Tại Đại học Harvard, các lớp học của Michael Puett - Giáo sư Lịch sử Trung Quốc và Nhân học - được yêu thích và theo học nhiều đứng thứ ba toàn trường, chỉ sau Kinh tế học và Khoa học Máy tính. Điều đó không chỉ cho thấy sự giao lưu cởi mở giữa các nền văn hóa, cách giảng dạy lôi cuốn và dễ hiểu, mà còn chứng minh được giá trị không bao giờ lỗi thời của các tư tưởng triết học phương Đông cổ đại của những bậc triết gia như Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Quản Tử, Trang Tử và Tuân Tử,…
Từ những bài giảng đầy lôi cuốn của mình, GS. Michael Puett đã hệ thống, phân tích hệ tư tưởng của triết học phương Đông, tập hợp những thông tin và nhận định sâu sắc của mình thành cuốn sách “Minh Đạo Nhân Sinh” (The Path). Tựa gốc tiếng Anh của cuốn sách “The Path” có nghĩa là con đường, tương đồng về nghĩa với từ “Đạo” trong tiếng Việt. Đạo là khái niệm quan trọng bậc nhất, xuyên suốt nền triết triết học Trung Hoa cổ đại. Đạo không phải là một “lý tưởng” hài hòa mà chúng ta phải gắng sức đi theo. Đạo là con đường mà chúng ta tiến lên liên tục thông qua các lựa chọn, hành động và các mối quan hệ của mình. Chúng ta tái tạo Đạo mỗi giây phút trong đời mình.
Tư tưởng phổ quát của “Minh Đạo Nhân Sinh” cũng chính là “Đạo”: “Đừng tìm kiếm bạn là ai, chứ chưa nói đến việc nắm lấy những gì bạn tìm thấy. Thay vì lựa chọn cách chấp nhận bản thân, hãy chọn cách tu dưỡng mình. Thay vì chấp nhận chính mình, hãy vượt qua chính mình. Đó không chỉ là cách bạn trở thành một người trưởng thành vững vàng. Đó còn là cách tốt nhất để tạo ra một thế giới thịnh vượng.”
Trong “Minh Đạo Nhân Sinh”, GS. Michael Puett tập trung vào các triết gia Trung Quốc cổ đại tiêu biểu nhất, bao gồm: Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Quản Tử, Trang Tử và Tuân Tử, cùng một số đối chiếu với vài triết gia khác. Điểm thú vị và mang tính thách thức của cuốn sách này là tác giả trình bày mọi thứ một cách vô cùng khách quan, không chỉ tập trung vào việc liệt kê từng nét “tinh túy” trong tư tưởng mỗi triết gia, mà GS. Michael Puett còn so sánh, đối chiếu tư tưởng của các triết gia này với triết gia khác, tạo ra những nhận định vô cùng sâu sắc.
Là một cuốn sách nguyên tác từ tiếng Anh, nhưng “Minh Đạo Nhân Sinh” được biên dịch rất kỹ lưỡng để phù hợp với người Việt Nam. Các trích dẫn từ những nhà hiền giả Nho Giáo, Đạo giáo,… được truy nguyên thành về ngôn ngữ gốc (tiếng Hán) trước khi chuyển dịch thành sang tiếng Việt, với các nguồn dẫn rõ ràng để bạn đọc có thể dễ dàng đối chiếu hay tìm hiểu, nghiên cứu sâu thêm.
“Minh Đạo Nhân Sinh” ngay từ khi xuất bản lần đầu tiên năm 2016 đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất trong thể loại của mình. Cuốn sách lọt vào danh sách các sách bán chạy nhất của New York Times, đã được 25 quốc gia mua bản quyền chuyển ngữ, trong đó có cả Trung Quốc (nơi sách được xuất bản năm 2016). GS. Michael Puett cũng đi khắp nơi diễn thuyết về luân lý học tại nhiều quốc gia, trong đó có ĐH Fulbright Việt Nam vào năm 2019.
Từ lâu, chúng ta vẫn có xu hướng mặc định triết học là khô khan, trừu tượng, cao siêu, xa rời thực tế. Cuốn sách này sẽ chỉ ra tính triết lý của cuộc đời nằm ngay trong cuộc sống hằng ngày, ngay từng việc nhỏ nhất chúng ta làm, từng cách ứng xử mà chúng ta lựa chọn.
Ý nghĩa của cuốn sách, có lẽ giống như những lời GS. Michael Puett viết: “Quá trình xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn sẽ không bao giờ kết thúc, bởi sự nỗ lực để xây dựng các mối quan hệ tốt hơn của chúng ta không bao giờ được hoàn thành. Nhưng khi học cách cải thiện các mối quan hệ của mình, chúng ta cũng sẽ học cách thay đổi các tình huống và nhờ đó sẽ tạo ra vô số thế giới mới. Chúng ta sẽ mở lòng ra cho những tư tưởng triết học có khả năng dẫn chúng ta đến một cuộc sống tốt đẹp”.
Michael Puett là giáo sư môn Lịch sử Trung Quốc của khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Tôn giáo ở trường Đại học Harvard. Ông đã được trao tặng giải thưởng Harvard College Professorship vì đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giảng dạy đại học và là một thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.
Christine Gross-Loh là một phóng viên và nhà văn. Cô tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành lịch sử Đông Á tại trường Đại học Harvard. Tác phẩm của cô được đăng trên các báo The Wall Street Journal, The Atlantic và The Guardian.
Chủ đề liên quan: