Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Thuốc chống ói cho bà bầu

(SKGĐ) Một liều thuốc chống nôn có thể giúp thai phụ vượt qua cơn nghén dễ dàng. Nhưng thuốc chống ói có thực sự là cứu tinh

Chị Nguyễn Thị Thu (Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) mang thai vừa được tháng thì có dấu hiệu nghén nặng. Mỗi ngày chị nôn ói đến 25-30 lần. Triệu chứng nôn ói khiến chị đau bụng, tức ngực. Chị than thở: “Đến mình còn không sống nổi thì em bé làm sao chịu được”. Chính vì thế chị nghĩ đến việc dùng thuốc chống ói. Nhưng khi thấy chị cầm vỉ thuốc chống ói về thì mẹ chồng và chồng nhất định ngăn cản không cho uống vì sợ ảnh hưởng tới thai nhi. Vậy là cuộc “chiến tranh lạnh” trong gia đình chị bắt đầu. Chị hậm hực với chồng: “Anh thử nghén xem anh có chịu nổi không. Thuốc họ bán được cho bà bầu, tức là mình có thể dùng được. Cứ để nôn ói mãi, có khi cả mẹ và con đều nguy”.

Hiện tượng nôn ói như chị Thu là rất phổ biến ở các thai phụ. BS. Nguyễn Bạch Đằng, Bộ môn tiêu hóa, Học viện Quân y cho hay: “Có tới 90% thai phụ có cảm giác nôn và buồn nôn trong những tháng đầu của thai kỳ, sau đó giảm đi ở tuần thứ 14. Nhưng vẫn có một số người bị ói đến tận lúc sinh”. Nhiều người vì nôn ói quá mức dẫn tới mất nước, mất dinh dưỡng phải nhập viện để truyền nước. Trên thị trường lại có rất nhiều thuốc chống nôn ói. Vì thế không ít người muốn tìm đến thuốc chống nôn để giải quyết thực trạng.

Cẩn thận lặp lại thảm họa thalidomide

Trước vấn đề thai phụ có thể dùng thuốc chống nôn không, bác sỹ Đằng đưa ra nhận định: Một số trường hợp nôn ói nặng, bác sỹ vẫn kê đơn một số thuốc chống nôn thuộc nhóm kháng histamine hoặc domperidon, metoclopramid. Một số loại thuốc thường được kê cho thai phụ là metoclopraimid (primperan), promethazin, prochlorperazin, chlorpromazine.

Mặc dù chưa có nghiên cứu nào về tác hại của các thuốc trên với thai nhi nhưng thực tế các thuốc này vẫn qua được nhau thai và có ảnh hưởng ít nhiều tới bé. Trong trường hợp thai phụ có bệnh dạ dày, viêm tụy, viêm ruột thừa… thì thuốc chống nôn càng gây ra hậu quả xấu với sức khỏe của mẹ.

Khi trao đổi với phóng viên, bác sỹ Đằng cũng đã nhắc lại thảm họa về thuốc chống nôn thalidomide. Đã bị cấm dùng từ thập niên 1960 nhưng thảm họa của thalidomide để lại vẫn còn ám ảnh đến tận bây giờ. Những năm 1950, thalidomide ra đời và được thai phụ trên 46 quốc gia tin dùng. Thành phần của thuốc có tác dụng an thần mạnh mẽ nên giảm tình trạng nôn. Ở thời điểm đó, thalidomide được xem như là thần dược của phụ nữ có thai. Nhưng y khoa nhận thấy những ca sinh ra bị dị tật lại tăng một cách nhanh chóng. Lúc đó người ta nghi ngờ thalidomide.

Theo ghi nhận của Tổ chức y tế thế giới thì có khoảng 10.000 ca dị tật do phơi nhiễm thalidomide, nặng nề nhất là các ca ở Đức. Hơn nửa thế kỷ qua đi, nhưng vẫn nhiều người ám ảnh bởi thảm kịch mà thalidomide gây ra. Tháng 8/2012, Tổng giám đốc hãng dược Gruenenthal, Đức đã công khai xin lỗi những bà mẹ từng dùng loại thuốc này và bắt đầu kế hoạch đền bù.

Bởi những điều trên, nên bác sỹ Đằng cho rằng chỉ khi nào việc nôn ói ảnh hưởng quá nặng đến sức khỏe, thai phụ mới nên dùng thuốc và việc dùng thuốc phải được bác sỹ kê chứ không tự ý dùng.

Vitamin B6 – “thuốc” an toàn nhất

Trước hết để giảm chứng nôn ói, bác sỹ Đằng khuyên bạn nên ăn theo từng bữa nhỏ, ăn những đồ ăn vừa đủ ấm, không quá nóng, hay quá lạnh và hạn chế các gia vị mạnh (tiêu, tỏi, hành).

Còn trong các dạng dược phẩm mà thai phụ có thể dùng, bác sỹ Đằng khuyên thai phụ nên tìm dùng các viên bổ sung vitamin B6 trước khi dùng thuốc Tây khác. Nguyên nhân là do B6 vừa là thành phần cần thiết cho cơ thể, có tác dụng tốt với sự phát triển của thai nhi. Vitamin B6 dù sinh ra không phải là thuốc chống nôn nhưng thực tế lại cho thấy nhiều trường hợp dùng chúng thì giảm hẳn cơn nôn ói.

Đến bây giờ y khoa chưa thống nhất lý do vì sao B6 chống được những cơn buồn nôn nhưng một số giả thuyết cho rằng do nó giúp chuyển hóa tốt protein nên giảm nôn ói. Mỗi ngày, thai phụ có thể bổ sung 2-10mg B6. Tuy nhiên bạn không được lạm dụng vì nếu dùng quá nhiều B6 sẽ gây mệt mỏi thần kinh. B6 cũng có trong nhiều thực phẩm như ngũ cốc, trứng, đậu, các loại hạt, quả bơ. Bởi vậy, trong thai kỳ, bạn bổ sung thêm các thực phẩm trên cũng có thể giảm cơn nôn ói.

Chống nôn bằng thảo dược

Gừng: Đây là thảo dược đầu tiên có công hiệu với chứng nghén ở thai phụ. Bác sỹ Đằng giải thích là vì gừng có tác dụng làm giảm co thắt dạ dày, làm tăng nhu động ruột, từ đó làm giảm nôn, buồn nôn. Vì vậy, khi muốn nôn ói, bạn có thể nhấm nháp một chút gừng.

Chanh: Tinh dầu của chanh có thể giúp bạn thấy lại thăng bằng. Hãy cắt một vài lát chanh thả vào nước lọc và uống hoặc nhấm nháp chút vỏ chanh khi thấy khó chịu.

Quả me: Trong me có khoảng 14% acid tartaric và một số nhỏ malic acid. Các thành phần này giúp kích thích vị giác, cải thiện tình trạng kém ăn, mệt mỏi nên giảm chứng nôn ói và chán ăn. Bạn có thể dùng me (đã bóc vỏ) nấu lấy nước uống hoặc nhấm nhấp me tươi.

Minh Thanh

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-chong-oi-cho-ba-bau-4649/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY