Dinh dưỡng hôm nay

Thực phẩm giàu flavonoid có tác dụng giảm huyết áp

Theo một nghiên cứu mới, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu flavonoid có thể làm giảm huyết áp nhờ cách hệ vi sinh vật đường ruột chuyển hóa flavonoid.

Nghiên cứu mới do Giáo sư Aedin Cassidy từ Viện An ninh lương thực toàn cầu (IGFS) tại Đại học Queen Belfast đã xem xét mối quan hệ giữa flavonoid, huyết áp và hệ vi sinh vật của chúng ta - và phát hiện ra rằng chúng có mối liên quan mật thiết đến nhau.

Giáo sư Cassidy, chủ tịch dinh dưỡng và y tế dự phòng tại IGFS, là người điều tra chính trong nghiên cứu với quy mô trên 900 người trưởng thành đã được công bố trên Hypertension, một tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ.

Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu flavonoid có thể làm giảm huyết áp nhờ cách hệ vi sinh vật đường ruột chuyển hóa flavonoid.

Flavonoid là những hợp chất được tìm thấy trong thực vật. Thực phẩm giàu flavonoid bao gồm rau, trái cây như táo, lê và quả mọng, socola, trà và rượu vang. Trong cơ thể con người, chúng hoạt động như chất chống oxy hóa và bảo vệ khỏi tia cực tím. Các chất này thường bị phân hủy bởi hệ vi sinh vật đường ruột.

Theo giáo sư Cassidy, những gì chúng ta ăn đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành hệ vi sinh vật đường ruột nhưng ít người biết về tầm quan trọng của thực phẩm thực vật, đặc biệt là flavonoid, trong việc duy trì sức khỏe tim mạch, huyết áp.

Có nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ nhiều flavonoid và thực phẩm giàu flavonoid có thể cải thiện sức khỏe tim mạch nhưng lần đầu tiên, dữ liệu này nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ vi sinh vật đường ruột trong việc giải thích mối liên quan giữa thực phẩm giàu flavonoid và huyết áp. Có tới 15% mối liên quan cho thấy những vi sinh vật đường ruột đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa flavonoid để tăng cường tác dụng bảo vệ tim mạch.

Nghiên cứu trên 900 người Đức trưởng thành cho thấy thói quen ăn nhiều thực phẩm giàu flavonoid, đặc biệt là quả mọng, rượu vang đỏ, táo, lê có liên quan đến việc giảm huyết áp tâm thu và áp lực mạch, đa dạng vi sinh hơn và lượng vi khuẩn Parabacteroides trong ruột thấp hơn.

Những tác dụng hạ huyết áp này có thể đạt được chỉ với những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống hàng ngày. Ăn 1,5 phần quả mọng/ngày có liên quan đến việc giảm 4,1 mmHg huyết áp tâm thu, và 12% mối liên quan là do các yếu tố vi sinh vật đường ruột. Uống 3 ly rượu vang đỏ/tuần có liên quan đến mức HA tâm thu thấp hơn 3,7 mmHg, trong đó 15% có thể được giải thích bởi hệ vi sinh vật đường ruột.

Giáo sư Cassidy cũng cho biết: "Hệ vi sinh vật đường ruột của chúng ta đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa flavonoid để tăng cường tác dụng bảo vệ tim mạch và nghiên cứu này cung cấp bằng chứng cho thấy có thể đạt được những tác dụng hạ huyết áp này với những thay đổi đơn giản đối với chế độ ăn uống hàng ngày.

Khuyến nghị một chế độ ăn uống lành mạnh

Nghiên cứu của Cassidy và các đồng nghiệp ủng hộ các khuyến nghị về chế độ ăn uống của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đối với sức khỏe tim mạch. Penny M. Kris-Etherton, Tiến sĩ, Giáo sư khoa học dinh dưỡng, Đại học Bang Penn, Đại học Park, Pennsylvania, Chủ tịch Hội đồng về lối sống và sức khỏe tim mạch của AHA, thông tin.

Chế độ ăn uống dựa trên thực vật tốt cho huyết áp.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị một chế độ ăn uống lành mạnh. Trong đó lưu ý tiêu thụ nhiều loại thức ăn từ thực vật bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt và ít natri, chất béo bão hòa và đường bổ sung. Nên hạn chế ăn thịt đỏ.

"Chế độ ăn kiêng được khuyến nghị này sẽ có những lợi ích sức khỏe tim mạch khác, chẳng hạn như giảm cholesterol xấu LDL, do thành phần chất dinh dưỡng rất lành mạnh của nó" Kris-Etherton nói.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/thuc-pham-giau-flavonoid-co-tac-dung-giam-huyet-ap-32283/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY