Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã hôm 10.8 cho biết dự luật sẽ cấm "vứt bừa bãi" quốc kỳ và yêu cầu những lá cờ được dùng trong các sự kiện đại chúng phải được xử lý một cách "thích hợp". Việc "treo ngược quốc kỳ" được gọi cụ thể là một hành động "làm tổn hại phẩm giá" của lá cờ. Các quy định mới cũng áp dụng khi dùng quốc kỳ trên internet.
Ngoài ra các sửa đổi trong dự luật quốc kỳ còn yêu cầu nên treo cờ rủ khi xảy ra "sự kiện sức khỏe cộng đồng" có thương vong đáng kể. Các cơ quan của đảng Cộng sản Trung Quốc và các tổ chức nhân dân khác cũng phải treo quốc kỳ.
Theo Tân Hoa Xã, dự luật mới được đưa ra cũng nhằm tăng cường việc sử dụng và thúc đẩy nhận thức về quốc kỳ. Dự luật khuyến khích các thư viện, nhà bảo tàng, phòng trưng bày và các cơ sở văn hóa công cộng khác thượng cờ vào những ngày mở cửa. Các trường học phải đưa quốc kỳ vào chương trình giảng dạy như một phần quan trọng về giáo dục lòng yêu nước. Những thay đổi cũng sẽ áp dụng ở Hồng Kông, nơi luật cờ đã được đưa vào phụ lục của Luật cơ bản.
Luật quốc kỳ Trung Quốc trước đây coi "công khai và cố ý đốt, cắt xén, làm bẩn, nguệch ngoạc hoặc giẫm đạp" quốc kỳ là hành vi xúc phạm. Những người vi phạm có thể bị bỏ tù đến 3 năm. Quốc hội Trung Quốc cũng đang xem xét sửa đổi luật về quốc huy để cấm sử dụng nhằm mục đích thương mại.
"Dự thảo luật sẽ nâng cao uy quyền và sự nghiêm túc khi dùng quốc kỳ và quốc huy", tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời Mo Jihong, Phó ban Nghiên cứu hiến pháp của Hội Luật gia Trung Quốc.
Nhiều người đã bị bắt và buộc tội xúc phạm lá cờ trong các cuộc biểu tình chống chính phủ ở đặc khu Hồng Kông năm ngoái. Cheng Chung-tai, một thành viên của Hội đồng Lập pháp thành phố, đã bị phạt 5.000 đô la Hồng Kông vào năm 2017 vì treo ngược lá cờ.
Quốc kỳ Trung Quốc ra đời sau khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1949. Cờ có nền đỏ, gồm một ngôi sao vàng lớn, bao quanh bởi 4 ngôi sao nhỏ ở góc trái cờ. Trung Quốc chính thức ban hành Luật Quốc kỳ vào năm 1990.