Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Trời nồm và những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe

Trời nồm khá phổ biến ở miền Bắc, đây là hiện tượng thời tiết đọng sương trên bề mặt tường, nền nhà, đồ vật, các bề mặt cứng như gỗ, đá,.... xảy ra khi độ ẩm không khí lên cao, hơi nước trong không khí rất cao nên nước thường bị ngưng tụ và đọng lại trên bề mặt mọi vật xung quanh chúng ta, thường xảy ra vào cuối mùa xuân (từ tháng 2 đến tháng 4) gây bất tiện cho sinh hoạt và ảnh hưởng khá lớn đển sức khỏe con người.

Hầu hết mọi người đều nhạy cảm với nhiệt và độ ẩm, vì chúng gây ra cảm giác dính và khó chịu. Theo các chuyên gia, mức độ ẩm lý tưởng trong không khí đối với hầu hết mọi người là từ 30 - 60%, và bất cứ điều gì vượt quá có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với sức khỏe.

Trời nồm là hiện tượng thời tiết đọng sương trên bề mặt tường, nền nhà, đồ vật, các bề mặt cứng như gỗ, đá,.... xảy ra khi độ ẩm không khí lên cao (Ảnh: freepik)

1. Độ ẩm cao ảnh hưởng đến khả năng đổ mồ hôi của bạn

Khả năng tự làm mát của cơ thể bị tổn hại nghiêm trọng trong những ngày có độ ẩm cao. Bạn có thể cảm thấy khó chịu hơn vào những ngày ẩm ướt vì cơ thể bạn không dễ dàng bay hơi mồ hôi trên da, do độ ẩm cao trong không khí.

Những ngày nóng nực và ẩm ướt khiến mồ hôi bạn khó khô và cơ thể bạn tiếp tục nóng hơn. Đây là lý do tại sao không khí ở các vùng khí hậu ẩm ướt có thể nóng đến mức ngột ngạt, trong khi nhiệt độ tương tự ở các môi trường khô lại dễ chấp nhận hơn.

2. Đổ ẩm cao thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn và vi rút

Ở trong môi trường có quá nhiều độ ẩm có thể khiến bạn bị ốm, đặc biệt là nhiễm trùng đường hô hấp.Vi khuẩn và vi rút gây bệnh sinh sôi và phát triển trong không khí có độ ẩm tương đối trên 60%.

Hơn nữa, không khí ẩm cũng làm cho những chất ô nhiễm đó lưu lại trong không khí trong một thời gian dài hơn trước khi lắng xuống bề mặt. Vì vậy, khi bạn ở trong một văn phòng ẩm và có những người đang hắt hơi và ho xung quanh bạn, những vi trùng khó chịu đó sẽ bám xung quanh và sinh sôi. Và có nhiều khả năng bạn sẽ hít phải chúng.

3. Độ ẩm cao làm nặng thêm bệnh hen suyễn

Độ ẩm cao làm nặng thêm bệnh hen suyễn (Ảnh: freepik)

Nấm mốc được biết là có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng hô hấp như hen suyễn. Ngay cả những người bình thường không bị dị ứng hoặc hen suyễn cũng có thể bị phản ứng quá mẫn do nấm phát triển trong điều kiện có quá nhiều độ ẩm. Hầu hết các vi sinh vật này phát triển mạnh trong độ ẩm tương đối vượt quá 75%.

Ngay cả khi bạn không nhìn thấy chúng, chúng có thể hiện diện trong phòng tắm, nhà bếp, thảm và đồ nội thất cũng như gạch trần trong văn phòng của bạn.

4. Bạn có thể bị mất nước

Đổ mồ hôi liên tục trong thời tiết ẩm có thể gây khó chịu nghiêm trọng, nhưng nó cũng có thể có nghĩa là bạn bị mất nước. Vì khi đổ mồ hôi, bạn có thể mất các chất điện giải như natri và clorua, những chất mà cơ thể cần để hoạt động. Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể là rất quan trọng để tránh bị ngất xỉu, co cứng cơ và quá nóng đặc biệt là vào mùa hè. Uống nhiều nước hoặc đồ uống có chất điện giải khi độ ẩm tăng cao.

5. Độ ẩm cao làm tăng ô nhiễm hóa học

Các chất ô nhiễm hữu cơ như vi khuẩn, nấm mốc và mạt bụi không phải là những thứ duy nhất trở nên tồi tệ hơn trong không khí quá ẩm. Các hóa chất trong không khí gây ra các tác động vật lý bất lợi cũng tăng lên khi độ ẩm tăng lên.

Các vật liệu xây dựng hàng ngày như thảm và các sản phẩm gỗ thải ra không khí các hóa chất như formaldehyde. Khi có quá nhiều độ ẩm trong không khí, nồng độ của các hóa chất độc hại này sẽ tăng lên do phản ứng của hóa chất với hơi nước. Ngay cả khi tiếp xúc ở mức độ thấp với những hóa chất đó cũng có thể khiến mọi người bị kích ứng da, mắt và cổ họng cũng như các triệu chứng về hô hấp.

Trời nồm, độ ẩm cao không chỉ gây ra những khó chịu nhất định đối với chúng ta mà còn có những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe. Và nó càng đáng sợ hơn trong mùa dịch Covid này, thời điểm này dễ gia tăng các đợt bùng phát dịch, bệnh dịch dễ lây lan hơn và ảnh hưởng trầm trọng hơn đến sức khỏe cộng đồng. Để hạn chế ảnh hưởng xấu của độ ẩm cao, cần có những biện pháp sau để giảm độ ẩm trong không khí. Tốt nhất nên duy trì độ ẩm không khí trong phòng ở mức 40 - 60% bằng các biện pháp như đóng cửa kính phòng kết hợp với dùng máy hút ẩm, dùng điều hòa 2 chiều chế độ khô, tăng nhiệt độ trong phòng và thường xuyên vệ sinh sàn nhà, tường nhà, cửa kính bằng khăn khô. Khi đun nấu, tắm rửa… làm tăng độ ẩm trong không khí trong phòng thì cần có quạt thông gió. Giữ vệ sinh da, sấy khô quần áo, các vật dụng thường dùng, đặc biệt là đồ vải.

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/troi-nom-va-nhung-anh-huong-tieu-cuc-toi-suc-khoe-30547/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY