Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Vối: nhiều tác dụng tuyệt vời, nhưng dùng sao cho tốt?

Ở nước ta, từ lâu, nụ vối và lá vối được người dân dùng làm trà uống giải khát rất tốt vì ngoài nước ra, cơ thể còn được cung cấp một số muối khoáng và vitamin cần thiết khi uống nước vối.

Cây vối có tên khoa học là Cleistocalyx operculatus, thuộc họ Sim (Myrtaceae). Đây là loài dễ trồng, sinh trưởng chủ yếu ở vùng nhiệt đới, và có thể tồn tại trên cả các vùng khí hậu khắc nghiệt.

Hiện nay nhờ những công dụng tốt cho sức khỏe của lá, nụ và vỏ vối nên người dân trồng vối trên khắp cả nước, dùng hãm uống như nước trà. Nước vối có mùi thơm dễ chịu, vị ngọt thanh mát.

Trong lá, nụ vối có tanin, một số chất khoáng, vitamin và có khoảng 4% tinh dầu. Lá vối có tác dụng kiện tì, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Chất đắng, chát trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột, tinh dầu vối có tính kháng khuẩn nhưng đặc biệt không hại vi khuẩn có ích trong ruột.

Một số chất kháng sinh được tìm thấy trong vối có khả năng diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Streptococcus, Staphylococcus, vi khuẩn bạch hầu, phế cầu, Salmonella… Lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi là thuốc sát khuẩn dùng chữa nhiều bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt.

Dưới đây là 9 công dụng điều trị hữu hiệu của lá và nụ vối:

1. Hỗ trợ bệnh nhân bị gout

Theo lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình, Hà Nội): Lá và nụ vối có công dụng giúp tiêu hóa thức ăn (nhất là thức ăn có nhiều dầu mỡ), giảm béo, lợi tiểu, tiêu độc. Bệnh nhân gout là do ăn uống nhiều chất béo ngọt, ứ đọng chất uric; mặt khác do hệ thống tiêu hóa và thận bài tiết không tốt, dẫn đến uric ứ đọng ở các khớp gây ra tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau tại các khớp.

2. Giúp kiểm soát bệnh tiểu đường

Kết quả nghiên cứu lâm sàng giữa Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam và Đại học Phụ nữ Nhật Bản đã chứng minh các hợp chất flavonoid trong chè nụ vối rất hiệu quả trong việc hỗ trợ kiểm soát đường huyết trên bệnh nhân tiểu đường.

Người bệnh tiểu đường nếu uống thường xuyên loại trà này sẽ giúp ổn định đường huyết, giảm mỡ máu, chống ôxy hóa tế bào, bảo vệ tế bào beta tuyến tụy, phòng ngừa đục thủy tinh thể và giúp tăng chuyển hóa cơ bản. Điều đặc biệt là uống nụ vối không có tác dụng phụ đáng kể nên có thể uống thường xuyên.

3. Điều trị bệnh mỡ máu

Sử dụng lá hay nụ vối từ 15-20g, hãm lấy nước uống thay trà trong ngày hoặc nấu thành nước đặc chia 3 lần uống trong ngày và uống trong thời gian dài mới có hiệu quả mong muốn.

4. Hỗ trợ điều trị bỏng

Vỏ cây vối có tính sát trùng nên khi bỏng nhẹ, lấy vỏ cạo bỏ vỏ thô, rửa sạch, giã nát, hòa với nước sôi để nguội, lọc lấy nước, bôi lên khắp chỗ bỏng. Thuốc sẽ làm giảm tiết dịch, hết phồng, dịu đau, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Ngoài ra còn chữa ghẻ và vết thương lở loét.

5. Hỗ trợ chữa ngứa lở và chốc đầu:

Lấy lá vối tươi lượng vừa đủ nấu kỹ, lấy nước để tắm, rửa nơi lở ngứa và gội đầu chữa chốc lở.

6. Hỗ trợ chữa viêm gan – vàng da

Dùng rễ vối 200g sắc với 500ml còn 250ml uống 2 lần mỗi ngày.

7. Hỗ trợ chữa chướng bụng – không tiêu

Vỏ thân cây vối 6-12g, sắc kỹ với 500ml còn 200ml, chia uống 2 lần trong ngày hoặc dùng nụ vối 10-15g, sắc với 500ml còn 300ml uống 3 lần trong ngày.

8. Chữa viêm đại tràng mãn tính – tiêu chảy đau bụng âm ỉ

Sử dụng 200g lá vối tươi, vò nát, dùng 2 lít nước sôi, ngâm trong 1 giờ để uống thay nước.

9. Chữa đau bụng tiêu chảy, phân sống

Lá vối 3 cái, vỏ ổi 8g, núm quả chuối tiêu 10g. Cùng thái nhỏ phơi qua cho khô sắc với 400 ml nước, còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày, dùng liền 2-3 ngày.

Tuy nhiên cần phải ghi nhớ uống nước vối đúng cách

Lương y Bùi Hồng Minh khẳng định, mặc dù là đồ uống rất tốt nhưng không có nghĩa là tận dụng uống thật nhiều mỗi ngày. Nhiều người thậm chí còn sử dụng nước vối để uống thay nước lọc hàng ngày thì càng không tốt cho sức khỏe. Muốn uống nước vối để hỗ trợ cơ thể khỏe mạnh cần tuân thủ những điều sau:

Không uống nước vối khi đói hoặc uống nước vối quá đặc

Theo lương y Bùi Hồng Minh, nước vối có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa, chống đầy bụng, ăn ngon miệng, thanh lọc chất độc. Do đó, uống nước vối khi đói sẽ làm nhu động ruột hoạt động nhiều, gây cảm giác thèm ăn, mệt mỏi, sa sầm mặt mày, mất năng lượng. Đây cũng là biểu hiện của tụt huyết áp do đói.

Vì thế, ngoài tác dụng của nước vối người dùng cần lượng thể trạng, sức khỏe để uống sao cho có hiệu quả nhất. Tốt nhất không nên uống nước vối quá đặc.

Không nên uống nước lá vối tươi

Việc dùng lá vối tươi có các tác nhân kháng viêm và kháng khuẩn rất mạnh có thể dẫn tới tình trạng hao huyết và tiêu diệt những vi khuẩn có lợi. Trong thực tế, nhân dân ta thường lấy lá vối để tươi vò nát, nấu với nước sôi lấy nước đặc gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm. Nói như vậy để thấy tính kháng khuẩn, kháng viêm cực mạnh của lá vối tươi. Chỉ nên dùng ngoài sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn trong chữa bệnh.

Mỗi ngày chỉ nên uống một ly hoặc một ấm nước vối

Mọi người có thể dùng lá hoặc nụ vối với liều lượng khoảng 1 ấm nước lá vối/1 ngày hoặc một ly nước lá vối/1 ngày là được. Không nên uống nhiều quá vì sẽ không tốt cho hệ bài tiết. Chuyên gia khuyên, bạn cũng không nên uống nước vối quá nhiều sau khi ăn có thể gây cản trở hấp thu dưỡng chất, nếu pha loãng thì không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hoài Nguyễn

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/voi-nhieu-tac-dung-tuyet-voi-nhung-dung-sao-cho-tot-26738/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY