Hô hấp hôm nay

Vì sao phải cần đến nghiệm pháp CPET để chẩn đoán khó thở hậu COVID là do tâm lý?

CPET là một nghiệm pháp cao cấp. Theo PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, sau khi đã khám lâm sàng, hỏi bệnh sử, thực hiện các test đơn giản khác trước như X-quang, hô hấp ký, điện tim, siêu âm tim… nhưng vẫn chưa giúp bác sĩ tìm được bất thường ở đâu thì CPET có thể được làm sau cùng.

Nghiệm pháp tim mạch gắng sức CPET là một nghiệm pháp cao cấp và toàn diện. Khi thăm khám thông thường, hầu như người bệnh chỉ ngồi tĩnh tại, có thể có những bất thường của cơ thể không bộc lộ ra.

Nhưng khi người bệnh gắng sức, như chạy trên thảm lăn, đạp xe đạp đến hết sức mình thì bất thường có thể lộ ra, chẳng hạn bất thường hô hấp thể hiện ở việc bệnh nhân có kiểu thở không bình thường, huy động thở không đúng cách, thông tin này sẽ giúp bác sĩ phục hồi chức năng biết bệnh nhân thở sai như thế nào để điều chỉnh.

Một thông tin tổng quát nữa mà CPET đưa ra đó là bệnh nhân bị suy giảm thể lực (suy giảm sức lực) hậu COVID có thể luyện tập ở mức độ nào là vừa phải, CPET có thể tính toán chính xác thể lực của chúng ta thua kém bao nhiêu % so với mức chuẩn, từ đó đưa ra cường độ vận động phù hợp, từ đó bệnh nhân và bác sĩ phục hồi chức năng biết nên tập luyện thế nào.

Thứ ba là vấn đề tim mạch. Một trong những vấn đề tim mạch đặt ra với những người bị COVID-19 là có bị viêm cơ tim cơ tim hay không, nếu hoạt động của cơ tim không bình thường thì nó cũng thể hiện trên CPET: bệnh nhân tăng nhịp tim nhanh, nhịp tim khó trở lại bình thường.

Hoặc nếu có rối loạn thần kinh thực vật khiến cho huyết áp của bệnh nhân tăng giảm không phù hợp với vận động, máy sẽ phát hiện.

CPET còn phát hiện được cơ của mình không lấy đủ oxy.

Như vậy các thông tin CPET cung cấp về: hô hấp, tim mạch, cơ, chuyển hóa…

10 nghiên cứu trên CPET của bệnh nhân gần đây cho thấy hậu COVID bệnh nhân có rối loạn nhịp thở (kiểu thở bất thường), suy giảm thể lực. Tuy nhiên nếu sau khi làm CPET, đáp ứng của phổi, tim mạch, của đều bình thường thì đó là một tin mừng, như vậy nguyên nhân gây khó thở, hồi hộp là do tâm lý, bệnh nhân sẽ tìm đến bác sĩ tâm lý, tâm thần kinh để được hỗ trợ.

Tình trạng khó thở hậu covid có nhiều nguyên nhân, nhưng tâm thần kinh là nguyên nhân quan trọng, vì trong đại dịch, nhiều người trải qua thời gian ở bệnh viện, bị cách ly, cô lập, bị mất mát người thân… những stress này có thể gây khó thở.

Do đó CPET là nghiệm pháp quan trọng, các bác sĩ chỉ được kết luận bệnh nhân này khó thở do yếu tố tâm lý sau khi làm CPET, chứng minh được tim, phổi, cơ, chuyển hóa của bệnh nhân bình thường.

Ở nước ngoài, một lần đo CPET chi phí 1.800 USD (khoảng 40-50 triệu đồng Việt Nam). Nhưng ở 2 cơ sở là Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM và Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng CHAC giá đo CPET chỉ có 2.4 triệu đồng (sau khi đã thực hiện các test đơn giản khác: X-quang, điện tim, siêu âm tim… đều bình thường, chưa tìm thấy bất thường gây khó chịu cho bệnh nhân).

Do đó, theo tôi những bệnh nhân sau khi bị COVID-19, sau khi dứt bệnh, dù sức khỏe bình thường thì ngày thứ 30 vẫn nên đi kiểm tra vì có thể có những bất thường mà mình chưa nhận biết được. Và dĩ nhiên với những người có triệu chứng hậu COVID thì nên đến phòng khám hậu COVID để tìm hiểu lý do vì sao mình bị như vậy (khó thở, đuối sức, rụng tóc, mất kinh…).

Xơ phổi cũng là một di chứng thường gặp ở bệnh nhân hậu COVID nếu được phát hiện thì sẽ điều trị được trong 3-6 tháng. Nếu chúng ta có tình trạng thiếu máu, đông máu, nhịp tim nhanh cũng sẽ được điều trị tốt sau khi tìm được nguyên nhân chính xác, nhanh chóng trở lại công việc bình thường.

Hồng Nhung (ghi)


Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Lần cập nhật cuối: 08:21 01/05/2022 GMT 7
Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (https://alobacsi.com/vi-sao-phai-can-den-nghiem-phap-cpet-de-chan-doan-kho-tho-hau-covid-la-do-tam-ly-n422015.html)

Chủ đề liên quan:

khó thở hậu covid

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY