Cam, quýt, chanh, bưởi
Tinh dầu trên vỏ của các loại quả này là thành phần đặc biệt quan trọng giúp kích hoạt trí não, tăng cường khả năng tập trung, giảm mệt mỏi và làm đẹp. Rất nhiều phương thuốc lấy nguyên liệu từ vỏ cam, quýt và chanh.
Muốn có một giấc ngủ ngon, bạn có thể dùng nước hãm từ vỏ quýt hoặc cam còn tươi nấu sôi trong một giờ, đậy nắp kín, sau đó lược sạch và vắt nước phần vỏ để pha vào bồn tắm.
Còn nếu muốn trị chứng hạ đường huyết, nên nấu sôi hỗn hợp vỏ bưởi tươi cắt nhỏ và nước để hãm trong nửa giờ. Sau đó lược sạch để uống 2-3 lần/ngày khoảng 15 phút trước bữa ăn (khoảng 2 muỗng canh)… Đơn giản nhất, có thể cắt nhỏ và phơi sấy khô các loại vỏ này để tẩy trùng phòng ốc trong nhà và xua muỗi.
Táo tây
Thành phần các chất hóa học có trong vỏ táo, đặc biệt là nhóm chất phytochemical (hay còn gọi là phenolic) được chứng minh là có khả năng chống lại ít nhất 3 loại tế bào ung thư ở người là ung thư vú, ung thư ruột kết và ung thư gan. Gần 22% lượng phenolic mà người Mỹ hấp thụ là từ táo không gọt vỏ.
Ngoài ra, vỏ táo cũng là nơi tập trung nhiều hợp chất xêtôn có tác dụng giảm tới 50% nguy cơ bệnh tim mạch và hàm lượng vitamin C, vitamin B khá cao.
Lê
Một quả lê trung bình có thể cung cấp 100 calo với nguồn vitamin C dồi dào. Tác dụng giảm cân và chữa táo bón của quả lê nằm ở lượng chất xơ của nó.
Một quả lê trung bình có 5g chất xơ, bằng 1/4 lượng chất xơ cơ thể cần có trong một ngày, theo tiêu chuẩn dinh dưỡng. Lượng xơ này phân bổ khá nhiều ở vỏ, nếu không sợ cứng thì không nên bỏ vỏ.
Nho
Vỏ quả nho chứa nhiều chất có khả năng kháng khuẩn. Qua phương pháp đồng vị phóng xạ, người ta thấy chất này không bị phá hủy bởi dịch tiêu hóa nên có thể tuần hoàn khắp cơ thể và cho tác dụng toàn thân rất tốt.
Vỏ nho chứa nhiều resveratrol hơn thịt quả nho. Chất này có khả năng chống oxy hóa mạnh gấp 7 lần vitamin E.
Dưa hấu
Từ lớp vỏ trắng của dưa hấu, bạn có thể chế biến món ăn hoặc làm thuốc đều được. Vỏ dưa hấu xào tốt cho những người bị nóng trong, phát nhiệt, còn nếu xắt nhỏ có thể dùng trong món nộm, có tác dụng kích thích tiêu hoá và rất có lợi cho dạ dày.
Trong Đông y, vỏ dưa dấu còn chữa trị nhiều chứng bệnh như cao huyết áp, phù thũng, viêm thận cấp, viêm thận mạn tính, tiểu đường, nước tiểu đục… bằng phương pháp đơn giản nhất là phơi khô rồi sắc nước đem uống.
Cà rốt
Cà rốt giàu về lượng đường và các loại vitamin cũng như năng lượng. Các dạng đường tập trung ở lớp vỏ và thịt nạc của củ; phần lõi rất ít.
Vì vậy tiêu chuẩn để đánh giá cà rốt chất lượng chính là ở lớp vỏ dày của nó. Trong 100g ăn được của Cà rốt, theo tỷ lệ % có: nước 88,5; protid 1,5; glucid 8,8; cellulose 1,2; chất tro 0,8. Muối khoáng có trong Cà rốt như kalium, calcium, sắt, phosphor, đồng, bor, brom, mangan, magnesium, molipden...
Trong vỏ Cà rốt có rất nhiều vitamin C, D, E và các vitamin nhóm B; ngoài ra, nó còn chứa nhiều chất caroten (cao hơn ở Cà chua); sau khi vào cơ thể, chất này sẽ chuyển hoá dần thành vitamin A.
Khoai tây
Vỏ ngoài của khoai tây là nơi tập trung phần lớn chất xơ, rất nhiều chất dinh dưỡng khác cũng phân bố ở gần vỏ. Chính vì vậy, nếu muốn tận dụng cả giá trị dinh dưỡng của chúng, tăng khả năng hỗ trợ đường ruột của chất xơ, hãy dùng cả củ. Dịch chiết vỏ khoai tây cũng có tác dụng như một loại kháng sinh, giúp ngăn ngừa vi khuẩn bám dính vào tế bào, bước đầu tiên của quá trình nhiễm trùng.
Cà chua
Sắc tố lycopen chứa trong vỏ cà chua được người ta biết đến như một chất màu cứng đầu khó giặt khi dính vào quần áo hay các hộp nhựa, thế nhưng lycopen lại có lợi cho cơ thể, đặc biệt là hiệu năng cải thiện sức khỏe tim mạch.
Người ta có thể tìm thấy lycopen trong nhiều loại trái cây và rau quả có màu cam hay đỏ như dưa hấu, đu đủ, gấc, nhưng nhiều nhất là cà chua. Nếu như nấu nướng hoặc chế biến làm thay đổi hàm lượng vitamin thì ngược lại càng làm tăng hàm lượng lycopen. Lycopen có hiệu quả trong điều trị loãng xương, ung thư (đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt), tiểu đường, kể cả chứng vô sinh nam, tim mạch....
Khoai lang
Vỏ khoai lang mỏng nhưng chứa nhiều vitamin và khoáng chất đồng thời có tác dụng bảo vệ các chất bên trong.
Người Nhật cho rằng: Ăn khoai lang cả vỏ sẽ ngăn ngừa được ung thư đại tràng. Chỉ cần rửa thật sạch đất cát, tạp chất bám ngoài vỏ củ khoai, loại bỏ chỗ hà, giữ phần vỏ không bị sây sát rồi chế biến là được.
Củ cải trắng
Lớp vỏ của củ cải trắng chứa hàm lượng canxi cao hơn thịt củ. Canxi có tác dụng bổ sung canxi cho cơ thể, chống bệnh còi xương của trẻ em và chống bệnh loãng xương người có tuổi. Ngoài ra, lớp vỏ này còn chứa hàng loạt các vitamin như muối khoáng, photpho, sắt....
Xoài
Vỏ quả xoài chín cũng như quả xoài có tác dụng cầm máu tử cung, khai huyết, chảy máu ruột, dưới dạng cao lỏng với liều 10g cao lỏng cho vào 120ml nước rồi cứ cách một hay hai giờ cho uống một thìa cà phê. Vỏ xoài phơi khô còn có tác dụng chữa đau răng, viêm lợi.
Gừng
Người ta thường lột sạch vỏ mà không biết rằng đã bỏ đi phần quý giá nhất của nó. Dược tính của gừng tập trung phần lớn ở vỏ.
Theo Đông y, vỏ gừng đắng, lạnh, không độc, giúp tăng khí, chữa bệnh. Việc gọt vỏ không những đã vứt bỏ dược tính của gừng mà còn làm biến đổi cả mùi vị của nó, làm cho gừng từ tính lạnh biến thành tính nóng. Vì vậy khi sử dụng, chúng ta nên để cả vỏ gừng nhưng phải rửa sạch.
Lưu ý:
Với những công dụng từ vỏ của một số loại củ quả trên, về mặt lý thuyết bạn không nên bỏ vỏ. Song, trong tình trạng bất an về vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, với những loại quả như táo lê, cam, quýt… dùng cả vỏ chưa chắc đã có lợi, thậm chí còn gây hại gấp nhiều lần do thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản… còn dính trên vỏ.
Do đó, nên thận trọng cân nhắc khi quyết định có nên sử dụng cả vỏ quả hay không và nên đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Vitamin và các khoáng chất có thể bổ sung bằng nhiều cách, nhưng nhiễm độc từ các hóa chất bảo quản thì gây hại khôn lường.
Thành Hảo
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: