Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Thực phẩm chức năng có trị được ung thư?

(SKGĐ) Theo báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư Việt Nam, thì Việt Nam được phát hiện nằm trong nhóm những nước có nhiều bệnh nhân ung thư nhất thế giới.

Trong khi đó, chủ trì hội nghị khoa học phòng chống ung thư hồi tháng 4/2013 tại Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, tại Việt Nam, thời gian qua có hàng chục bệnh viện và trung tâm ung bướu đã được xây mới và đưa vào hoạt động, nhiều kỹ thuật cao đã được triển khai... Tuy nhiên, công tác phòng chống ung thư tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu thực tế…

Cũng theo báo cáo trong hội nghị này thì hiện Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ tử vong do ung thư cao hàng đầu thế giới với con số là 73,5%. Con số này tính chung toàn thế giới là 59,7%; tại các nước phát triển là 49,4% và ở những nước đang phát triển cũng chỉ ở mức 67,9%.

Thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ điều trị và dự phòng ung thư

Từ những con số trên có thể cho thấy ung thư đang là căn bệnh đe dọa thường trực tới đời sống, sức khỏe của người dân.

Mới đây, PGS. TS. Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam phát biểu tại một hội thảo của Hiệp hội cho biết, thực phẩm chức năng nếu sử dụng đúng sẽ giảm được các bệnh mãn tính, giảm đái tháo đường, thậm chí giảm được 40% bệnh ung thư.

Sử dụng thực phẩm chức năng ở Việt Nam đang có 2 vấn đề chính: thứ nhất là nhiều người nhầm lẫn thực phẩm chức năng với thuốc và sử dụng chúng thay thế thuốc. Thứ hai là biết thực phẩm chức năng không phải là thuốc và không tin tưởng vào tác dụng của loại dược phẩm này. Do đó, khi nhìn vào con số 40% mà PGS. TS. Trần Đáng đưa ra khiến nhiều người không khỏi băn khoăn.

Mang theo mối nghi ngờ, phóng viên Sức khỏe gia đình đã đem con số này trao đổi với PGS. TS. Lê Đình Roanh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát hiện sớm Ung thư – Bệnh viện Đa khoa Trí Đức), ông không bình luận về phát biểu trên, bởi chính ông cũng có quan điểm riêng về thực phẩm chức năng.

Theo PGS.TS. Lê Đình Roanh thì việc sử dụng thực phẩm chức năng là sự ưu việt của y học, khi sản xuất ra nó các nhà khoa học đã có sự thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân. “Thế giới đã sử dụng nó rất tốt, tại sao chúng ta lại không dùng?” - ông nói. Thực phẩm chức năng có tác dụng với bệnh nhân ung thư, điều này đã được nghiên cứu rất kĩ ở khía cạnh hóa dự phòng.

Một số thành phần chính trong thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư được PGS. TS. Lê Đình Roanh nhắc đến là curcumin (tinh chất nghệ), sụn vi cá mập, tinh chất trà xanh, tinh chất đậu tương…

Có khoảng 1.300 công trình nghiên cứu về tác dụng của curcumin. Theo đó, tác dụng của curcumin với bệnh ung thư được xác định ở góc độ curcumin ức chế việc tạo mạch máu mới. PGS. TS. Lê Đình Roanh cho biết, tế bào ung thư sống bằng cách tạo mạch máu mới, khi khối ung thư nhỏ hơn 2mm thì nó tự sống bằng cách nó ngâm trong môi trường ngoài tế bào của cơ thể. Nhưng khi nó lớn hơn 2mm thì nó kích thích ra một chất để tạo mạch máu. Nếu ko tạo được mạch máu nuôi riêng nó thì nó sẽ chết, và người ta cho rằng mỗi một người trong đời đều có nhiều lần bị ung thư kiểu như thế, nhưng trong cơ thể tiết ra những chất để chống tạo mạch máu, do đó ung thư không hình thành được mà tự tiêu đi.

Dựa vào lý thuyết trên nên các nhà khao học mới tìm những thuốc để chống tạo mạch máu mới và trong thuốc đó có curcumin.

Bản thân PGS. TS. Lê Đình Roanh cũng từng dùng curcumin để chữa cho bệnh nhi 5 tháng tuổi bị 8 khối u ở gan gọi là u nội mô mạch máu. Trường hợp này gần như là không còn phương pháp điều trị, chỉ có thể cắt gan để thay thế. Khi bệnh nhi dùng curcumin thì tất cả những khối u đã biến mất sau 1 năm. Hiện nay, cháu bé đã phát triển và đi học bình thường. Kết quả này đã được in trên tạp chí quốc tế về khả năng của curcumin trên nội mô mạch máu ở gan của trẻ nhỏ.

Thành phần thứ 2 mà PGS. TS. Lê Đình Roanh nhắc đến là sụn vi cá mập. Quá trình phát triển của sụn là mạch máu đi vào sụn để nuôi dưỡng làm cho sụn dài ra biến thành xương. Nhưng sự phát triển này không phải là vô hạn, đến một thời điểm nào đó sụn phải tiết ra một chất chống tạo mạch máu để máu không tiếp tục về sụn nữa để sụn ngừng phát triển và xương không dài ra nữa.

Từ quá trình phát triển thực tế như thế, các nhà khoa học cho rằng trong sụn sẵn có chất ức chế tạo mạch máu mới, cho nên người ta cũng dùng sụn vi cá mập để ức chế việc tạo mạch máu mới, ức chế khối u phát triển. Hiện nay có khoảng 10 triệu người Mỹ đang bị ung thư dùng sụn vi cá mập để ngăn chặn sự phát triển của ung thư, ngăn chặn sự tái phát của ung thư.

Hiểu đúng về thực phẩm chức năng

PGS. TS. Lê Đình Roanh cho biết, thực phẩm chức năng chỉ nên kết hợp sử dụng chứ không nên lạm dụng nó. Thực phẩm chức năng không phải là thuốc, nó không thay thế được các loại thuốc và phương pháp điều trị ung thư khác.

Khi người bệnh bị ung thư, những phương pháp đầu tiên cơ bản nhất người bệnh cần phải nghĩ tới là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Nếu có điều kiện người bệnh nên dùng bổ sung thêm thực phẩm chức năng để tăng hiệu quả điều trị và bồi bổ cơ thể.

Hiện nay có tình trạng một số người lập ra trung tâm nọ trung tâm kia dùng thực phẩm chức năng chữa bệnh ung thư. Nhưng những thực phẩm chức năng này do họ tự sản xuất hoặc các nguồn độc quyền hoặc không rõ ràng… và tuyên truyền cho bệnh nhân là không cần xạ trị, hóa trị… đó là những việc làm rất sai lầm. Không có phương pháp điều trị ung thư nào tốt hơn hóa trị và xạ trị. Mọi lời giới thiệu “vống” đều chỉ nhằm trục lợi.

Không thể nói rằng thực phẩm chức năng chữa được bệnh ung thư, nó chỉ là hỗ trợ điều trị, nhưng sự hỗ trợ đó rất hữu hiệu. Việc hồi phục lại chức năng bình thường của cơ thể cũng rất quan trọng, thực phẩm chức năng không phải là thuốc, nhưng nó giúp hồi phục lại chức năng của các cơ quan, do đó vai trò của nó cũng không phải là nhỏ. Tuy nhiên, việc sử dụng thực phẩm chức năng cần phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ, sản phẩm được sử dụng phải được sản xuất dựa trên cơ sở những công trình nghiên cứu đã được chứng minh.

Cản trở trong việc dùng thực phẩm chức năng điều trị ung thư là nó không được đánh giá công bằng với các loại thuốc khác. Vì thực phẩm chức năng được cho rằng nó không phải là thuốc nên chỉ sử dụng với bệnh nhân giai đoạn nặng. Khi sử dụng ở những bệnh nhân này thì họ đã ở giai đoạn mà thuốc hay những phương pháp hóa trị xạ trị đều không sử dụng được nữa. Người bệnh lúc này đã bị mất sức miễn dịch và mất những đề kháng khác, do đó, những đánh giá về tác dụng của thực phẩm chức năng với bệnh ung thư cũng không được chính xác.

Tính toán về khả năng của thực phẩm chức năng với việc điều trị ung thư, PGS.TS. Roanh cho rằng, khó đánh giá được thực phẩm chức năng đóng góp được bao nhiêu phần trăm trong điều trị ung thư. Vì đánh giá việc điều trị ung thư phải theo từng người một, mỗi một người có một phản ứng, nhưng các nhà khoa học đã có nghiên cứu trên tế bào và đã chứng minh được là có tác dụng.

Lê Hường

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/thuc-pham-chuc-nang-co-tri-duoc-ung-thu-14300/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY