“Dù muốn hay không thì vấn đề chuyển giới là một thực tế tồn tại. Nếu chúng ta không cho phép, người ta vẫn làm thì không thể bắt người ta quay trở lại hình thể cũ”,
“Dù muốn hay không thì vấn đề chuyển giới là một thực tế tồn tại. Nếu chúng ta không cho phép, người ta vẫn làm thì không thể bắt người ta quay trở lại hình thể cũ”, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đưa ra quan điểm như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống về vấn đề đang được dư luận quan tâm: Chuyển giới.
Nhiều người đi nước ngoài thực hiện ước muốn “sống thật với mình”
“Tôi là một người chuyển giới từ nữ sang nam. Tôi đã trải qua cuộc phẫu thuật tại Thái Lan cách đây 2 tháng. Trước mắt, tôi chỉ mới phẫu thuật phần ngực. Sức khỏe hiện tại của tôi rất tốt, mọi thứ cũng rất tốt. Tôi sẽ đi nhanh tới vấn đề mà mọi người đang nghĩ là sau phẫu thuật tôi sẽ cảm thấy như thế nào? Thật sự là một cảm xúc vỡ òa và tôi đã đạt được ước mơ, ước muốn lớn nhất của cuộc đời” - đây là tâm sự của Hải Minh - một người vừa chuyển giới để được sống thật với chính mình.
Một trường hợp khác là Jessica (người Việt Nam) đã sang Thái Lan để được phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ cách đây 5 năm. Đến giờ, Jessica cảm thấy rất tự tin, thoải mái vì được sống thật với giới tính của mình. Jessica cho biết, cô chấp nhận mọi đau đớn kể cả sau khi phẫu thuật, việc duy trì tiêm hormon giới tính sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe để được là chính mình - là con gái.
Trường hợp của Hải Minh hay Jessica chỉ là hai trong số hàng trăm nghìn người ở Việt Nam đã và đang mong muốn được sống thật với chính bản ngã của mình thông qua việc chuyển giới. Theo thống kê của Viện Sức khỏe Môi trường Y tế, cả nước hiện có khoảng 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có, cơ thể sinh học là nam nhưng trong suy nghĩ hành động lại là nữ và ngược lại. Do chúng ta chưa cho phép chuyển đổi giới tính, nhiều người có nhu cầu buộc phải ra nước ngoài làm. Đến nay, ước tính 500 - 1.000 người Việt Nam đã chuyển đổi giới tính.
Không nên né tránh
Đưa ra quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng, việc các cá nhân ra nước ngoài để chuyển giới không chỉ gây tốn kém cho chính họ, mà đáng ngại nhất, những người này phần lớn thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính chui tại các cơ sở không được cấp phép nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, thậm chí đe dọa tính mạng. Khi về Việt Nam, do pháp luật chưa công nhận phẫu thuật chuyển giới nên họ trở nên “vô hình” không được pháp luật thừa nhận. Các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, hộ chiếu, tiền thế chấp... không khớp với tình trạng cơ thể trên thực tế. Vì thế, họ gặp rất nhiều khó khăn trong quan hệ giao dịch dân sự, trong cuộc sống hàng ngày, không được bảo vệ trong các trường hợp diễn ra tội phạm liên quan hiếp dâm, hộ tịch, kết hôn...
Tuy nhiên, cũng theo ông Quang, nếu pháp luật cho phép chuyển đổi giới tính thì cũng có hậu quả. Trước tiên, người chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ hay ngược lại phải sử dụng hormon thường xuyên, trong suốt cuộc đời, dẫn tới bệnh tật, trong đó có ung thư. Tiếp đến, vì cơ thể hoàn thiện về giới tính, sinh học, giờ bị thay đổi nên tuổi thọ người chuyển đổi giới tính theo các nhà chuyên môn y học giảm khoảng 20 năm; rồi một số người sau khi chuyển đổi giới tính, chưa thích nghi kịp với nhiều thứ thay đổi, dẫn đến trầm cảm, thậm chí là tự sát.
Ngoài ra, người chuyển đổi giới tính sẽ không bao giờ có con về mặt quan hệ thông thường. Nếu có bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cũng là bi kịch rất lớn vì gặp phải các vướng mắc trong xác định là cha hay mẹ, con cái gọi như thế nào, xã hội nhìn vào đứa trẻ ra sao...
Bổ sung thêm quan điểm về vấn đề này, đại diện Trung tâm ICS (tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam) cho rằng, điều lo lắng hiện nay đối với người muốn phẫu thuật chuyển giới là phẫu thuật không an toàn, thiếu chăm sóc y tế, hậu phẫu không tốt. Trong khi đó, chi phí phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở các bệnh viện uy tín trên thế giới lại rất cao. Để phẫu thuật chuyển giới từ nữ sang nam tốn khoảng 30.000USD, từ nam sang nữ khoảng 35.000USD, chưa kể các dịch vụ khác như liệu pháp hormon, thay đổi giọng nói, phẫu thuật thẩm mỹ.
Trước thực tế này, tại Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đưa ra 2 phương án: Không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính tại Việt Nam như từ trước đến nay và cho một số trường hợp đặc biệt có thể thực hiện. “Cá nhân tôi nghiêng về mặt thừa nhận. Đây là vấn đề tồn tại trong thực tế, chúng ta cần thừa nhận để giải quyết, không né tránh” - ông Quang đưa ra quan điểm.
Theo ông Quang, chúng ta có cho phép hay không phải gắn với quyền con người. Hiến pháp nước ta ghi nhận quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền được sống, tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Quyền mưu cầu hạnh phúc bao gồm cả quyền được sống thật với giới tính của mình. Nhưng cho phép chuyển đổi giới tính không có nghĩa quyền đấy là vô hạn, quyền nào cũng phải trong trật tự, khuôn khổ pháp luật.
Có thể nói dù muốn hay không thì vấn đề chuyển giới là một thực tế tồn tại. Nếu chúng ta không cho phép, người ta vẫn làm thì không thể bắt người ta quay trở lại hình thể cũ, không thể né tránh được. Nên chăng, bằng cái nhìn mang tính chất thân thiện, dựa trên quyền được mưu cầu hạnh phúc, được sống thật với giới tính của mình, pháp luật nên cân nhắc cho phép thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt. Để cho phép thì cần tránh tâm lý đua đòi của một bộ phận trong giới trẻ hiện nay.
Thái Bình
Y tế Việt Nam hoàn toàn thực hiện được kỹ thuật chuyển giới
Trước băn khoăn liệu các cơ sở y tế của Việt Nam có thực hiện được các kỹ thuật chuyển giới, GS.TS. Ðỗ Kim Sơn, nguyên Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã làm chủ các kỹ thuật về y học, bao gồm cả kỹ thuật xác định lại giới tính cho một số trường hợp được pháp luật quy định. Chuyển từ nữ sang nam khó hơn, nhưng chúng ta làm được, vấn đề là có cho phép hay không.