho làn da nét trẻ trung hơn. 

Bạn có thể ăn vải hay dùng vải làm mặt nạ dưỡng da cũng rất hiệu quả, giúp các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn hay tàn nhang biến mất (Ảnh: Internet)

Tăng cường miễn dịch: Một chén vải chứa khoảng 135 mg vitamin C giúp tăng cường khả năng miễn dịch và đề kháng cho cơ thể, ngăn chặn mọi nguy cơ bệnh tật, nhất là các bệnh cảm, cúm...

Với những lợi ích tuyệt vời như thế mà bỏ qua thì thật đáng tiếc, vậy ta nên ăn vải như thế nào để có thể nhận được những giá trị cho sức khoẻ nhưng vẫn hạn chế được tình trạng nóng trong, nhiệt miệng? 

Nếu tin rằng khi ăn vải, ta cứ ăn thêm cả màng vải có thể khiến hạn chế được tình trạng sinh nhiệt cơ thể thì thật là sai lầm. Để cơ thể không bị nóng, người ăn có thể áp dụng những phương pháp sau đây, ngoài hạn chế việc sinh nhiệt còn giúp bảo vệ sức khoẻ của mình:

  • Trước khi ăn vải nên uống một chút trà thảo dược, nước muối, chè đậu xanh, canh bí đao có tác dụng giải nhiệt của quả vải.

  • Có thể uống nước luộc của lá vải tươi và vỏ cũng hạn chế khả năng gây nóng cho cơ thể sau mỗi lần ăn vải.

  • Không nên ăn nhiều trong một lần ăn mà nên chia nhỏ số lượng ăn nhiều lần trong ngày, mỗi lần không quá 5 quả.

  • Không nên ăn vải khi đói vì nó kích thích niêm mạc dạ dày gây đầy hơi, dư thừa lượng đường khi bụng đói cũng gây ra “say vải” khiến bạn rơi vào hôn mê.

  • Nên chọn vải tươi, ngon, lành lặn, tốt nhất nên hái vải vào sáng sớm khi vải còn đẫm sương để hạn chế tính hoả của vải.

  • Nên ngừng ăn vải khi xuất hiện mẩn ngứa, mề đay, mụn…

Nhìn chung, ăn vải chỉ gây nóng khi chúng ta ăn quá nhiều. Cho nên việc ăn màng trắng của quả vải cũng không giúp bạn hạn chế được tình trạng gây nóng trong và nhiệt miệng. Nếu muốn ăn vải để tăng cường sức khoẻ, bạn nên ăn điều độ và khoa học là tốt nhất.

Xem thêm: Vì sao lại nói: Hệ tiêu hoá khoẻ mạnh là chìa khoá giúp cơ thể tránh xa bệnh tật?

 Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/gia-dinh-khoe/thuc-hu-cach-an-vai-khong-nong-duoc-lan-truyen-tren-tiktok-cac-chuyen-gia-noi-gi-34663/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY