Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Xác định hen phế quản ở trẻ em thế nào?

Cần phải nghĩ đến hen nếu trẻ có bất kỳ một trong các dấu hiệu và triệu chứng sau

Tiếp theo số 124

Những trẻ nào bị khò khè được chẩn đoán là hen?

Cần phải nghĩ đến hen nếu trẻ có bất kỳ một trong các dấu hiệu và triệu chứng sau:

Khò khè rõ nghe được bằng tai hoặc bằng ống nghe (tuy nhiên cũng cần lưu ý nếu nghe phổi bình thường cũng chưa thể loại trừ được hen);

Tiền sử có một trong các dấu hiệu sau: khò khè tái phát nhiều lần; ho, đặc biệt ho nhiều về đêm; khó thở tái phát nhiều lần; nặng ngực tái đi tái lại nhiều lần.

Các triệu chứng trên thường xảy ra và nặng hơn về đêm và làm trẻ thức giấc hoặc khi: tiếp xúc với lông súc vật, tiếp xúc hoá chất, thay đổi thời tiết, tiếp xúc với bụi nhà, uống Thu*c (aspirin, Thu*c chẹn beta), gắng sức, chạy nhảy đùa nghịch nhiều, tiếp xúc với dị nguyên hô hấp như phấn hoa, nhiễm virut đường hô hấp, hít phải khói các loại như khói Thu*c lá, bếp than, củi, dầu... Rối loạn cảm xúc mạnh như quá xúc động, quá buồn, quá vui...

Nếu trẻ có các biểu hiện dị ứng như chàm hoặc trong gia đình có người bị hen hoặc có các cơ địa dị ứng khác thì khả năng trẻ bị hen nhiều hơn.

Tuy nhiên, không có một xét nghiệm nào có ý nghĩa quyết định trong chẩn đoán hen ở trẻ em, do đó, người thầy Thu*c lâm sàng cần thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng, hỏi tiền sử và tập hợp các dữ liệu lâm sàng - xét nghiệm, kể cả việc điều trị thử nếu thấy cần thiết và theo dõi diễn biến của bệnh mới có thể chẩn đoán đúng bệnh trong những trường hợp khó.

Chẩn đoán phân biệt với bệnh nào?

Cần phải chẩn đoán phân biệt với một số nguyên nhân hiếm gặp cũng có thể gây ra khò khè tái phát ở trẻ nhỏ bao gồm: bệnh xơ nang (cystic fibrosis); hội chứng hít phải sữa tái phát; thiếu hụt miễn dịch tiên phát; tim bẩm sinh; các dị tật bẩm sinh, đặc biệt là dị tật ở các mạch máu lớn đè ép gây hẹp đường hô hấp đoạn trong lồng ngực; dị vật đường thở ở phế quản. Do đó, cần chụp Xquang lồng ngực và các xét nghiệm thăm dò khác để loại trừ các nguyên nhân này.

Một số lưu ý đặc biệt

Đối với trẻ còn bú, các chẩn đoán phân biệt khác cần đặt ra là: rối loạn miễn dịch; trào ngược dạ dày - thực quản; dị vật đường thở; mềm sụn khí phế quản; hẹp phế quản; tim bẩm sinh; bệnh xơ nang (cystic fibrosis); lao sơ nhiễm, hạch lao chèn ép vào phế quản.

Đối với trẻ nhỏ trước tuổi đi học cần lưu ý chẩn đoán phân biệt với các bệnh sau: các đợt nhiễm virut đường hô hấp dưới rất thường gặp ở trẻ nhỏ; dị vật đường thở; luồng trào ngược dạ dày - thực quản; bệnh xơ nang (cystic fibrosis); Rối loạn miễn dịch; lao sơ nhiễm...

Đối với trẻ ở tuổi học đường cần phải chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác có thể gây ho dai dẳng và khò khè như: viêm xoang; rối loạn miễn dịch như thiếu hụt IgG có thể gặp ở trẻ nhỏ với các biểu hiện viêm tai giữa, viêm xoang và ho kéo dài; viêm mũi, dị dạng vách ngăn mũi gây chảy mũi sau cũng gây ho kéo dài; trào ngược dạ dày - thực quản...

Tóm lại, trẻ càng nhỏ thì càng có nhiều bệnh gây khò khè.

Trẻ nhỏ có khò khè tái phát nếu kèm theo các biểu hiện dị ứng khác và tiền sử gia đình có người bị hen thì thường có biểu hiện hen rõ rệt khi trẻ lớn.

PGS.TS.BS. Nguyễn Tiến Dũng

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (http://suckhoedoisong.vn/xac-dinh-hen-phe-quan-o-tre-em-the-nao--n120594.html)
Từ khóa: hen phe quan

Chủ đề liên quan:

hen phe quan

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY