(HNMO) - Ngày 22-7, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin, bắt đầu triển khai hoạt động mới là “Cấp cứu trầm cảm”, trong bối cảnh triệu chứng rối loạn tâm thần nhiều cấp độ hậu Covid-19 trong một bộ phận dân cư gia tăng.
Cụ thể, Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần thành phố đảm trách hoạt động “Cấp cứu trầm cảm”. Khi người dân phát hiện người có các biểu hiện và dấu hiệu của chứng trầm cảm nặng thì gọi ngay đến số 115 hoặc số 19001267 để báo tin. Các bác sĩ sẽ đến hiện trường, tiếp cận người bệnh để chăm sóc, điều trị ở mọi cấp độ, bao gồm cả chỉ định nhập viện điều trị. Khi bệnh tình thuyên giảm, người bệnh sẽ được đưa về địa phương chăm sóc ngoại trú thông qua mạng lưới chăm sóc rối loạn tâm thần dựa vào cộng đồng.
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra đã tác động đáng kể đến sức khỏe tâm thần của người dân. Thậm chí, có trường hợp do quá căng thẳng, người bệnh đã tìm đến cái chết. Vì vậy, cần thiết phải triển khai kế hoạch chăm sóc sức khỏe tinh thần, kịp thời tiếp cận người bệnh để chăm sóc và điều trị chuyên khoa kịp thời những trường hợp có biểu hiện trầm cảm thể nặng.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này, thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng mạng lưới chăm sóc, quản lý từ bệnh viện chuyên khoa đầu ngành đến trạm y tế cơ sở. Cụ thể, thành phố có Bệnh viện Tâm thần, 4 bệnh viện đa khoa, 3 bệnh viện chuyên khoa Nhi với 90 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa tâm thần, chuyên tiếp nhận, điều trị cho người bệnh có triệu chứng tâm thần.
Thành phố còn có mạng lưới các phòng khám tâm thần thuộc các trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức để tiếp nhận, chăm sóc, quản lý người bệnh tâm thần đã điều trị ổn định từ các bệnh viện nêu trên.
Cùng với đó, thành phố còn có các trạm y tế phường, xã, thị trấn tham gia chăm sóc người bệnh tâm thần ổn định cấp phát thuốc cho một số trường hợp đặc biệt.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Đây là hoạt động mới. Ngành Y tế sẽ sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm định kỳ hoặc đột xuất; cập nhật kiến thức, đào tạo nguồn lực nhân viên y tế, cộng tác viên điều trị tâm lý tại tuyến cơ sở; kết hợp các phương pháp y học hiện đại và cổ truyền trong điều trị sức khỏe tâm thần cho người bệnh để không ngừng nâng cao chất lượng công tác này”.