Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Tía tô - gia vị giải cảm tuyệt vời trong mùa đông

Thời tiết mùa đông có tính chất lạnh và khô hanh, khiến chúng ta dễ cảm lạnh, cảm cúm, với các triệu chứng khó chịu như ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi… Tía tô, một loại rau gia vị rất phổ biến trong bữa cơm gia đình người Việt, là vị thuốc quý có tác dụng trị cảm lạnh, cảm cúm hiệu quả.

Lá tía tô là vị thuốc trị cảm tuyệt vời.

Lá tía tô còn được gọi lá tử tô, tô tử, tử tô nganh, é tía. Trong Đông y, tía tô là một vị thuốc tốt có tính ấm. Do vậy, có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiêu hóa, trừ cảm lạnh. Ngoài lá ra, các bộ phận khác của cây tía tô cũng rất tốt cho sức khoẻ, thân cành lợi tiêu hóa, hạt của cây trừ hen, trị ho có đờm rất tốt.

Theo y học hiện đại, tía tô giàu giá trị dinh dưỡng như vitamin A, C, giàu làm lượng Ca, Fe, P rất tốt cho cơ thể. Bên cạnh đó, chiết xuất tía tô cũng có đặc tính chống oxy hóa, chống dị ứng, chống viêm, chống trầm cảm, biếng ăn và ngăn ngừa khối u.

Các cách sử dụng tía tô giải cảm

1. Xông hơi bằng lá tía tô giải cảm

Xông hơi là một trong những phương pháp chữa cảm cúm hiệu quả thường được ông cha ta áp dụng từ xưa đến nay.

Để nấu một nồi nước xông hơi chúng ta cần một nắm lá tía tô, cũng với các loại lá khác như lá tre, hương nhu, lá bưởi,... Chúng ta đem rửa sạch các loại lá, cho vào nồi rồi đun sôi. Khi xông hơi, tinh chất sẽ ngấm vào cơ thể qua da, giúp đào thải độc tố, giải cảm rất tốt.

Khi xông hơi, chúng ta nên chọn nơi kín gió, không được để mồ hôi sau khi xông ngấm ngược lại. Lưu ý là phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ không nên sử dụng cách này.

2. Sử dụng lá tía tô nấu cháo

Cháo lá tía tô ngon, bổ dưỡng.

Khi nói đến dùng lá tía tô chữa cảm cúm chắc chắn không thể không kể đến món cháo tía tô giải cảm. Phương pháp này cũng rất đơn giản, dùng 10 lá cắt nhỏ trộn với cháo nóng, có thể cho thêm chút hành. Bạn có thể bổ sung thêm protein, đạm trong cháo như thịt, xương hoặc cho thêm trứng gà, vừa giúp người bệnh dễ hấp thu các dưỡng chất, lại giúp cấp lại nước mất đi do bị cảm. Ăn cháo lá tía tô có thể làm người bệnh toát mồ hôi, giải cảm rất tốt. Để có tác dụng giải cảm tốt nhất, chúng ta nên ăn cháo lá tía tô khi còn nóng, sau đó trùm kín chăn cho toát mồ hôi ra thì khỏi.

3. Sử dụng lá tía tô nấu nước uống

Nếu cảm lạnh hoặc cảm cúm không ra mồ hôi, nhưng lại ho và tức ngực, nên uống nước lá tía tô. Lấy 20g lá tía tô tươi rửa sạch, giã thật nát cho thêm nước sôi vào rồi chắt gạn lấy khoảng 100ml nước trong, uống rất công hiệu. Hoặc lá tía tô khô hãm nước sôi uống, uống xong người bệnh nên đi nằm đắp chăn.

4. Ngâm chân bằng nước lá tía tô

Để nấu nước ngâm chân, ta dùng một nắm lá tía tô bỏ vào nồi nước đang sôi, đổ ra chậu đậy bằng một cái rổ thưa, rồi đặt 2 bàn chân lên xông. Bạn có thể cho thêm một chút muối vào nước ngâm chân. Xông chân cho đến khi nước nguội thì lấy nước đó đi rửa chân.

5. Dùng lá tía tô chữa cảm cúm cho phụ nữ mang thai

Việc phụ nữ mang thai sử dụng thuốc kháng sinh để chữa cúm thực sự không tốt, ảnh hưởng đến cả em bé trong bụng. Do đó, cách tốt nhất là dùng tía tô, kinh giới, mỗi thứ 1 nắm, đổ 2 chén sắc còn 1 chén để nguội uống, tiếp đó ăn 1 chén cháo nóng có đập 1 quả trứng gà lấy lòng đỏ quậy đều.

Xem thêm:

Lá kinh giới có giúp giảm các triệu chứng sau tiêm vaccine COVID-19 như lời đồn?

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/tia-to--gia-vi-giai-cam-tuyet-voi-trong-mua-dong-32691/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY