Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Từ sự việc bạo hành cháu bé 8 tuổi dẫn đến tử vong bởi “người tình của cha”- đã đến lúc chúng ta bàn về trách nhiệm của người lớn hậu ly hôn

Trong những ngày vừa qua, hình ảnh và thông tin của cháu bé V.A (8 tuổi) bị “người tình của cha” bạo hành dẫn đến tử vong đã gây rúng động toàn bộ xã hội, và theo một cách nào đó, sự ra đi của bé đã để lại nhiều ám ảnh lẫn suy nghĩ cho mọi người. Bên cạnh sự lên án dành cho “hung thủ”, nhiều người cũng cho rằng, đã đến lúc chúng ta nên bàn về trách nhiệm của người lớn hậu ly hôn.

Một cuộc hôn nhân thất bại có thể sẽ không đau đớn bằng một cuộc ly hôn thất bại, khi người lớn quay lưng đấu tố nhau, trẻ em chính là nạn nhân phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất, và khi đứa trẻ đó trở thành công cụ để người này trả đũa người kia, thì đó chính là tiền đề cho những nỗi đau mãi mãi không thể xóa nhòa.

Không một ai xứng đáng gánh chịu những nỗi đau tinh thần, đặc biệt là khi nó xuất phát trong gia đình - nơi được xem cái nôi mà mỗi người sinh ra và lớn lên, đối với một đứa trẻ vẫn đang cần sự chở che của cha mẹ thì lại càng không.

Nếu hôn nhân đã thất bại, hãy ly hôn thành công

Nếu cha mẹ cảm thấy cuộc hôn nhân không thể cứu vãn được nữa, và mỗi người đều tự cảm thấy việc “giải thoát” cho nhau có thể mang đến những giá trị tốt đẹp hơn cho bản thân và cuộc sống mỗi người thì có thể lựa chọn ly hôn.

Nhưng trong sự việc đau lòng vừa qua, ta có thể thấy, cha mẹ của cháu bé V.A (8 tuổi) vừa không có một cuộc hôn nhân thành công, mà việc ly hôn cũng không mấy tốt đẹp. Sự ích kỷ, giằng co, trả đũa của hai người lớn lại chính là nguyên nhân sâu xa gây ra cái chết của bé. Họ đã ly hôn, đã không cùng nhau chung sống nhưng dường như họ vẫn chưa chịu rời khỏi cuộc sống của nhau. Chính vì vậy, ta dễ dàng nhận thấy người chồng vẫn còn hằn học và ấm ức với người vợ cũ của mình.

Sự thiếu thông suốt của anh đã tước đi quyền thăm con của người vợ cũ, dù trong luật thì chị hoàn toàn có quyền được biết về cuộc sống của con như thế nào, ở chi tiết được người bác gái của cháu bé kể lại, trong lần gần nhất bé gái gặp mẹ ở trường – với nguyên văn là “bố không cho con gặp mẹ nên mẹ đừng gặp con nữa”. Một câu nói bâng quơ như thế thôi nhưng có thể khiến ta hiểu, chứa đựng trong câu nói đó chính là những nỗi đau khủng khiếp, thực sự mà nói, có đứa con nào lại không muốn gặp mẹ, âu chỉ là do đòn roi hằn lên người con mỗi ngày, hay sự đe dọa đến từ người bố, người “mẹ kế” mới có thể áp chế được nỗi nhớ mẹ của đứa con mà thôi.

Mặt khác, việc thường xuyên phải hứng chịu sự thù hằn, ghét bỏ nhau của bố mẹ hoặc bị bạo hành về tinh thần cũng như thể xác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách, tâm lý và sự phát triển của trẻ. Nhiều khả năng trẻ sẽ xuất hiện các vấn đề về sức khoẻ và tâm lý như tự ti, rối loạn lo âu, thậm chí trầm cảm.

Một khía cạnh khác, sau ly hôn hoặc cha mẹ tái hôn, cảnh sống chung với cha dượng hoặc mẹ kế, tình trạng "con anh, con tôi", dẫn đến việc thiếu trách nhiệm trong giáo dục con cái như bỏ mặc, ngược đãi. Hành động này sẽ tác động sâu sắc lên nhận thức non nớt của trẻ, gây ra những bất hòa, tổn thương tâm lý, thậm chí cả tính mạng (Ảnh: Internet)

Sau sự việc gây ám ảnh trên, chuyên gia tâm lý Hồng Hương – Thường trực Thư viện Lưu trú thuộc Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cũng đã lên tiếng, để có thể tránh đi tình trạng đáng tiếc như trên có thể xảy ra một lần nữa, đồng thời để không khổ mình cũng như khổ những đứa con, nếu đã có hôn nhân thất bại thì ly hôn phải thành công. Ly hôn thành công là một cặp vợ chồng trả cho nhau sự tự do, không còn hằn học, mâu thuẫn, chấp nhận việc đã không còn là gì của nhau trong đời, và văn minh khi đối mặt với nhau. Đặc biệt, khi hai người lớn đã có với nhau những đứa con chung, chỉ nên ly hôn khi đã thống nhất được việc nuôi dạy con sau hôn nhân và phải thật cụ thể, hãy đặt ra những câu hỏi như: “khi người này khó khăn thì người kia sẽ hỗ trợ thế nào?”, “khi ai đó lập gia đình và không còn khả năng hoặc không phù hợp để chăm nuôi con nữa thì sẽ ứng xử ra sao?”, “việc thăm nom, chăm nuôi con như thế nào là hợp lý?” chẳng hạn.

Ngoài ra. cha mẹ cần nên hiểu rằng, hậu ly hôn, bố có thể lấy thêm vợ, mẹ có thể đi thêm bước nữa, nhưng con mãi chỉ có một người cha và một người mẹ. Đó chắc chắn là sự thiếu hụt lớn trong cuộc đời đứa trẻ sau này. Vì vậy, khi những đứa con đã lớn và nhận thức được chuyện gì đang xảy ra, cha mẹ cần thẳng thắn nói rõ với con cái để các con chuẩn bị trước tâm lý và tinh thần. Khi những đứa con còn nhỏ, cha/mẹ trong quá trình nuôi nấng không tỏ thái độ hằn học khi nhắc đến đối phương, không trút giận lên con và không cố giành quyền nuôi con nếu không có đủ yêu thương cũng như thời gian để chăm sóc đứa bé. Đó là những gì mà một người cha, mẹ tốt và có trách nhiệm nên làm, không còn tình yêu cho nhau, nhưng vẫn hãy luôn dành tình yêu cho đứa con chung của mình.

Những người thân trong gia đình cũng không nằm ngoài trách nhiệm

Ngoài những thông tin về việc mẹ kế bạo hành bé V.A và thái độ thờ ơ của người cha, chúng ta cũng đọc được những thông tin về sự vô tâm của gia đình bên nội cháu bé. Từ góc nhìn của người ngoài cuộc, chúng ta cũng nhận ra rằng trách nhiệm của những người thân, họ hàng cũng là điều cực kỳ quan trọng, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý và thể chất của trẻ sau này. Trong những tình huống con cháu của mình phải chịu cảnh gia đình ly tán, người thân họ hàng trong gia đình nên quan tâm, chia sẻ với con cháu mình nhiều hơn.

Dù không chăm sóc trực tiếp, nhưng hãy luôn chú ý đến các bé để các bé không cảm thấy tủi thân và lạc lõng (Ảnh: Internet)

Những người hàng xóm xin đừng mãi im lặng!

Dù đó có thể là chuyện gia đình nhà người khác, nhưng xin người lớn “đừng im lặng” mỗi khi nghe thấy tiếng mắng chửi của người cha người mẹ và những tiếng nấc nghẹn ngào của con trẻ. Mỗi một lần chúng ta “ngại”, sẽ là một lần cơ thể các con hằn rõ đòn roi cũng như tâm lý của các con có thêm một vết sẹo. Hãy lên tiếng ngay, có thể gõ cửa để nói chuyện rõ ràng, có thể liên hệ với các Trung tâm, Hội bảo vệ Quyền trẻ em, ban quản lý tòa nhà, khu phố hoặc cơ quan chức năng, dù có thể sẽ bị mất lòng với gia đình đó, nhưng sự lên tiếng quyết liệt của những người hàng xóm, vốn được xem như “tai, mắt” của các ban ngành sẽ giúp ngăn chặn tình trạng đau lòng này sớm hơn.

Sự quan tâm của môi trường học đường cũng có thể là lối thoát cho các con thoát khỏi góc kẹt bởi cuộc ly hôn của bố mẹ

Trường học được xem là ngôi nhà thứ hai của các con trẻ, khi các con đang mắc kẹt trong chính gia đình của mình, những người thầy cô phải nên chú ý đến thể chất, tinh thần và tâm lý của các con hơn. Đôi khi, sự xung đột, cãi vã của cha mẹ có thể hình thành tâm lý lệch lạc cho những đứa trẻ, khiến trẻ khép mình và có thể dẫn đến trầm cảm.

Bên cạnh đó, trẻ có thể đang bị bạo hành mà không dám nói hoặc lên tiếng, sự chú ý và phát hiện của thầy cô sẽ là tiếng nói cho các con thoát khỏi tình trạng đau lòng này. Bất kỳ một đứa trẻ nào cũng xứng đáng được chăm sóc và yêu thương, xin đừng để bất kỳ trường hợp nào tương tự như trường hợp đáng tiếc của bé V.A xảy ra một lần nữa.

Sự quyết liệt từ phía cơ quan chức năng sẽ có thể ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em

Không chỉ riêng trường hợp của bé V.A, trên thực tế vẫn còn rất nhiều đứa trẻ bị bạo hành mỗi ngày, ngoài sự mặc kệ từ người lớn hoặc hàng xóm chung quanh, việc xử lý còn đôi phần nương tay và qua quýt của cơ quan chức năng cũng có thể là yếu tố khiến tình trạng này không được loại bỏ triệt để. Bạo hành trẻ em được xem là một loại phạm tội, vì vậy, khi phía ban ngành nhận được báo cáo về những tình trạng trên, hãy xử lý theo chế tài của pháp luật.

Luật Trẻ em đã được Quốc hội ban hành. Tại Việt Nam đang có

đường dây nóng bảo vệ trẻ em 24/7: Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111

. Khi nhận thấy có sự việc như vậy diễn ra, hãy lên tiếng ngay để bảo vệ những tương lai của đất nước!

Việc cháu bé 8 tuổi bị bạo hành cho đến chết được xem là một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người, về vấn nạn bạo hành trẻ em ẩn mình trong ranh giới mong manh của việc “dạy dỗ”. Đừng để tình trạng này diễn ra trong thời gian dài rồi sau đó dẫn đến kết quả “đã rồi”, hãy quyết liệt hơn vì nụ cười của trẻ thơ.

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/tu-su-viec-bao-hanh-chau-be-8-tuoi-dan-den-tu-vong-boi-nguoi-tinh-cua-cha-da-den-luc-chung-ta-ban-ve-trach-nhiem-cua-nguoi-lon-hau-ly-hon-33272/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY