Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Ung thư gan - kẻ giết người thầm lặng vì khó phát hiện triệu chứng

Ung thư gan là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 6 trên thế giới với hơn 782.000 người được chẩn đoán mỗi năm. Tại Việt Nam, số liệu mới nhất cho thấy có trên 25.000 người mắc mới trong vòng một năm với tỉ lệ tử vong tương đương. Sở dĩ tỉ lệ tử vong cao như vậy, bởi nó hầu như không có triệu chứng nào, cho đến khi di căn gây nhiều biến chứng.

Tìm hiểu về ung thư gan - kẻ giết người thầm lặng

Gan được tạo thành chủ yếu từ tế bào gan, đóng vai trò ngăn chặn chất độc xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, đồng thời giúp phân hủy và thải trừ độc tính và một số chất cặn bã do chuyển hóa trong cơ thể tạo nên. Gan cũng chịu trách nhiệm sản xuất mật - một chất giúp cơ thể tiêu hóa chất béo, vitamin và các chất dinh dưỡng khác. Cơ quan nội tạng này cũng lưu trữ các chất dinh dưỡng như glucose, để cơ thể vẫn được nuôi dưỡng vào những lúc bạn không ăn.

Ung thư gan là ung thư phát sinh từ gan (ung thư gan nguyên phát) là sự phát triển không kiểm soát của các tế bào bất thường trong gan. Diễn biến rất thầm lặng, các tế bào ung thư phá hủy các tế bào gan khỏe mạnh và cản trở khả năng hoạt động bình thường của gan và gây ra một loạt các vấn đề nguy hiểm như: hôn mê gan, giãn tĩnh mạch, xuất huyết tiêu hóa…

Đối tượng nào có nguy cơ mắc ung thư gan?

Các chuyên gia không chắc tại sao một số người bị ung thư gan, trong khi những người khác thì không. Tuy nhiên, có một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan:

1. Những người trên 50 tuổi: Ung thư gan phổ biến hơn ở những người trên 50 tuổi.

Cần biết mình có thuộc những nhóm có nguy cơ cao mắc ung thư gan hay không để phát hiện sớm bệnh và chữa trị kịp thời. - (Ảnh: Freepik)

2. Viêm gan B hoặc C trong thời gian dài: Hơn 80% trường hợp ung thư gan tiến triển từ viêm gan B, trong khi có 5% bệnh nhân ung thư gan do viêm gan C. Hai loại viêm gan này lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của người bị bệnh, chẳng hạn như máu hoặc tinh dịch. Nó cũng có thể được truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.

3. Thường xuyên uống rượu bia: Uống quá 2 ly rượu mỗi ngày trong nhiều năm làm tăng nguy cơ ung thư gan.

4. Những người bị xơ gan: Xơ gan là một dạng tổn thương gan, trong đó các mô gan khỏe mạnh bị thay thế bằng mô sẹo. Gan bị sẹo không thể hoạt động bình thường và cuối cùng có thể dẫn đến nhiều biến chứng, bao gồm cả ung thư gan.

5. Thường xuyên tiếp xúc với aflatoxin: Aflatoxin là một chất độc được tạo ra bởi một loại nấm mốc phát triển trên lạc (đậu phộng), ngũ cốc, gạo và ngô. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy, aflatoxin có khả năng tàn phá một loại gen ngăn ngừa ung thư ở người, và “tấn công” làm tổn thương hệ miễn dịch, cản trở quá trình trao đổi chất và dẫn đến ung thư, cụ thể là ung thư gan.

6. Người đang mắc tiểu đường: Những người mắc chứng rối loạn đường huyết này có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn những người không mắc.

Những dấu hiệu điển hình của ung thư gan

Ung thư gan diễn biến rất âm thầm, có khả năng gây tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, nếu thuộc những đối tượng trên, bạn hãy luôn để ý những biểu hiện này để có thể chữa trị sớm tránh những nguy hiểm về sau:

- Da hoặc tròng trắng mắt bạn chuyển sang màu vàng (vàng da), bạn cũng có thể bị ngứa da, đi tiểu sẫm màu hơn và phân nhợt nhạt hơn bình thường

- Chán ăn hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân

- Nôn và buồn nôn

- Cảm thấy mệt mỏi hoặc không có năng lượng

- Có các triệu chứng như cúm

- Bên phải bụng có khối u

- Đau ở phía trên bên phải của bụng hoặc ở vai phải

- Các triệu chứng khó tiêu, chẳng hạn như cảm thấy no rất nhanh khi ăn

- Chướng bụng

Trong giai đoạn muộn hơn của ung thư gan, người bệnh có thể nôn hoặc buồn nôn nhiều hơn. - (Ảnh: Freepik)

3 di căn nguy hiểm của ung thư gan

Nếu không được điều trị kịp thời, các khối u nhanh chóng phát triển rồi theo các hạch bạch huyết hoặc mạch máu, các tế bào ung thư gan đôi khi đi khắp cơ thể, xâm nhập vào các mô hoặc cơ quan mới trong một thời gian ngắn. Từ đó, khiến người bệnh phải gánh chịu những hậu quả sau:

1. Ung thư gan di căn phổi: 52% bệnh nhân mắc ung thư gan di căn phổi. Nếu lan đến phổi, khối u có thể gây cản trở lưu thông hô hấp khiến người bệnh luôn thấy khó thở. Việc suy giảm chức năng hô hấp cũng khiến bệnh nhân sốt, suy nhược kéo dài.

2. Ung thư gan di căn xương: 3-20% trường hợp bệnh nhân mắc ung thư gan di căn đến xương. Nếu ung thư gan di căn đến xương, nó có thể gây ra gãy xương.

3. Ung thư gan di căn não (hiếm gặp): Các tế bào ung thư tách ra khỏi khối u nguyên phát và di chuyển đến não, thường là qua đường máu, sau đó thường đi đến phần não được gọi là bán cầu đại não hoặc tiểu não. Các khối u não di căn có thể phát triển nhanh chóng, chèn ép hoặc phá hủy các mô não lân cận. Ở giai đoạn này, bệnh nhân thường có những triệu chứng đau đầu âm ỉ hoặc dữ dội, co giật, động kinh, kích động, la hét, đi đứng không vững, đớ lưỡi…

Một khi đã di căn, thời gian sống của bệnh nhân có thể chỉ là vài tuần, thậm chí vài ngày nếu không được can thiệp kịp thời.

4 loại chính của ung thư gan nguyên phát

Ung thư gan nguyên phát được chia thành 4 loại dựa trên điểm xuất phát của khối u trong gan:

1. Ung thư biểu mô tế bào gan (Hepatocellular carcinoma - HCC): Còn được gọi là u gan, là loại ung thư gan phổ biến nhất, chiếm 75% tổng số các loại ung thư gan. Tình trạng này khởi phát từ các tế bào gan - các tế bào chiếm ưu thế. Nó có thể lây lan từ gan đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như: tuyến tụy, ruột và dạ dày.

2. Ung thư đường mật: Thường được gọi là ung thư ống mật, phát triển trong các ống dẫn mật nhỏ, giống như ống trong gan. Các ống dẫn này mang mật đến túi mật để giúp tiêu hóa. Khi ung thư bắt đầu trong phần của các ống dẫn bên trong gan, nó được gọi là ung thư ống mật trong gan. Ngược lại, khi ung thư bắt đầu ở phần ống dẫn bên ngoài gan, nó được gọi là ung thư ống mật ngoài gan. Ung thư ống mật chiếm khoảng 10-20% của tất cả các bệnh ung thư gan.

3. U mạch máu gan: Là một dạng ung thư gan hiếm gặp, bắt đầu trong các mạch máu của gan. Loại ung thư này có xu hướng tiến triển rất nhanh, vì vậy nó thường được chẩn đoán ở giai đoạn nặng.

4. U nguyên bào gan: Là một loại ung thư gan cực kỳ hiếm gặp. Nó gần như luôn luôn được tìm thấy ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 3 tuổi.

Những cách chẩn đoán ung thư gan phổ biến nhất hiện nay

Việc chẩn đoán ung thư gan bắt đầu bằng tiền sử bệnh và khám sức khỏe. Hãy nói với bác sĩ nếu bạn có tiền sử lạm dụng rượu lâu dài, nhiễm viêm gan B hoặc C mãn tính. Các xét nghiệm và quy trình chẩn đoán ung thư gan bao gồm:

1. Xét nghiệm chức năng gan: Bằng cách đo nồng độ protein, men gan và bilirubin trong máu, các bác sĩ sẽ xác định sức khỏe của gan.

2. Xét nghiệm định lượng AFP (alpha-fetoprotein): AFP là một loại protein thường chỉ được sản xuất trong gan và túi noãn hoàng của trẻ trước khi chúng được sinh ra rồi nhanh chóng giảm dần và dừng hẳn sau đó. Thông thường, ở những người khỏe mạnh có nồng độ AFP trong máu rất thấp (dưới 10 nanogam/1 mililit máu). Sự gia tăng bất thường của AFP trong máu có thể là một dấu hiệu của ung thư gan.

3. Chụp CT hoặc MRI bụng: Từ những hình ảnh chi tiết của gan và các cơ quan khác trong ổ bụng, các bác sĩ có thể xác định vị trí khối u đang phát triển cũng như kích thước của nó. Từ đó, họ sẽ đánh giá xem liệu nó có di căn sang các cơ quan khác hay không.

Chụp CT cắt lớp gan thường được dùng để kiểm tra, chẩn đoán ung thư gan đã di căn đến các bộ phận khác hay chưa. - (Ảnh: Freepik)

4. Sinh thiết gan: Một mảnh mô gan nhỏ sẽ được lấy ra từ gan và được kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm các dấu hiệu của bệnh ung thư. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ tiến hành gây mê rồi đưa một cây kim mỏng qua bụng và vào gan để lấy mẫu mô.

Sinh thiết gan cũng có thể được thực hiện bằng cách sử dụng nội soi, là một ống mỏng, linh hoạt có gắn camera được đưa vào gan qua một vết rạch nhỏ ở bụng. Nếu cần lấy mẫu mô từ các cơ quan khác, bác sĩ sẽ rạch một đường lớn hơn. Đây được gọi là phẫu thuật mở bụng.

Sau khi kiểm tra, nếu phát hiện ung thư gan, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn của ung thư. Theo đó, các giai đoạn sẽ được đánh số thứ tự mô tả mức độ nghiêm trọng hoặc mức độ lan rộng của ung thư. Nó cũng có thể giúp bác sĩ quyết định phác đồ điều trị và tiên lượng bệnh. Giai đoạn 4 được xem là giai đoạn cuối, chỉ có 2% bệnh nhân sống sót khi phát hiện ung thư gan tại giai đoạn này.

Hiểu thêm về cách điều trị ung thư gan

Phương pháp và kế hoạch điều trị ung thư gan sẽ khác nhau tùy vào: số lượng, kích thước, vị trí của các khối u trong gan, gan đang hoạt động tốt như thế nào, có bị xơ gan không, đã di căn hay chưa. Các phương pháp điều trị phổ biến hiện nay là:

1. Cắt gan

Phẫu thuật cắt gan được thực hiện để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ gan. Phẫu thuật này thường được thực hiện khi mức độ ung thư chỉ giới hạn trong gan. Sau phẫu thuật, theo thời gian phần mô khỏe mạnh còn lại sẽ được tái tạo và thay thế phần bị thiếu.

2. Ghép gan

Thay thế toàn bộ lá gan bị bệnh bằng một lá gan khỏe mạnh từ một người hiến tặng phù hợp. Việc cấy ghép chỉ có thể được thực hiện nếu ung thư chưa di căn sang các cơ quan khác. Người bệnh sẽ được chỉ định uống thuốc để ngăn ngừa đào thải sau khi cấy ghép.

3. Thủ thuật cắt đốt

Với khối u có chiều ngang không quá 3cm, các bác sĩ thường dùng thủ thuật cắt đốt bao gồm sử dụng nhiệt hoặc tiêm ethanol để tiêu diệt các tế bào ung thư. Trước khi thực hiện, người bệnh được gây gây tê cục bộ để triệt tiêu cảm giác đau.

4. Hóa trị

Hóa trị là một hình thức điều trị bằng thuốc tích cực để tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách tiêm thuốc vào tĩnh mạch hoặc qua tĩnh mạch. Mặc dù mang lại hiệu quả, nhưng nhiều người gặp phải các tác dụng phụ trong quá trình điều trị, bao gồm nôn mửa, giảm cảm giác thèm ăn và ớn lạnh. Hóa trị cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

5. Xạ trị

Xạ trị là sử dụng chùm bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn ngừa chúng quay trở lại. Kỹ thuật này có thể chia thành:

Bức xạ chùm bên ngoài: Bức xạ được nhắm vào bụng và ngực qua da. Bức xạ trị liệu bên trong: Các đồng vị phóng xạ hình cầu được đưa vào các động mạch gan đúng vị trí của khối u thông qua một đường ống. Sau đó, chúng sẽ phát ra bức xạ với bước sóng ngắn giúp tiêu diệt tế bào ung thư một cách có chọn lọc. Không dừng lại đó, các hạt cầu này còn khiến việc lưu thông máu bị cản trở từ đó làm giảm lượng máu chảy đến khối u.

6. Liệu pháp nhắm mục tiêu

Liệu pháp nhắm mục tiêu bao gồm việc sử dụng các loại thuốc đặc trị để tấn công các tế bào ung thư ở nơi chúng dễ bị tổn thương. Hiệu quả của liệu pháp này là làm giảm sự phát triển của khối u và giúp ngừng cung cấp máu cho khối u. Tuy nhiên, liệu pháp nhắm mục tiêu có thể có những tác dụng phụ đáng kể.

7. Nút mạch hóa chất khối u

Bác sĩ sẽ đưa vật liệu tắc mạch được pha hóa chất vào trong động mạch cấp máu cho khối u để vừa nút nguồn nuôi khối u vừa tiêu diệt tế bào ung thư. Nút mạch hóa chất có thể là phương pháp điều trị duy nhất; hoặc được chỉ định kết hợp với đốt sóng cao tần/vi sóng, và phẫu thuật để điều trị triệt để.

3 cách giúp bệnh nhân sống chung hòa bình với ung thư gan

Thực tế, có những bệnh nhân ung thư gan vẫn sống khỏe mạnh, duy trì chất lượng cuộc sống tốt. Vậy bí quyết nào giúp chiến thắng ung thư gan?

1. Chú trọng dinh dưỡng: Mặc dù không có một loại thực phẩm nào giúp chữa khỏi ung thư, nhưng chúng có thể cung cấp cho cơ thể bạn sức mạnh và chất dinh dưỡng cần thiết trong quá trình điều trị. Cố gắng ăn tất cả các loại thực phẩm sau:

Trái cây và rau nhiều màu sắc (rau bina, cà rốt, bông cải xanh, ớt đỏ, v.v.) Protein từ thịt gà, trứng, cá, đậu phụ, đậu và sữa ít béo Chất béo lành mạnh từ quả bơ, dầu ô liu, quả hạch và hạt Ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt và bánh mì nguyên cám

Lưu ý, hãy tránh các thức ăn ngọt và chiên rán, chứa ít chất dinh dưỡng và hạn chế rượu vì nó có thể gây hại cho gan. Thay vào đó, luôn uống đủ nước để giữ nước cho cơ thể.

Ngoài ra, có thể chia nhiều bữa nhỏ thay vì ba bữa lớn bởi cả ung thư gan và một số phương pháp điều trị của nó đều có thể gây buồn nôn, khiến người bệnh khó ăn uống hơn. Trong trường hợp không thể ăn, hãy nói chuyện với bác sĩ để nhận được một số lời khuyên hữu ích về chế độ ăn uống cho những người đang sống chung với bệnh ung thư.

2. Thường xuyên tập thể dục: Hoạt động thể chất sau khi được chẩn đoán ung thư có liên quan đến việc sống lâu hơn và giảm nguy cơ ung thư quay trở lại ở những người sống chung với ung thư. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục nói chung là an toàn trong quá trình điều trị ung thư và có thể cải thiện nhiều khía cạnh của sức khỏe, bao gồm sức mạnh cơ bắp, sự cân bằng, mệt mỏi và trầm cảm. Hãy trao đổi với bác sĩ để có thể tìm ra những môn thể thao phù hợp nhất.

Tập thể dục giúp bệnh nhân ung thư gan cải thiện nhiểu khía cạnh sức khỏe, từ đó có thể tiếp nhận điều trị dễ dàng hơn. - (Ảnh: Freepik)

3. Giữ tinh thần vui vẻ: Sức mạnh của tâm trí đối với cơ thể là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa bất kỳ bệnh nặng nào. Cụ thể, trạng thái cảm xúc có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch - điều quan trọng trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư. Nghiên cứu cho thấy, căng thẳng có thể tiêu cực đến đến hệ miễn dịch làm tăng các dấu hiệu viêm trong cơ thể chúng ta, từ đó khiến khối u có thể lan nhanh và rộng hơn.

Vì vậy, hãy cố gắng hạn chế căng thẳng, suy nghĩ lạc quan bằng cách dành thời gian nhiều hơn cho gia đình và bạn bè và làm những điều bạn thích, giao tiếp với thiên nhiên, thiền định, sáng tạo nghệ thuật. Nếu cảm thấy tâm trạng quá căng thẳng, buồn phiền hãy nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Muốn ngăn ngừa ung thư gan, đây là 9 việc chúng ta nên thực hiện ngay lập tức

Các chuyên gia cho biết, không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được ung thư gan. Tuy nhiên, chúng ta có thể thực hiện một số điều dưới đây để ngăn chặn sự phát triển của các điều kiện có thể dẫn đến ung thư gan.

1. Tiêm vaccine viêm gan

Tất cả trẻ em đều nên chủng ngừa viêm gan B. Người lớn có nguy cơ nhiễm trùng viêm gan B cao (chẳng hạn như những người lạm dụng thuốc tiêm tĩnh mạch) cũng nên được chủng ngừa. Khi chủng ngừa, phải luôn tuân thủ theo đúng lịch. Nếu chẳng may bị viêm gan mãn tính, bạn nên đến gặp bác sĩ để theo dõi thường xuyên bằng các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm, CT hoặc MRI.

2. Thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh viêm gan C

Hiện tại, chưa có vaccine chủng ngừa viêm gan C, nhưng chúng ta có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng những cách sau:

Luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, nếu không trừ khi bạn chắc chắn rằng “người ấy” không bị nhiễm viêm gan hoặc bất kỳ bệnh lây truyền qua đường tình dục nào khác. Không sử dụng kim tiêm chung với người khác, điều này bao gồm việc sử dụng chung các dụng cụ khác như bông, thìa và các dụng cụ nấu ăn...

3. Hạn chế rượu bia

Uống quá nhiều rượu có thể gây ra sẹo tiến triển của mô gan dẫn đến xơ gan. Cụ thể, nếu liên tục uống rượu bia trong thời gian dài, tình trạng có thể tiến triển từ xơ gan còn bù (compensated cirrhosis - gan vẫn có thể hoạt động ở một mức độ nào đó) thành xơ gan mất bù (decompensated cirrhosis - gan không còn hoạt động được nữa). Mà xơ gan thường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trong đó có ung thư gan.

Vì vậy, hãy hạn chế uống rượu bia. Trong một chừng mực cho phép, mỗi ngày nam giới không nên uống quá 2 ly, phụ nữ không nên uống quá 1 ly.

4. Duy trì cân nặng hợp lý

Tập thể dục 30 phút ít nhất 3 lần mỗi tuần có thể giúp bạn duy trì cân nặng. Nếu bạn cần giảm cân, hãy tăng thời lượng bài tập thể dục mỗi ngày và giảm lượng calo tiêu thụ.

5. Không hút thuốc

Ngoài việc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các bệnh ung thư khác, hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư gan khoảng 25%. Nguy cơ này còn tăng lên gấp nhiều lần nếu bạn đang mang virus viêm gan B.

Bỏ hút thuốc là một trong những cách tốt nhất phòng tránh ung thư gan. - (Ảnh: Freepik)

6. Kiểm tra nguồn nước

Nước giếng có thể là chứa nhiều asen (thạch tín) - một chất gây ung thư được biết đến là nguyên nhân gây ung thư gan.

7. Bổ sung những thực phẩm tốt cho gan

Bổ sung những loại thực phẩm như: bắp cải, củ cải đường, táo, chuối, trà xanh... vào bữa ăn hàng ngày để giúp giải độc gan, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của gan. Bên cạnh đó, hãy dùng dầu ô liu thay cho dầu ăn thông thường bởi loại dầu này chứa hàm lượng lớn lipid giúp hút các chất độc hại tồn tại trong cơ thể, từ đó giúp giảm bớt gánh nặng cho gan trong việc đào thải độc tố ra bên ngoài.

Ngoài việc bổ sung các thực phẩm tốt cho gan kể trên, bạn đừng quên hạn chế những thực phẩm như:

Thực phẩm bị mốc: Thường có chứa chất aflatoxin - thủ phạm gây viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan… Thực phẩm nướng: Thịt, cá khi được nướng trên than sẽ khiến mỡ nhỏ giọt xuống than đang cháy tạo ra các phân tử hydrocarbure thơm đa vòng - khi được chuyển hoá đến gan nó sẽ thành chất độc, dẫn tới nguy cơ ung thư gan.

8. Hạn chế thức khuya

Theo Đông y, từ 11 - 2 giờ đêm chính là lúc gan thải độc mạnh mẽ nhưng nó chỉ thực hiện trọn vẹn chức năng khi chúng ta hoàn toàn ngủ say. Nếu thường xuyên thức khuya, khả năng này không được thực hiện tốt khiến chất độc có thể tích tụ trong gan. Thêm vào đó, thường xuyên thức khuya khiến hệ miễn dịch suy yếu đó có thể ảnh hưởng đến khả năng tự sửa chữa tế các tế bào gan hư hại của gan. Những yếu tố này lâu ngày cộng lại có thể khiến gan yếu ớt, dễ tổn thương và dẫn đến suy gan, ung thư gan. Vì vậy, tốt nhất hãy đi ngủ trước 11 giờ đêm.

9. Tầm soát ung thư gan

Nếu thuộc những đối tượng có nguy cơ mắc ung thư gan kể trên, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc tầm soát ung thư gan.

Mong rằng, qua bài viết trên bạn đã hiểu thêm về ung thư gan - căn bệnh được mệnh danh là sát thủ thầm lặng. Nếu có những yếu tố nguy cơ mắc bệnh, hãy tầm soát ngay từ hôm nay để an nhiên tận hưởng cuộc sống một cách vui vẻ, hạnh phúc nhất.

My Lê

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/ung-thu-gan--ke-giet-nguoi-tham-lang-vi-kho-phat-hien-trieu-chung-30897/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY