Là một món gia vị không thể thiếu trong căn bếp của các gia đình người Việt, tỏi còn có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Không chỉ giàu chất dinh dưỡng và là một loại dược liệu giá trị có thể diệt khuẩn, ngăn ngừa cảm lạnh..., tỏi còn được xem là loại thực phẩm chống ung thư rẻ nhất hiện nay.
Tỏi là một món gia vị giàu chất dinh dưỡng và có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. |
Mặc dù tỏi có nhiều lợi ích nhưng không có nghĩa là ai dùng cũng tốt và nếu dùng không đúng cách còn làm mất đi tác dụng của nó, thậm chí còn gây hại. Vì thế, ai không nên dùng tỏi, dùng như thế nào cho đúng và phát huy tác dụng của tỏi cũng là vấn đề cần lưu ý.
1. Những người kị tỏi
- Người mắc bệnh về mắt: Theo Y học Trung Quốc, việc dùng tỏi trong thời gian dài sẽ làm tổn thương gan và mắt. Y học hiện đại cũng cho rằng, người mắc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, viêm kết mạc, khô mắt... dùng tỏi lâu dài sẽ suy giảm thị lực, chóng mặt, ù tai, giảm trí nhớ.
- Bệnh nhân viêm gan: Nhiều người lầm tưởng ăn tỏi có thể phòng ngừa viêm gan và cứ thế ăn với số lượng lớn. Nhưng quan điểm đó hoàn toàn sai lầm bởi tỏi không tiêu diệt được virus viêm gan và một số thành phần trong tỏi còn có thể kích thích đường tiêu hóa, ức chế tiết dịch tiêu hóa khiến các triệu chứng buồn nôn đầy hơi ở người viêm gan nặng hơn.
Ngoài ra, các thành phần dễ bay hơi trong tỏi có thể làm giảm số lượng hồng cầu và huyết sắc tố trong máu, không có lợi cho việc phục hồi chức năng của bệnh nhân bị viêm gan.
- Bệnh nhân tiêu chảy không phải do vi khuẩn: Ăn tỏi sống có thể ngăn ngừa và điều trị tiêu chảy do vi khuẩn, nhưng khi bị tiêu chảy không phải do vi khuẩn thì lại không nên ăn tỏi. Nguyên nhân là vì lúc đó tỏi sẽ kích thích đường ruột, khiến niêm mạc ruột bị xung huyết và phù nề, làm nặng thêm tình trạng bệnh.
- Người đang dùng thuốc: Tỏi có tính cay, có thể ức chế các thành phần hoạt động của một số loại thuốc, thậm chí còn phản ứng hóa học với các thành phần trong một số thuốc để tạo ra độc tố. Do vậy, người đang dùng thuốc tốt nhất nên kiêng tỏi.
Tỏi có rất nhiều lợi ích, chỉ cần khi chế biến và sử dụng chúng ta chú ý để tránh không kết hợp tỏi với những thực phẩm không phù hợp. |
2. Lưu ý khi chế biến và sử dụng tỏi
Theo TS.BS TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, trong 100g tỏi có chứa 6,36g protein, 33g carbohydrates, 150g calo và các dưỡng chất như vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), sắt, canxi, kali, mangan, magie, photpho... Tuy nhiên, không thể ăn tỏi một cách tùy tiện bởi có những thực phẩm kỵ với tỏi.
BS Sơn chỉ ra những điểm cần lưu ý như sau:
- Ăn tỏi lúc đang đói: Ăn nhiều tỏi vào lúc dạ dày đang trống rỗng sẽ gây tác dụng ngược, làm cho dạ dày bị kích thích mạnh, dẫn đến đau bụng.
- Ăn tỏi quá nhiều: Mỗi ngày chỉ nên ăn dưới 15g là đủ.
- Tỏi để lâu: hoạt chất trong tỏi tươi sẽ mạnh hơn, hiệu quả hơn so với tỏi để lâu.
- Nấu chín tỏi: Nhiệt độ sẽ phá hủy thành phần hoạt chất – allicin trong tỏi. Đây là một trong những hợp chất chứa lưu huỳnh trong tỏi được gọi chung là thiosulfinates. Allicin được kích hoạt khi nhai, cắt hoặc nghiền tỏi sống. Nhưng, nó bị vô hiệu hóa bởi nhiệt độ, làm chín tỏi sẽ làm giảm khả năng chữa bệnh của tỏi.
3. Kết hợp tỏi sai có thể gây hại
- Tỏi chiên quá cháy có thể tạo ra chất độc, nguy hiểm cho sức khỏe.
- Thịt chó không nên ăn với tỏi vì sẽ gây khó tiêu bởi tỏi có tính cay nóng, kị với thịt chó nhiều đạm, dễ gây chướng bụng.
- Cá trắm "đại kỵ" với tỏi bởi cá trắm có tính bình, vị ngọt không phù hợp với tỏi, nếu cho tỏi vào dễ dẫn đến thức ăn gây chướng bụng …
- Cá diếc nấu cùng tỏi có thể gây rối loạn tiêu hóa đường tiêu hóa.
- Thịt gà kết hợp với tỏi khiến món ăn thêm tính nóng, dẫn đến khó tiêu, sinh ra kiết lị.
- Tỏi kết hợp với hành không tốt cho thận, dạ dày.
- Tỏi ăn với các loại thịt như thịt dê, thịt gà thường sinh nhiệt, gây nóng, chướng bụng, khó tiêu…
- Tỏi ăn chung với mật ong dễ dẫn đến tiêu chảy
Tỏi có nhiều lợi ích và việc sử dụng tỏi trong thực phẩm được coi là khá an toàn miễn là chúng ta chú ý khi chế biến hay kết hợp thực phẩm để không làm biến chất.
Phong Vũ
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: