Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Xuất hiện 1 trong 7 dấu hiệu này, bạn cần phải đi khám ngay vì đó có thể là biểu hiện của ung thư phổi

Tại Việt Nam, năm 2018 có 23.000 ca mắc ung thư phổi mới và hơn 20.000 người tử vong mỗi năm vì căn bệnh này. Các chuyên gia nhận định, con số này sẽ tiếp tục tăng lên theo mỗi năm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, với 1,59 triệu ca tử vong trong năm 2012. Đây thật sự là con số đáng báo động.

Hiểu đúng về ung thư phổi để phòng ngừa

Ung thư phổi hay ung thư phế quản, là khi các tế bào phát triển nhanh bất thường trong đường dẫn khí ở các mô phổi. Nếu không được điều trị kịp thời, ung thư phổi phát triển di căn đến nhiều bộ phận trên cơ thể gây đau đớn, tàn phế và nguy cơ dẫn đến tử vong rất cao.

Nghiên cứu cho thấy nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi gắn liền với các yếu tố như: không khí thiếu vệ sinh, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, nguồn nước nhiễm độc… Đặc biệt, khi các yếu tố này kết hợp với nhau, nguy cơ mắc bệnh càng tăng.


Bệnh chia làm hai nhóm và được đặt tên theo kích thước của khối u, khác nhau về điều trị và tiên lượng bệnh. Để xác định được loại ung thư phổi, các bác sĩ phải quan sát trực tiếp trên kính hiển vi.

  • Ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm 15-20%): Ung thư loại này khá hiếm, trong 8 người mắc ung thư phổi thì chỉ có 1 người mắc loại này. Tuy nhiên, đây là loại ung thư có tốc độ lây lan vào máu và các bộ phận khác trên cơ thể khá nhanh. Thông thường, khi phát hiện thì bệnh đã có tiến triển khá nặng. Do đó, hóa trị là phương án tối ưu cho những ai mắc phải loại ung thư phổi này.

    Ung thư phổi tế bào nhỏ có tốc độ phát triển rất nhanh

  • Ung thư phổi tế bào lớn (chiếm 80-85%): Chiếm đa số. Trong 8 người mắc ung thư phổi thì có 7 người mắc ung thư phổi tế bào lớn. Loại này không phát triển nhanh như ung thư phổi tế bào nhỏ. Trong trường hợp phát hiện sớm bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành hoá trị và xạ trị để giúp người bệnh chữa khỏi căn bệnh này.

7 dấu hiệu giúp bạn nhận biết ung thư phổi

Các triệu chứng ung thư phổi sẽ xuất hiện tùy thuộc vào vị trí và kích thước của khối u, mức độ xâm lấn đến các cơ quan lân cận cũng như mức độ di căn ở những cơ quan xa hơn. Theo các chuyên gia, các dấu hiệu của ung thư phổi khá đa dạng. Cụ thể là:

1. Ho: Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện ho, có thể là ho khan, ho có đờm, ho ra máu... Tuy nhiên, đây không phải là triệu chứng đặc thù của ung thư phổi nên thường bị người bệnh bỏ qua hoặc lầm lẫn với các bệnh khác. Vì vậy, nếu ho dai dẳng và không đáp ứng được các loại điều trị khác, thì người bệnh nên đến bệnh viện để thăm khám.

2. Khó thở: Tình trạng này xảy ra khi khối u phát triển gây hẹp lòng khí quản hoặc chèn ép vào đường thở, khiến quá trình hô hấp trở nên khó khăn. Lúc này, người bệnh sẽ xuất hiện những tiếng thở khò khè nặng nhọc.

3. Đau ngực: Khi khối u đã xâm lấn đến thành ngực gây đau ở các điểm tương ứng như: ngực, lưng hoặc vai. Cơn đau sẽ dai dẳng, âm ỉ, càng tăng lên khi người bệnh cười, nói chuyện hoặc hít sâu.

4. Sút cân không rõ nguyên nhân: Nguyên nhân có thể là do khối u phát triển nhanh khiến gia tăng đột ngột sự trao đổi chất. Nếu không phải đang trong quá trình tập luyện, giảm cân, thì người bệnh cũng nên đến bác sĩ thật sớm để được kiểm tra.

5. Khàn tiếng: Khàn tiếng là kết quả của hiện tượng khối u xâm lấn trực tiếp vào dây thần kinh quặt ngược. Di căn vào các hạch bạch huyết vùng cổ xảy ra từ 15 - 20% số bệnh nhân và nếu sờ thấy khối u trên cơ thang thì độ chắc chắn lên đến 85%.

6. Đau vùng vai: Khi khối u phát triển chèn lên phần trên của phổi, tạo áp lực dẫn đến đau nhức vai, cánh tay và bàn tay.

7. Nổi hạch cổ: Khi người bệnh tự sờ thấy khối hạch vùng cổ, đặc biệt là các hạch rắn chắc, to nhanh không đi kèm với các dấu hiệu viêm nhiễm vùng họng, miệng thì nên đến viện để nhận được thăm khám và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa ung thư.

5 nguyên tắc nói không với ung thư phổi

Theo bệnh viện Bạch Mai, ung thư phổi được xếp vào loại ung thư khó phát hiện sớm. Bởi, các triệu chứng thường không đặc biệt nên người bệnh dễ bỏ qua hoặc lầm lẫn với các bệnh khác như: Lao phổi hoặc viêm phế quản phổi.

Hầu hết, những người bị mắc ung thư phổi không hề có triệu chứng cho đến khi ung thư tiến triển.

Hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện ở giai đoạn muộn, giai đoạn cuối hoặc sau khi điều trị nhiều đợt mà không khỏi. Lúc đó, bệnh nhân chỉ có cơ hội sống thêm 6-12 tháng. Vì vậy, ngoài các dấu hiệu nhận biết trên, các chuyên gia luôn khuyến cáo: Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bạn có thể bảo vệ lá phổi khỏe mạnh, nếu thực hiện đúng 5 nguyên tắc dưới đây:

  1. Ngưng hút thuốc/ tránh tiếp xúc với khói thuốc: Theo bệnh viện Bạch Mai, mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi nhưng có khoảng 90% bệnh nhân ung thư phổi là do hút thuốc lá, hoặc tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá bị động) trong thời gian dài.

Trong khói thuốc lá có 7000 chất, trong đó có 69 chất gây ung thư, đặc biệt là formaldehyde, nitrosamine, benzen… Các hóa chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây viêm mạn tính, phá hủy tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hóa.

  1. Ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật: Chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học với nhiều rau xanh, trái cây như: Táo, lựu, bí đỏ, rau bina… cung cấp các vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa… giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt. Từ đó, giúp cơ thể đẩy lùi nguy cơ mắc ung thư, trong đó có ung thư phổi.

  1. Thường xuyên tập thể dục, thể thao: Khi cơ thể khỏe mạnh, thông khí phổi tốt, khả năng miễn dịch sẽ tăng, lúc đó các tế bào lạ cũng ít có cơ hội phát triển thành khối u. Chạy bộ, đạp xe đạp, bơi, yoga, thiền, gym... được nhiều chuyên gia sức khỏe khuyên bạn tập thường xuyên.

    Thường xuyên tập thể dục để ngăn ngừa ung thư phổi

  1. Tránh các loại khí độc: Nếu tính chất công việc thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại như: amiăng, thạch tín (asen), crom, chì…, thì đừng quên trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ lao động như: Áo quần, găng tay, mặt nạ phòng độc,...)

  1. Khám sức khỏe định kỳ: Để đề phòng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ từ 3-6 tháng/lần. Đặc biệt, những người hút thuốc lá lâu năm, người có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi, người trên 40 tuổi... thì nên đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt.

Cuộc sống bận rộn ngày nay dễ khiến bạn lơ là với tình trạng sức khỏe của mình. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ rằng “sức khỏe là tài sản vô giá”. Vì vậy, hãy luôn chăm sóc bảo vệ sức khỏe tránh xa mọi bệnh tật, đặc biệt là căn bệnh ung thư phổi nhé!

Ánh Dương

(Theo Người đưa tin)


Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/xuat-hien-1-trong-7-dau-hieu-nay-ban-can-phai-di-kham-ngay-vi-do-co-the-la-bieu-hien-cua-ung-thu-phoi-29656/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY