Càng dùng càng đau
Chị Nguyễn Thị Bình, Ba Đình, Hà Nội thường xuyên đánh tennis vào buổi chiều và các ngày nghỉ. Một hôm, chị thấy đau ở khớp gối, nhất là khi cử động nên chị đã dùng loại cao dán làm từ thảo dược giúp giảm đau. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, cử động thử đầu gối, chị thấy hết đau. Vì thế mỗi lần thấy đau là chị lại dùng miếng dán này và còn mách cho bạn bè vì “nó hiệu quả lắm”. Nhưng được mấy tháng, miếng dán không giúp chị giảm đau nữa, chị dùng sang các loại bôi, uống cũng không thấy hiệu quả. Lúc này người nhà mới giục chị nên phải đi khám. Tại bệnh viện, bác sỹ cho biết khớp của chị khó có thể phục hồi vì biến chứng của các nhiễm trùng ổ khớp lâu ngày.
Còn chị Chu Thu Hương, Thanh Xuân, Hà Nội cứ mỗi lần đau đầu là dùng thuốc giảm đau có paracetamol. Nhưng hiệu quả của thuốc giảm dần. Một lần vì quá đau, chị đã uống hai loại thuốc giảm đau cách nhau chỉ 2 tiếng. Sau đó toàn thân chị nổi mẩn đỏ phải cấp cứu ở bệnh viện Bạch Mai.
Khoa Dị ứng- Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cũng từng tiếp nhận không ít những nạn nhân do lạm dụng thuốc giảm đau như chị Bình, chị Hương. Người nhẹ thì mẩn đỏ khắp người, đầu choáng váng, nặng thì sốc phản vệ, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Theo các bác sỹ, trong số những thuốc gây dị ứng, thuốc giảm đau được liệt vào hàng thứ 2, sau thuốc kháng sinh.
TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện bạch Mai cho biết, ngộ độc do thuốc giảm đau nói chung, đặc biệt do paracetamol nói riêng đang có xu hư¬ớng gia tăng, không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn. Nguyên nhân là do người bệnh có thể tự mua không cần theo đơn, coi nó là thuốc giảm đau, hạ sốt hữu hiệu, ít tác dụng phụ nên đã lạm dụng một cách thái quá, hoặc cùng một lúc sử dụng nhiều các loại thuốc có thành phần giảm đau giống nhau. Họ đã không biết rằng, khi vào cơ thể 90% liều dùng đư¬ợc chuyển hoá ở gan thành các chất trung gian trong đó có độc tố N- acetyl. Nếu uống quá liều, quá trình chuyển hóa ở gan bị trở ngại nên gan bị nhiễm độc. Nhiều trường hợp có thể bị suy gan nặng dẫn tới tử vong.
GS.TS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội thấp khớp học Việt Nam cho biết, trên thị trường hiện nay có hai dòng thuốc giảm đau được sử dụng khá phổ biến là thuốc giảm đau chống viêm và thuốc giảm đau hạ nhiệt. Thuốc giảm đau hạ nhiệt thường giúp hạ cơn đau tạm thời, nhưng nếu lạm dụng dễ bị nhờn thuốc hoặc cũng có thể gây các phản ứng phụ như nổi mày đay, đỏ da toàn thân... Thuốc giảm đau kháng viêm đặc trị thường mang lại kết quả điều trị cao nhưng rất dễ gây biến chứng, nhất là những bệnh nhân có sẵn bệnh tiêu hóa và tim mạch.
Nhưng đáng nói hiện nay có tình trạng khá nhiều người cứ thấy đau bụng, đau đầu, đau khớp… là tự ý mua thuốc mà không cần sự chỉ định của bác sỹ. Trước tình hình này, giáo sư Ân cảnh báo: “Đặc biệt với những trường hợp có các triệu chứng viêm xương khớp, việc dùng thuốc giảm đau tùy tiện sẽ rất nguy hại vì có thể kích thích bệnh lý khác phát triển. Cùng đó những người có bệnh về gan, nếu dùng thuốc giảm đau không theo chỉ định sẽ đẩy nhanh tình trạng suy gan, viêm gan mãn”.
Cao dán, thuốc bôi cũng không an toàn
Ngoài thuốc uống giảm đau, trị trường còn xuất hiện rất nhiều loại giảm đau dưới dạng bôi và dán. Nhiều người luôn cho rằng việc bôi và dán tại chỗ không gây tác dụng phụ cho các bộ phận khác. Nhưng giáo sư Ân cho các thuốc đều ngấm qua da, vào máu và ảnh hưởng tới toàn thân. Ông đã gặp rất nhiều các bệnh nhân, sử dụng các dạng thuốc này trị đau xương khớp không chỉ bị dị ứng mà còn bị nhiều các bệnh khác như viêm loét dạ dày, suy gan...
Đáng sợ nhất là nhiều các loại thuốc đã trộn những thuốc giảm đau rẻ tiền như corticoid dẫn tới việc người sử dụng nhiều bị lệ thuộc vào thuốc. Dùng các sản phẩm này, bệnh không chữa được lại còn gây thêm nhiều loại biến chứng nguy hiểm: tăng khả năng nhiễm trùng, tăng nhãn áp, bị chảy máu dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, tụt huyết áp, tăng men gan, loãng xương, rối loạn sinh dục, suy tuyến thượng thận, rối loạn điện giải…
Đặc biệt với trẻ em, các loại thuốc giảm đau còn có thể gây tổn thương não. Vì vậy, các chuyên gia đều khuyên, phải sử dụng thuốc giảm đau theo đơn của bác sỹ kể cả dạng dán, uống và bôi. Thuốc giảm đau chỉ có tác dụng giảm đau, không có khả năng chữa bệnh nên nếu sử dụng 3 - 5 ngày, không thấy khỏi hẳn hoặc ít có tác dụng thì phải đi khám vì đó là nguy cơ của nhiều bệnh nguy hiểm.
Đã nhiễm trùng khớp, chớ dùng cao dán Rất nhiều bệnh nhân cứ thấy đau cơ, đau khớp là dùng miếng dán giảm đau như Salonpas, Perkindon, Deep heat, Sungaz… Nhưng ThS. BS. Võ Tường Kha, Trưởng khoa Tổng hợp, Bệnh viện Thể thao, Hà Nội cảnh báo nếu các khớp có triệu chứng bị nhiễm trùng như: sưng, nóng, đỏ thì tuyệt đối không được sử dụng các loại cao dán hoặc thuốc bôi giảm đau có tác dụng làm nóng. Nguyên nhân là tinh dầu nóng trong cao dán sẽ gây giãn mạch và khiến cho lượng máu đổ về chỗ viêm tăng lên gây ra tình trạng ứ trệ máu. Hậu quả là chỗ viêm càng sưng và phù nề hơn và tình trạng đau, viêm sẽ càng nặng hơn. |
Linh An
Chủ đề liên quan: