Tử vi sức khỏe hôm nay

Tử vi sức khỏe

Tổ chức triển lãm trực tuyến “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây”

(PetroTimes) - Vào ngày 8/10, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức triển lãm trực tuyến “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây” nhân kỉ niệm 67 năm ngày Giải phóng thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2021).
Triển lãm trực tuyến “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây” tổ chức vào ngày 08/10

Triển lãm trực tuyến “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây” gồm 3 chủ đề chính: Quá trình thay đổi diện mạo Hồ Gươm; Bảo tồn không gian văn hóa, lịch sử Hồ Gươm; Hồ Gươm - Trung tâm dịch vụ và văn hóa giải trí.

Với hơn 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ, triển lãm trực tuyến “hồ gươm, giao lộ đông - tây” giới thiệu những hình ảnh quen thuộc về đời sống sinh hoạt của người dân hà nội nói chung và cư dân khu vực quanh hồ gươm nói riêng, các công trình kiến trúc đặc sắc do người pháp xây dựng cùng nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa đại diện tiêu biểu cho nét đẹp truyền thống của không gian phố cổ. đây là một phần tài liệu, hiện vật về hà nội hiện đang được bảo quản tại trung tâm lưu trữ quốc gia i được giới thiệu đến công chúng nhân kỉ niệm 67 năm ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2021).

Hồ Gươm năm 1884

Năm 1873, Pháp đánh chiếm Hà Nội. Thực chất, Hà Nội lúc này là một điểm cư dân hỗn hợp với khu hành chính, khu buôn bán, nhiều làng mạc nằm sát nhau. Hồ Gươm vẫn mang dáng dấp của ao hồ nông thôn. Từ năm 1884 trở đi, Hồ Gươm trở thành trung tâm trong công cuộc quy hoạch thành phố Hà Nội. Người Pháp bắt tay vào việc làm đường nối khu Nhượng địa với khu vực Hoàng Thành cũ - đây chính là tiền đề cho việc hình thành trục trung tâm thương nghiệp dịch vụ mở đầu thời kỳ xây dựng khu phố Tây.

Bên cạnh việc xây dựng một số cơ sở kinh doanh, cửa hàng buôn bán và dịch vụ, người Pháp cũng chú trọng xây dựng một số cơ sở công nghiệp: Nhà máy Xe điện Hà Nội (1900), Nhà máy Điện bờ Hồ (1899 -1902)… hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật quanh Hồ để đảm bảo đầy đủ tiện nghi đô thị, phục vụ cho hoạt động kinh tế và việc cư trú của mình.

Tháp rùa cùng cột ống khói Nhà Đèn (góc trái) nay là vị trí Tổng công ty Điện lực Hà Nội, 69 Đinh Tiên Hoàng. Ảnh chụp năm 1895

Để có đất làm đường và một số công trình quanh hồ, chính quyền Pháp đã cho phá bỏ một số đền, chùa như đền Bà Kiệu, chùa Báo Ân, đền Vua Lê…và chỉ giữ lại các công trình trên đảo Ngọc Sơn và Quy Sơn.

Với diện mạo của một đô thị phương Tây, đời sống vật chất, tinh thần của người Hà Nội dần pha trộn yếu tố Tây hóa. Từ khẩu vị ẩm thực (bánh mì, nước đá, cà phê, bia,…) đến gu thưởng thức nghệ thuật đều có sự thay đổi. Những rạp chiếu bóng, quán cà phê mọc lên ngày càng nhiều, nằm rải rác từ bến xe điện đến nhà Khai trí Tiến Đức.

Tàu điện chạy trên trục đại lộ Francis Garnier (Đinh Tiên Hoàng) và Đại lộ Đồng Khánh (nay là Hàng Bài) năm 1905

Xe điện đã trở thành phương tiện phổ biến và quen thuộc với người dân, hành khách chủ yếu là những người buôn bán. Tầng lớp trung lưu, thanh niên thành thị thường chọn dạo chơi quanh bờ Hồ còn giới thượng lưu, trí thức thì chọn các tiệm cà phê, vào Khai trí Tiến Đức hoặc đi nghe nhạc, khiêu vũ tại Nhà Thủy Tạ bên Hồ.

Nhà Thủy Tạ năm 1940

Dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, Hà Nội đã có biết bao đổi thay. Hồ Gươm với dáng dấp ao hồ nông thôn như miêu tả trước năm 1883 đã trở thành một trung tâm hành chính, tín ngưỡng, thương nghiệp, dịch vụ và văn hóa giải trí, “một vòng trang sức của Hà Nội”, một giao lộ - điểm kết nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông - Tây.

Thông qua triển lãm, Ban Tổ chức mong muốn sẽ mang tới công chúng những hồi ức đẹp về Hồ Gươm và Hà Nội xưa, qua đó lan tỏa tình cảm, trách nhiệm gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của Thủ đô.

Chương trình triển lãm sẽ được giới thiệu trên website http://archives.org.vn và trên mạng xã hội Facebook ở địa chỉ https://www.facebook.com/luutruquocgia1

D.A

Mạng Y Tế
Nguồn: PetroTimes (https://petrotimes.vn/to-chuc-trien-lam-truc-tuyen-ho-guom-giao-lo-dong-tay-628583.html)

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY