Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Viêm trực tràng, nguy cơ phát triển thành ung thư nếu không điều trị sớm

Viêm trực tràng là một trong những căn bệnh phổ biến ở đường tiêu hóa, có thể gây nguy hiểm nếu phát hiện, điều trị muộn. Nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và cách điều trị bệnh viêm trực tràng ra sao, hãy cùng Sức khỏe Gia đình tìm hiểu bài viết dưới đây.

I. Viêm trực tràng là bệnh gì?

Hình ảnh trực tràng bị viêm.

Trực tràng là một đoạn ruột nằm ở cuối của đại tràng và trước hậu môn. Đây được xem là cầu nối giữa hai bộ phận này. Về cấu tạo khung xương thì trực tràng nằm ở phía trước xương cùng.

Tuy là một bộ phận nhưng nó lại có điểm khác biệt giữa các giới. Cụ thể:

- Ở nữ giới, phần trước trực tràng sẽ nằm cùng với cổ tử cung, thân tử cung và vòm âm đạo còn phần dưới trực tràng thì liên quan đến thành âm đạo sau;

- Ở nam giới, trực tràng là bộ phận nằm sau bàng quang, tuyến tiền liệt, túi tinh, ống dẫn tinh và nối đến đáy xương chậu.

Viêm trực tràng được hiểu là những tổn thương khu vực phần cuối của ruột già và hậu môn do viêm.

Viêm trực tràng chia làm 2 giai đoạn gồm cấp tĩnh và mãn tính.

- Viêm trực tràng cấp tính là giai đoạn những tổn thương chỉ xuất hiện ở lớp niêm mạc phía trên cùng và chưa xâm nhập và thành ruột;

- Viêm trực tràng mãn tính là giai đoạn nặng của bệnh khi các tổn thương đã xâm lấn sâu vào các lớp biểu mô và tiến lên phía trên niêm mạc đại tràng.

II. Nguyên nhân của viêm trực tràng

Bệnh viêm đại tràng khá phổ biến do xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Bao gồm:

Ăn uống không lành mạnh là thói quen phổ biến gây viêm trực tràng.

1. Thói quen ăn uống không lành mạnh: Thói quen ăn uống quá nhiều thực phẩm giàu protein và chất béo sẽ làm tăng tiết dịch mật, thúc đẩy vi khuẩn đường ruột gây tổn thương trực tràng và dẫn đến viêm nhiễm.

2. Nhiễm trùng: Vi khuẩn lậu, vi khuẩn Herper sinh dục hay các nhiễm khuẩn salmonella, campylobacter, hay ngộ độc thực phẩm cũng là nguyên nhân gây bệnh viêm trực tràng.

3. Bệnh tiêu hóa: Có tới 30% những người mắc các bệnh viêm ruột như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng bị bệnh viêm trực tràng.

4. Sử dụng thuốc kháng sinh: Các loại thuốc kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn có lợi đường ruột gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có hại Clostridium phát triển gây bệnh viêm trực tràng.

5. Quan hệ tình dục không an toàn: Quan hệ qua đường hậu môn sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn chui vào ống trực tràng, làm tăng nguy cơ trực tràng bị viêm nhiễm.

6. Xạ trị ung thư: Nhiều bệnh nhân ung thư thực hiện xạ trị gần sát khu vực trực tràng như xạ trị bệnh ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm trực tràng.

III. Triệu chứng bệnh viêm trực tràng

Trên thực tế, nếu bệnh viêm trực tràng không được phát hiện và chữa sớm thì sẽ xảy ra nhiều biến chứng gây hại và thậm chí ung thư trực tràng có thể xảy ra.

Nhiều bệnh nhân bị viêm trực tràng và thường xuyên trong trạng thái rất khó chịu, lo lắng về việc những vết viêm loét đó có thể gây ung thư trực tràng nên có áp lực rất nặng nề.

Thực tế, sự lo lắng đó là không quá cần thiết nếu bạn sớm phát hiện bệnh và tiến hành điều trị đúng cách, viêm trực tràng có thể nhanh chóng được cải thiện.

Điều quan trọng nhất là phải hiểu các triệu chứng sớm của viêm ruột thừa. Sau đây là 5 dấu hiệu bạn cần ghi nhớ và theo dõi sát sao.

1. Khó tiêu

Triệu chứng khó tiêu thường ít khi được các bệnh nhân phát hiện sớm được, vì đây là một triệu chứng không đặc biệt, không rõ ràng, chủ yếu là hay xuất hiện đờm, buồn nôn, nôn, đầy bụng trên, chán ăn và những triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa như vậy.

2. Tiêu chảy và táo bón xen kẽ

Đây là triệu chứng phổ biến nhất của chứng viêm ruột và cũng là triệu chứng rõ ràng nhất của bệnh viêm trực tràng. Nó thường tái phát nhiều lần, tồn tại trong một thời gian dài và không dễ chữa lành.

Các triệu chứng tiêu chảy có thể xuất hiện từ 2-5 lần mỗi ngày và thậm chí ở một số bệnh nhân nặng hơn còn bị đi ngoài từ 20-30 lần.

Đặc điểm dễ nhận thấy là đi naogi phân rời rạc, mềm, bột nhão, lẫn nhiều nước… Một số trường hợp phân có máu và một số thậm chí có mủ giống như bệnh lỵ.

Những người đi ngoài có máu trong phân chủ yếu là những lần đi đại tiện sau khi thức dậy vào buổi sáng hoặc sau bữa ăn, đôi khi tiêu chảy và táo bón xen kẽ.

3. Đau bụng

Đau bụng thường xảy ra trong khi chứng viêm trực tràng tăng lên, đi kèm tiêu chảy, đau bụng sẽ thuyên giảm sau khi đi tiêu. Cảm giác đau bụng nói chung chủ yếu là đau rõ ràng ở vùng bụng dưới bên trái hoặc bụng trái, bệnh nhân bị đau dai dẳng thường gặp nhiều hơn là đau cấp tính.

Những người mới bị viêm trực tràng tương đối nhẹ thì sẽ không bị đau bụng.

4. Triệu chứng đau từ mức cấp bách, sau đó nặng dần lên

Đây là một dạng đau phổ biến, cảm giác rất muốn đi ngoài nhưng lại không thể đi được, đau cấp bách, và mức độ đau tăng dần lên. Khó đi ngoài.

5. Đi ngoài có máu trong phân

Ở những bệnh nhân bị viêm trực tràng nhẹ thì đi ngoài sẽ có lớp màng máu mỏng kèm theo phân. Bệnh nhân nặng hơn có thể xuất hiện vệt máu đậm hoặc có khối rõ ràng. Thậm chí ở những người nặng sẽ có sự chảy máu ồ ạt trong chốc lát.

IV. Biến chứng của viêm trực tràng

Viêm trực tràng ở giai đoạn nhẹ không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, bệnh sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hại.

1. Thiếu máu

Viêm trực tràng, đặc biệt với những trường hợp nặng thường gây chảy máu liên tục khi đi đại tiện. Nó không chỉ gây đau, khó chịu mà còn khiến bệnh nhân bị thiếu máu nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài. Thiếu máu khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, da dẻ nhợt nhạt.

2. Hình thành vết loét rộng và rò rỉ

Với những trường hợp viêm trực tràng mãn tính, các vị trí viêm có thể hình thành nên các vết loét lớn. Lâu dần, chúng lan rộng qua thành ruột, tạo nên lỗ rò giữa ruột và da hoặc các cơ quan khác với ruột như bàng quang hay âm đạo.

3. Gây ung thư trực tràng

Một biến chứng rất nguy hiểm của bệnh viêm trực tràng là chúng có nguy cơ diễn biến thành ung thư trực tràng nếu bệnh không được điều trị sớm. Biến chứng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người bệnh nên đặc biệt cần lưu ý.

V. Điều trị viêm trực tràng

Viêm trực tràng nếu để lâu sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí gây ung thư trực tràng. Vì vậy, phát hiện và điều trị bệnh sớm là việc cần làm ngay lúc này.

Hiện nay, có 2 phương pháp điều trị viêm trực tràng được áp dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả cao là dùng thuốc điều trị và phẫu thuật.

Điều trị viêm trực tràng bằng thuốc

Phương pháp này được áp dụng cho các trường hợp viêm trực tràng cấp tính, giúp chữa bệnh và giảm các triệu chứng bệnh nhanh chóng, tiện lợi.

Với trường hợp viêm trực tràng do nhiễm trùng Salmonella, người bệnh không nhất thiết phải uống kháng sinh. Thay vào đó, hãy bù nước và điện giải cũng như duy trì chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh là bệnh có thể được chữa khỏi.

Những trường hợp viêm trực tràng do nhiễm khuẩn Shigella, bạn có thể được chỉ định dùng một số loại thuốc như Ampicillin, Ciprofloxacin…

Trường hợp bị viêm trực tràng do quan hệ tình dục không an toàn thường được chỉ định điều trị bằng kháng sinh.

Với những trường hợp bị viêm trực tràng do xạ trị, người bệnh không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu bị chảy máu nhiều thì dùng thuốc kháng viêm như Steroids hoặc thuộc xổ có tác dụng cầm máu, giảm viêm loét. Một số trường hợp có thể điều trị bằng laser để tiêu diệt các mô bệnh tổn thương.

Phương pháp phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp chính được áp dụng cho trường hợp viêm trực tràng mãn tính. Người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật để cát bỏ phần mô tổn thương. Thậm chí cắt bỏ toàn bộ trực tràng với trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

VI. Phòng ngừa viêm trực tràng

Có chế độ ăn uống lành mạnh là một phương pháp điều trị viêm trực tràng hiệu quả.

Một trong những phương pháp phòng ngừa viêm trực trành hiệu quả nhất là lập một chế độ ăn uống điều độ và thói quen sinh hoạt lành mạnh. Cụ thể như sau:

- Thực hiện ăn chín uống sôi và tránh xa những thực phẩm sống, thực phẩm không qua chế biến như rau sống, gỏi cá, tiết canh...

- Đảm bảo chế độ ăn mang lại đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể để giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin C (chanh, cam, bưởi, ớt chuông, cà rốt...)

- Ăn nhiều rau xanh để giúp cho việc tiêu hóa tốt hơn.

- Tránh xa các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá... Đồng thời không lạm dụng các loại thuốc nhuận tràng.

- Uống đủ nước mỗi ngày để giúp thanh lọc và giải độc cho cơ thể hiệu quả.

- Vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi tiểu – đại tiện.

- Chăm chỉ tập thể dục và có chế độ sinh hoạt cũng như làm việc khoa học.

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Viêm trực tràng là căn bệnh phổ biến, có triệu chứng khởi phát rất giống với tiêu chảy. Vì vậy mọi người thường có tâm lý chủ quan không đi khám và thường sẽ tự ý mua thuốc về để điều trị bệnh từ đó khiến cho bệnh diễn tiến nhanh hơn. Các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên đi khám bệnh tiêu hóa ngay sau khi có một trong các dấu hiệu đáng nghi của viêm trực tràng để có phương pháp điều trị sớm và hiệu quả, tránh biến chứng thành ung thư.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/viem-truc-trang-nguy-co-phat-trien-thanh-ung-thu-neu-khong-dieu-tri-som-34135/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY