Báo Thanh Niên vừa đăng loạt bài về việc mà báo gọi là “mua bán các bài báo khoa học”. Trong những mục đích của việc mua bán này có mục đích tìm sự thăng thứ hạng của trường và lọt vào các bảng xếp hạng có uy tín.
Bài viết này xin thảo luận việc đăng bài báo khoa học như vậy, những vấn đề xung quanh việc này, khía cạnh đạo đức, và từ đó một số suy nghĩ về hệ quả trên xã hội…
1. Một nhà nghiên cứu có thể ký tên với những cơ quan khác nhau là việc thông thường. Thí dụ một bài báo khoa học có bốn tác giả, A, B, C, D. Tác giả A làm việc tại trường đại học 1. Khi nghiên cứu đề tài, ông cần tiến hành một số thí nghiệm tại phòng thí nghiệm của trường đại học 2. Vậy, dưới tên tác giả A, ông có thể ghi nghiên cứu được tiến hành tại phòng thí nghiệm trường đại học 1 và phòng thí nghiệm trường đại học 2. Đây là điều thông thường khi nghiên cứu và sau đó đăng các bài báo khoa học. Không ít đề tài nghiên cứu cần được tiến hành trong sự cộng tác của những phòng thí nghiệm khác nhau, sự liên kết, cộng tác trong nghiên cứu khoa học như vậy nên được phát triển và việc ghi tên như vậy thể hiện tính trung thực.
Tuy nhiên, môi trường nghiên cứu khoa học tại Việt Nam đã nảy sinh tệ nạn. Trong bài báo đăng trên BBC mới đây, TS Nguyễn Đức An nêu lên rằng một trường đại học X “đề nghị tôi hỗ trợ mảng khoa học, bằng cách ký tên tôi dưới danh nghĩa trường X trong các công trình của tôi trên thế giới”! Vấn đề là trường đại học X không góp sức gì trong công trình nghiên cứu lại muốn được đứng tên với tác giả thực, thông qua một đề nghị có tính mua bán rất ngược với nguyên tắc và chuẩn mực nghề nghiệp của ngành giảng dạy và nghiên cứu khoa học!
Ông Nguyễn Đức An nhận xét: “chuyện mua danh bán tiếng khoa học mang rất nhiều dạng thái. Bên cạnh các trường trả tiền để được hưởng tiếng thơm công trình quốc tế (và để nâng vị trí xếp hạng) là rất nhiều cá nhân đi thuê viết luận văn để lấy bằng cấp, mua bài trên các tạp chí khoa học dỏm để đủ tiêu chuẩn lên giáo sư hay phó giáo sư…”.
2. Nghiên cứu khoa học là hoạt động cần thiết của bất kỳ viện nghiên cứu và trường đại học nào. Nghiên cứu khoa học dẫn tới Khám Phá, Cải Tiến và Phát Minh; đưa công nghệ chuyển biến từ lãnh vực công nghiệp truyền thống sang công nghệ cao; nâng cao năng lực truyền thụ kiến thức khoa học cho sinh viên và xã hội. Trường đại học lừng danh Cornell xem Khám Phá, Cải Tiến là Sứ Mạng chính yếu, Sứ Mạng này cần tiến hành với sự Trung Thực và đạt mức Xuất Sắc! Với trường đại học Cornell, nghiên cứu khoa học và truyền bá kiến thức là hai nhiệm vụ không thể tách rời!
Việc “mua, bán bài báo khoa học” không giúp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của một trường đại học. Nó chỉ giúp điều ngược lại. Trường sẽ ngủ quên trên hào quang giả tạo. Không đào tạo hay mời gọi cán bộ nghiên cứu đủ năng lực, không xây dựng phòng thí nghiệm và các phương tiện nghiên cứu, đội ngũ cán bộ ngày càng thui chột. Không có truyền thống nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu cứ xập xình dưới đáy. Cái mà trường được, chỉ là lớp sơn! Danh tiếng có được là lâu đài bằng cát và trên cát!
Năng lực nghiên cứu khoa học yếu thì năng lực truyền thụ kiến thức khoa học cũng yếu. Trường đại học làm sao hoàn thành Sứ Mạng?
3. Trong hệ thống giá trị cốt lõi của các trường nổi tiếng trên thế giới, giá trị Chính Trực luôn được tôn trọng. Với trường Illinois, giá trị đó được nêu lên như sau:
Chính Trực: Thay đổi thế giới bằng cách xây dựng Niềm Tin. Chúng ta hành xử trung thực, có đạo đức với chính chúng ta, với lớp học, với công việc một cách nhất quán.
Thụ hưởng thành quả từ công sức mà mình không bỏ ra theo cách như vậy rõ ràng là KHÔNG Chính Trực.
Những người bênh vực việc “mua, bán bài báo khoa học” cho rằng thời buổi này đâu cũng là thị trường, trong thị trường nghiên cứu khoa học người ta có quyền mua và bán. Cũng có người kể cái lợi do tích lũy bài viết để trường đại hoc lên hạng, để Việt Nam có uy tín khoa học với quốc tế, để nuôi các nhà khoa học có thêm thu nhập…
Trong khi đồng ý rằng nghiên cứu khoa học cũng là có tính thị trường như những hoạt động khác, bài viết muốn nêu thêm rằng thị trường nào cũng có giá trị đạo đức của nó. Bỏ tiền mua trái cam để ăn hay vắt nước cam uống thì không sai. Còn việc bỏ tiền mua trái cam để tuyên bố tôi trồng cây cam hay tôi thụ phấn tạo ra loại cam đó thì rõ ràng Không Chính Trực? Tương tự, người ta có thể bỏ tiền mua bằng sáng chế một công nghệ mới, dùng kiến thức của nó để sản xuất, kinh doanh. Nhưng người mua Không Chính Trực nếu tuyên bố mình là người phát minh ra công nghệ mới đó!
Chắc nhiều người quan tâm tới ngành giáo dục quốc gia đau lòng nhưng không còn ngạc nhiên về các sự việc thiếu hay không có tính Chính Trực đang xảy ra trên nhiều mặt của ngành! Có câu hỏi nào về tính Chính Trực được đặt trên việc phong Giáo sư, Phó giáo sư không? Có chắc rằng học vị nào cũng bảo đảm được hàm lượng kiến thức tương xứng nếu nhìn cách lập hội đồng, cách hoạt động của một số hội đồng? Và cả sự thành lập “đúng qui trình” của một số trường đại học mà xã hội đặt câu hỏi về năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học…
Trường đại học là đầu não, là trung tâm của các hoạt động tri thức, là nguồn gốc của tinh hoa dẫn dắt xã hội. Chính Trực là một giá trị thiết yếu của xã hội, là yêu cầu của các mối quan hệ, ứng xử, hoạt động trong xã hội. Khi trường đại học không tôn trọng giá trị Chính Trực, lòng tin giữa các thành phần trong xã hội còn không? Lòng tự trọng, đạo đức nghề nghiệp ra sao? Quốc gia sẽ nhận hậu quả gì?
Chủ đề liên quan: