Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Vảy nến - căn bệnh gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý và chất lượng cuộc sống của người mắc

Bệnh vảy nến là một bệnh lý về da khá phổ biến, ước tính có khoảng 1-2,5% dân số Việt Nam, tương đương với khoảng 2 triệu người mắc bệnh vảy nến. Vậy bệnh vảy nến là gì

1. Bệnh vảy nến là gì?

Bệnh vảy nến gây ra các mảng vảy đỏ, ngứa, thường gặp nhất ở đầu gối, khuỷu tay, thân và da đầu - (Ảnh: Internet).

Bệnh vẩy nến (hay vảy nến) là một tình trạng tự miễn dịch mãn tính gây ra sự tích tụ nhanh chóng của các tế bào da. Sự tích tụ của các tế bào này gây ra gây ra các mảng vảy đỏ, ngứa, thường gặp nhất ở đầu gối, khuỷu tay, thân và da đầu.

Đây là kết quả của một quá trình sản xuất da tăng tốc. Thông thường, các tế bào da phát triển sâu trong da và từ từ trồi lên bề mặt. Cuối cùng, chúng bong ra. Chu kỳ sống điển hình của tế bào da là một tháng. Ở những người bị bệnh vẩy nến, quá trình sản xuất này có thể xảy ra chỉ trong vài ngày. Do đó, các tế bào da không có thời gian để bong. Sự sản sinh quá mức nhanh chóng này dẫn đến sự tích tụ của các tế bào da.

2. Các loại bệnh vảy nến

Có năm loại bệnh vảy nến:

Bệnh vẩy nến mảng

Vảy nến thể mảng là loại vảy nến phổ biến nhất. Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD) ước tính rằng khoảng 80 phần trăm những người mắc bệnh này bị bệnh vảy nến thể mảng. Nó gây ra các mảng đỏ, viêm bao phủ các vùng da. Những mảng này thường được bao phủ bởi vảy hoặc mảng màu trắng bạc. Những mảng này thường được tìm thấy trên khuỷu tay, đầu gối và da đầu.

Bệnh vẩy nến thể giọt

Bệnh vẩy nến thể giọt thường gặp ở thời thơ ấu. Loại bệnh vảy nến này gây ra các đốm nhỏ màu hồng. Các vị trí phổ biến nhất của bệnh vẩy nến thể giọt bao gồm thân trên, tay và chân. Những đốm này hiếm khi dày hoặc nổi lên như bệnh vẩy nến thể mảng.

Bệnh vẩy nến thể mủ

Bệnh vảy nến thể mủ phổ biến hơn ở người lớn. Nó gây ra mụn nước màu trắng, chứa đầy mủ và các vùng da bị viêm, đỏ trên diện rộng. Bệnh vẩy nến mụn mủ thường khu trú ở các vùng nhỏ hơn của cơ thể, chẳng hạn như bàn tay hoặc bàn chân, nhưng nó có thể lan rộng.

Bệnh vảy nến đảo ngược

Vảy nến đảo ngược gây ra các vùng da bị viêm, đỏ, sáng bóng. Các mảng vảy nến phát triển dưới nách hoặc ngực, ở bẹn, hoặc xung quanh da ở bộ phận sinh dục.

Bệnh vẩy nến đỏ da toàn thân

Vảy nến đỏ toàn thân là bệnh vảy nến nặng và hiếm gặp - (Ảnh: Internet).

Bệnh vẩy nến đỏ da toàn thân là một loại bệnh vảy nến nặng và rất hiếm gặp. Da của người bệnh bị đỏ, ảnh hưởng đến toàn thân. Vảy phát triển thường bong ra thành từng mảng hoặc tấm lớn, kèm theo đó, người mắc có thể bị sốt hoặc bị ốm nặng. Loại này có thể đe dọa tính mạng, vì vậy mọi người nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.

3. Các triệu chứng của bệnh vảy nến

Các triệu chứng bệnh vảy nến khác nhau ở mỗi người và phụ thuộc vào loại bệnh vẩy nến. Các vùng da bị vảy nến có thể nhỏ như một vài vảy trên da đầu hoặc khuỷu tay, hoặc bao phủ phần lớn cơ thể.

Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh vẩy nến thể mảng bao gồm:

- Các mảng da đỏ, nổi lên, bị viêm

- Vảy hoặc mảng màu trắng bạc trên các mảng đỏ

- Da khô, nứt nẻ và chảy máu

- Đau nhức xung quanh các vùng da bị vảy nến

- Ngứa và cảm giác nóng rát ở vùng da bị vảy nến

- Móng tay dày, rỗ

- Đau, sưng khớp

Không phải mọi người sẽ trải qua tất cả các triệu chứng này. Hầu hết những người bị bệnh vảy nến đều trải qua "chu kỳ" của các triệu chứng. Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng trong vài ngày hoặc vài tuần, sau đó biến mất. Sau đó, trong một vài tuần hoặc có một số yếu tố sẽ khiến tình trạng bệnh bùng phát trở lại.

Khi bạn không có dấu hiệu của bệnh nghĩa là bạn đang trong quá trính thuyên giảm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bệnh vảy nến sẽ không tái phát.

4. Bệnh vảy nến có lây không?

Bệnh vảy nến là một căn bệnh da liễu không phải do virus, vi khuẩn gây ra nên bệnh không có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác. Vì vậy, bạn có thể an tâm trong giao tiếp hàng ngày nếu như có người thân hay bạn bè mắc bệnh vảy nến.

Thực tế, không ít người có quan niệm sai lầm rằng vảy nến có thể lây từ đó tỏ thái độ kỳ thị, xa lánh với những bệnh nhân đang bị căn bệnh này hành hạ. Điều này khiến người bệnh càng có cảm giác tự ti, thu mình không muốn giao tiếp với người xung quanh.

5. Nguyên nhân bệnh vảy nến là gì?

Hiện nay, nguyên nhân bệnh vảy nến chưa được nghiên cứu chính xác. Tuy nhiên, qua nhiều thập kỷ nghiên cứu, các bác sĩ cho biết nguyên nhân gây bệnh có liên quan mật thiết đến hai yếu tố chính: di truyền và hệ thống miễn dịch.

Hệ thống miễn dịch

Bệnh vảy nến là một tình trạng tự miễn dịch. Trong đó, các tế bào bạch cầu được gọi là tế bào T tấn công nhầm vào các tế bào da. Trong một cơ thể bình thường, các tế bào bạch cầu được triển khai để tấn công và tiêu diệt vi khuẩn xâm nhập và chống lại nhiễm trùng. Sự tấn công nhầm lẫn này khiến quá trình sản xuất tế bào da trở nên quá sức. Các tế bào da chết được đưa lên bề mặt da liên tục nhưng không thể rơi ra khỏi cơ thể nên tích tụ lại ở bề mặt da, gây viêm, sưng, đỏ da.

Di truyền học

Một số người thừa hưởng các gen khiến họ có nhiều khả năng phát triển bệnh vẩy nến. Nếu bạn có người thân trong gia đình mắc bệnh da liễu, nguy cơ phát triển bệnh vẩy nến của bạn sẽ cao hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ những người bị bệnh vẩy nến và một khuynh hướng di truyền là nhỏ. Theo Tổ chức Bệnh vẩy nến Quốc gia Hoa Kỳ (NPF), khoảng 2 đến 3 phần trăm những người phát triển bệnh vảy nến là do gen di truyền.

Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị vảy nến, bao gồm:

- Nhiễm trùng Streptococcal (đau họng)

- Chấn thương bề mặt da (vết rách, cào xước, nhiễm trùng, cháy nắng)

- Có sử dụng một số loại thuốc như lithium, thuốc điều trị huyết áp cao và thuốc tim mạch, thuốc chẹn beta, thuốc chống sốt rét, indomethacin…

- Nhiễm HIV

- Stress kéo dài

- Béo phì, thừa cân.

6. Bệnh vảy nến có nguy hiểm không?

Vảy nến là một bệnh tự miễn mãn tính nên hiện chưa có thuốc hay phương pháp nào chữa được căn bệnh này, người bệnh phải xác định “sống chung với lũ” ngay từ khi phát hiện bệnh. Thế nhưng, người bệnh hoàn toàn có thể quản lý và kiểm soát các triệu chứng bệnh một cách hiệu quả bằng các cách sau: Sử dụng các loại thuốc, liệu pháp ánh sáng, tắm nắng, giảm căng thẳng, các buổi trị liệu bổ trợ… Để việc điều trị mang lại kết quả cao, các bác sĩ chuyên khoa có thể kết hợp áp dụng một số phương pháp điều trị cùng nhau.

7. Khuyến nghị về chế độ ăn uống cho những người bị bệnh vảy nến

Thực phẩm không thể chữa hoặc điều trị bệnh vảy nến, nhưng ăn uống tốt hơn có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh - (Ảnh: Pexels).

Vì có thể phải sống chung với bệnh vảy nến suốt đời nên việc giảm các triệu chứng của bệnh là rất quan trọng. Thực phẩm không thể chữa hoặc điều trị bệnh vảy nến, nhưng ăn uống tốt hơn có thể làm giảm các triệu chứng. Năm thay đổi lối sống này có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh vẩy nến và giảm các đợt bùng phát:

Giảm cân

Nếu bạn thừa cân, giảm cân có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Giảm cân cũng có thể làm cho các phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

Ăn một chế độ ăn uống có lợi cho tim mạch

Người bị vảy nến cần giảm lượng chất béo bão hòa tiêu thụ. Chúng được tìm thấy trong các sản phẩm động vật như thịt và sữa. Tăng lượng protein nạc có chứa axit béo omega-3, chẳng hạn như cá hồi, cá mòi và tôm. Các nguồn thực vật giàu omega-3 bao gồm quả óc chó, hạt lanh và đậu nành.

Tránh thức ăn gây kích thích

Bệnh vẩy nến gây viêm. Một số loại thực phẩm cũng gây viêm. Tránh những thực phẩm đó có thể cải thiện các triệu chứng. Những thực phẩm này bao gồm: thịt đỏ, đường tinh luyện, thực phẩm chế biến, các sản phẩm từ sữa.

Uống ít rượu

Uống rượu có thể làm tăng nguy cơ bùng phát của người bệnh. Vì vậy việc cắt giảm hoặc bỏ hoàn toàn rượu là hoàn toàn hữu ích.

Cân nhắc dùng vitamin

Các loại vitamin hữu ích cho người bệnh vảy nến bao gồm vitamin A, viatmin D, vitamin B12,... Trong thành phần của từng loại vitamin sẽ có rất nhiều dưỡng chất giúp ích cho hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Nhiều loại vitamin còn hỗ trợ làm sáng da, mềm mịn da, tránh các tình trạng khô, bong tróc, cung cấp ấm cho da,…Đối với những người bị mắc bệnh vảy nến cần bổ sung vitamin hàng ngày để giúp cho da nhanh chóng hồi phục, hạn chế tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.

8. Sống chung với bệnh vẩy nến

Cuộc sống với bệnh vảy nến có thể đầy thách thức, nhưng với cách tiếp cận phù hợp, bạn có thể giảm các đợt bùng phát và sống một cuộc sống khỏe mạnh, viên mãn.

Chế độ ăn phù hợp

Giảm cân và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm bớt và giảm các triệu chứng của bệnh vảy nến. Điều này bao gồm ăn một chế độ ăn giàu axit béo omega-3, ngũ cốc nguyên hạt và thực vật. Bạn cũng nên hạn chế các loại thực phẩm có thể làm tăng tình trạng viêm bao gồm đường tinh luyện, các sản phẩm từ sữa và thực phẩm chế biến sẵn.

Có nhiều bằng chứng cho thấy ăn trái cây và rau củ nightsade (một phần của họ thực vật Solanaceae) có thể gây ra các triệu chứng bệnh vẩy nến. Các loại trái cây và rau quả này bao gồm cà chua, khoai tây trắng, cà tím và các loại thực phẩm có nguồn gốc từ hạt tiêu như ớt bột và ớt cayenne (nhưng không phải hạt tiêu đen).

Giảm căng thẳng

Căng thẳng là một nguyên nhân chính gây ra bệnh vẩy nến. Học cách quản lý và đối phó với căng thẳng có thể giúp bạn giảm các cơn bùng phát và giảm bớt các triệu chứng. Hãy thử những cách sau để giảm bớt căng thẳng của bạn: thiền, viết nhật ký, thở, yoga.

Không hút thuốc

Hút thuốc làm tặng triệu chứng của bệnh vảy nến - (Ảnh: Pexels).

Thói quen hút thuốc lá giúp bệnh vảy nến bùng phát nhanh chóng. Ở những người nghiện thuốc lá nặng, bệnh vảy nến không chỉ ảnh hưởng tới làn da mà còn tác động đến nhiều cơ quan khác. Ngoài ra, số năm hút thuốc có liên quan mật thiết đến mức độ nặng thêm của bệnh lý này. Vì vậy, bỏ hút thuốc lá (nếu có), hạn chế tối đa tình trạng hút thuốc lá thụ động sẽ tốt cho bệnh nhân vảy nến.

Chăm sóc da đúng cách

Tuy là bệnh lý da liễu mãn tính, khó điều trị dứt điểm nhưng nhìn chung, vảy nến tương đối lành tính. Nếu chăm sóc làn da đúng cách, bệnh nhân hoàn toàn có thể kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát. Người bệnh nên giữ ẩm cho da, sử dụng sản phẩm chăm sóc dịu nhẹ với làn da để giúp hồi phục tổn thương và hạn chế tình trạng khô, ngứa, đau rát trên da. Tránh để da bị tổn thương và nhiễm trùng.

Tắm nắng một cách hợp lý

Đối với những người bệnh vảy nến, tắm nắng là một thói quen lành mạnh, có thể góp phần tăng cường sức đề kháng. Không nên tắm nắng quá 20 phút/lần và tránh tắm nắng trong khoảng thời gian từ 10 – 15 giờ hằng ngày. Nguyên do là trong khoảng thời gian này, ánh nắng có thể làm tổn thương da.

Tăng cường vận động

Mỗi ngày người bệnh nên vận động ít nhất 30 phút với các hoạt động như bơi lội, đi bộ, chạy, đạp xe… để tăng sức đề kháng của cơ thể, hạn chế các tác nhân khiến triệu chứng của bệnh bùng phát.

Vảy nến là bệnh lý mạn tính, rất khó điều trị. Do đó, bệnh nhân cần tích cực hợp tác với bác sĩ trong quá trình chăm sóc và chữa bệnh để nhanh chóng đẩy lùi triệu chứng. Những kinh nghiệm trên chỉ áp dụng đối với trường hợp bệnh nhẹ. Khi bệnh tình trở nên nghiêm trọng, người bệnh cần thường xuyên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/vay-nen--can-benh-gay-anh-huong-den-tham-my-tam-ly-va-chat-luong-cuoc-song-cua-nguoi-mac-31663/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY