Ngày rằm tháng sáu âm lịch, với các phật tử theo truyền thống phật giáo nguyên thủy là một trong những ngày quan trọng nhất trong năm
Ngày rằm tháng 6 âm lịch là ngày trọng đại một lúc 5 sự kiện lịch sử dưới đây
1/ Bồ tát giáng trần
2/ Bồ tát xuất gia
3/ Ðức Phật chuyển Pháp Luân
4/ Ðức Phật thị hiện song thông nhiếp phục ngoại đạo
5/ Và sau ngày này, chư Tăng phật giáo Nam truyền bắt đầu mùa An cư Kiết hạ.
Kiếp trước tiền thân của Đức Phật Gotama ( Phật Thích Ca Mâu Ni) là Bồ Tát Setasetu, Ngài sống trên cõi Trời Đâu Suất, đến khi sắp hết tuổi thọ, Vua trời Ðế Thích và Chư Thiên đã đồng nhau cung thỉnh Ngài giáng phàm để sau này cứu độ chúng sinh.
Đức Phật là thầy của tam giới nên Ngài phải chọn người có đại duyên, đại nguyện với Ngài trong vô lượng kiếp. Vua Suddhodana ( Vua Tịnh Phạn) và chánh hậu Mahāmāyādevī ( Hoàng hậu Mada), hai người này đã từng là cha mẹ của Ngài trong nhiều kiếp nên Ngài chọn hai vị này làm quyến thuộc.
Ngài đồng ý giáng sanh xuống trần gian để sau này thành đạo tiếp độ chúng sinh. hôm đó là ngày rằm tháng sáu, năm 624 trước tây lịch. (là ngày mà hoàng hậu mada có thai) - 10 tháng sau là rằm tháng 4 hoàng hậu hạ sanh thái tử siddhattha (tất đạt đa) sau này chính là đức phật thích ca mâu ni.
Thái Tử Siddhattha (Tất Đạt Đa - 29 tuổi) sống trong cung vàng điện ngọc, nhiều lần xin vua cha cho đi xuất gia nhưng Ngài không đồng ý. Một ngày Ngài xin vua cha cho rời khỏi hoàng cung để tìm hiểu cuộc sống bên ngoài, vừa ra khỏi cổng thành, có Xa Nặc đi theo. Đầu tiên thì Ngài thấy một người bệnh đau đớn nằm quằn quại bên đường. Điều này trong hoàng cung Ngài không có gặp, hồi nào đều thấy lạc quan vui vẻ, (Nhưng người bệnh này không phải bệnh thiệt mà do Chư Thiên hóa ra, mà hóa ra cho Bồ Tát Siddatha tỉnh ngộ). Ngài buồn quá không muốn đi nữa, về lại hoàng cung, Ngài hỏi Xa Nặc tại sao người kia bệnh vậy, Xa nặc nói có thân phải có chịu khổ Ngài ơi, một ngày nào đó Ngài cũng phải bị bệnh như người ta, Ngài thấy vậy hết cả vui, buồn quá về cung. Vài tháng sau lại bắt đầu đi chơi lần 2 cho khuây khỏa, Ngài bắt gặp 1 cụ già lọm khọm, lụm cụm, lão hóa chống cây gậy bước đi từng bước, lưng còm, ....Ngài lại hỏi Xa Nặc, Xa Nặc lại nói: Khi còn trẻ thì sung sức, khi về già lão hóa đưa đến vấn đề già nua, tật bệnh, rồi 1 ngày nào đó Ngài đi qua tuổi thanh xuân Ngài cũng phải chống gậy, lưng còng, mắt mờ, tai điếc, già nua. Nghe thấy vậy buồn, suy nghĩ. Thực ra ông già đó cũng lại là 1 vị Chư Thiên, Thiên Xứ nhắc nhở cho Đức Bồ Tát, Ngài lại trằn trọc, thấy buồn, rồi vài tháng sau lại đi du ngoạn cho khuây khỏa.
Thời đó Ấn Độ thường hỏa táng, hoặc thủy táng, Lần thứ 3 Ngài gặp 1 xác chết nằm bên vệ đường bị Quạ mổ, kên kên rỉa xác, thế là Ngài lại mất hứng, không còn vui nữa, thấy đời Người chán quá ( đó cũng là hình thức mà Chư Thiên hiện xuống để thức tỉnh Bồ Tát) lúc này Ngài mới hỏi Xa Nặc, sao ghê vậy, Xa Nặc mới nói có gì đâu mà ghê vì Ngài trước sau gì cũng chết, mà Ngài chết thì cũng như vậy thôi. Nghe nói vậy Thái Tử lại buồn thêm, còn gì mà vui nữa, thôi đi về.
Bệnh, Lão, Tử là 3 hiện tượng nhắc nhở, thức tỉnh làm cho Đức Bồ Tát buồn rầu, Sầu Khổ. Nhưng mà nằm đó không thể khuây khỏa được, Lần thứ 4 Ngài cũng đi ra cổng thành, Ngài bắt gặp 1 ông đầu trần chân đất, quấn một cái y phấn tảo cũ rách sờn nhẹ, mà sao thấy khuôn mặt tươi tắn thần thái ung dung, đầu không đội nón, chân đi chân đất, tự tại thanh thoát quá, ngạc nhiên Ngài đến hỏi:
Vì cớ chi ăn mặc thất thường
Thầy rằng : Tôi xả du phương, Tu mong thoát khỏi con đường tử sanh
Ngài nhận ra sự thật nằm ở đây, Nhờ có cái Tu này tránh được luân hồi sanh tử khổ đau,
...Trích đoạn Pháp Thoại của TT Trí Đức - Bài giảng ngày 13-07-2022
Vừa bước chân vô hoàng cung, thì tỳ nữ báo đã sanh ra thái tử, chờ ngài tất đạt đa đặt tên cho con, lúc này thái tử nghĩ trời ơi đang muốn đi tu mà lại có đứa con này đúng là trói buộc, trói buộc, và thế là hoàng tử tên là rahula ( có nghĩa là trói buộc),. mặc dù có hoàng tử, nhưng thái tử vẫn quyết chí đi tu, đêm hôm ấy vào ngày rằm tháng 6 âm lịch, bồ tát xuất gia.
Sau khi rời thành xuất gia đi tu, Đức Phật lần lượt gặp 2 vị Thầy để học đạo
Vị Thầy đầu tiên là đạo sĩ Àlàra Kàlama: Bồ Tát đi vào rừng tìm Thầy học đạo. Đầu tiên Bồ Tát gặp một vị Thầy có đông đệ tử, tên là
- Vị Thầy đầu tiên là đạo sĩ Àlàra Kàlama: Bồ Tát đi vào rừng tìm Thầy học đạo. Đầu tiên Bồ Tát gặp một vị Thầy có đông đệ tử, tên là Àlàra Kàlama. Vị Thầy này dạy thiền Yoga, đến tầng thứ 3 là Vô Sở Hữu xứ định. Chỉ trong một thời gian ngắn miên mật tu tập, Sa môn Cồ Đàm thể nhập vào cảnh giới Vô Sở Hữu Xứ Định. (Hai tầng thiền trước là Không Vô Biên Xứ và Thức Vô Biên Xứ). Sa môn Cồ Đàm đến trình với Thầy của mình và hỏi Thầy còn pháp gì dạy Ngài nữa hay không? Trong kinh ghi là đạo sĩ Àlkarà Kàlama rất hoan hỷ trước sự thành đạt của Ngài, nhưng rất tiếc là ông không còn pháp gì cao hơn để dạy thêm cho Ngài nữa nên mời Ngài lưu lại để cùng hướng dẫn đồ chúng với ông, nhưng Ngài đã chối từ vì chưa đạt được những gì Ngài tìm cầu. Do đó Ngài xin phép và từ giã Thầy ra đi.
- Vị Thầy thứ hai là đạo sĩ Uddaka Ràmaputta: Sau đó, qua sự chỉ dẫn của đạo sĩ Àlàra Kàlama, Bồ Tát tìm đến vị đạo sĩ nổi tiếng khác là đạo sĩ Uddaka Ràmaputta. Vị này dạy tầng thứ tư của thiền Yoga là: Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ định. Cũng trong thời gian ngắn Bồ Tát đã thể nhập vào cảnh giới của tầng định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Nơi đó không còn tri giác, mà cũng không có không tri giác, tâm chìm lắng trơ lặng, khiến người tu không biết có tâm hay không có tâm, đấy là tầng thiền cao nhất thời bấy giờ. Tuy Ngài chế ngự được tâm mình bằng Ý thức, nhưng mà cũng không thấy có Thượng trí, Niết Bàn là mục tiêu của Ngài. Vì thế một lần nữa Bồ Tát Cồ Đàm quyết định từ tạ Thầy ra đi, mặc dù vị Thầy thứ hai này cũng đã mời Bồ Tát ở lại cùng hướng dẫn đồ chúng.
Bồ Tát Cồ Đàm rời vị Thầy thứ hai, tìm đến núi rừng Dungsiri. Đây là khu rừng rậm đằng xa nhìn thấy có nhiều cây xanh mát mẻ nhưng đến gần thì muỗi mồng văng mắc, cỏ gai lan tràn trên mặt dất. Nơi đây hiện có nhiều tu sĩ thực hành các lối tu khổ hạnh. Khổ hạnh là lối tu tự hành hạ xác thân, không ăn, không tắm, sống như thú vật. Họ dùng ý chí mạnh mẽ để chận đứng những ham muốn, dục lạc của tự ngã. Ở nơi đây, Bồ Tát thấy có nhiều vị tu sĩ không mặt quần áo đang lăn lộn nằm trên gai, có vị đang treo chân trên cành cây chúi đầu xuống đất, mặt mày đầy bùn tro chỉ chừa hai con mắt, có vị râu tóc rối bù phủ không thấy mặt, có vị đang bẻ quặt cánh tay ra phiá sau lưng mặt nhăn nhó biểu lộ sự đau đớn tột cùng, có vị cầm cây đánh vào thân thể máu túa ra trông thật đáng sợ.
Trích dẫn Nguồn: Thư Viện Hoa Sen
Sau khi gặp 2 vị thầy chứng đắc được vào tầng thiền cao nhất, ngài thấy chưa thể giải thoát, rồi thái tử siddatha lại tiếp tục phương pháp tu khổ hạnh trong rừng (mỗi ngày ngài ăn có 1 hạt mè), nhưng vẫn không thể giải thoát. cuối cùng ngài quyết định ra đi tự tìm con đường giải thoát cho chính mình. sau 49 ngày ngồi thiền dưới cội bồ đề, đúng vào rạng sáng ngày rằm tháng sáu, năm 228 trước tây lịch thì ngài đã chứng được đạo quả.
Ðây là bài pháp nồng cốt trong triết lý Phật Giáo, là bài pháp đầu tiên mà Đức Phật thuyết giảng sau khi Ngài giác ngộ, cũng còn gọi là Kinh Chuyển Pháp Luân – Dhammacakkappavattanasutta.
Nội dung bài pháp đầu tiên, gồm có bốn vấn đề:
1. Khổ đế: trình bày tất cả những nỗi đau khổ trên trần gian
2. Tập đế: chỉ rõ nguyên nhân của đau khổ là Ái dục
3. Diệt đế: là trạng thái tịch tịnh, vắng lặng, Níp-bàn
4. Ðạo đế: là con đường Trung đạo có tám ngành.
Tóm lại, Ngài chỉ cho chúng sinh thấy niềm đau nỗi khổ trên cuộc đời và nguyên nhân đưa đến đau khổ. Ðồng thời Ngài giới thiệu sau khi hết khổ sẽ có hạnh phúc, an lạc, tự do và thoải mái và sau đó Ngài chỉ cho thấy những con đường phải đi để thành tựu được niềm hạnh phúc vĩnh cửu.
Kinh ghi lại trước khi Ngài bắt đầu thuyết pháp Tứ diệu đế, Ngài giảng hai điều mà các thầy cần phải tránh xa, đó là khổ hạnh và lợi dưỡng. Khổ hạnh ép xác thái quá và sống lợi dưỡng thái quá cũng không đưa đến giải thoát. Mà tránh xa hai con đường này đó là con đường Trung đạo – Majjhimapaṭipadā. Kết quả sau thời giảng là năm vị Koṇḍañña mở pháp nhãn, giác ngộ đạo quả Tu đà hườn, trở thành 5 vị Thánh Tăng đầu tiên trong Phật giáo
Trong 30 tục lệ của chư Phật, dùng thần thông để nhiếp phục ngoại đạo là một trong ba mươi tục lệ đó. Ðã là tục lệ thì vị Phật tổ nào cũng phải thực thi đúng như vậy. Tục lệ có nghĩa là luật lệ, quy định, điều lệ đã định sẵn để dành cho những vị Phật tổ trong quá khứ, hiện tại và tương lai thi hành đúng niêm luật. Cho nên câu chuyện Đức Phật nhiếp phục ngoại đạo bằng thần thông là một chuyện bình thường vì đây chỉ là một việc làm kế thừa truyền thống của chư Phật.
Từ khi thành đạo dưới cội Bồ đề và Ngài thuyết pháp giảng đạo, có rất nhiều người hữu duyên tìm đến với Ngài. Pháp của Ngài giảng hoàn hảo đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, chúng sinh nào có duyên chắc chắn giác ngộ ngay trong kiếp hiện tiền. Do đó nhiều đệ tử của Ngài xuất gia, đắc đạo mặc dù họ đã có nhiều năm tu hành theo sáu vị lãnh đạo của lục đại môn phái nổi tiếng khắp nơi tại xứ Ấn Độ bấy giờ. Các vị lãnh đạo đó nhìn thấy đệ tử của mình mỗi ngày mỗi ít, đa số đã từ giã mình đi theo thọ giới với Sa môn Cồ Ðàm. Không nói được, nhưng càng nhìn đệ tử từ giã ra đi lại càng thêm căm phẫn. Thế nên hình ảnh đức Phật và đệ tử của Ngài là một sự căm thù đối với nhóm lục sư ngoại đạo trên. Mọi sinh hoạt của Ngài đều bị họ theo dõi để tìm khuyết điểm xuyên tạc, nhục mạ, hạ uy tín… nhưng tất cả đều như gió thoảng mây bay.
Sở dĩ có chuyện Phật dùng thần thông chiến thắng ngoại đạo là vì Tôn giả Pindolabhāradvāja vâng lời Ngài Mahāmoggallāna đi thâu bát trầm trên hư không của một vị trưởng giả.
Có một ông trưởng giả tìm được một khối trầm, cho tạc thành một bình bát và ông ta treo giải thưởng nếu ai lấy được bát ông sẽ trọng thưởng và cả gia đình theo nương nhờ làm học trò. Nhóm lục sư ngoại đạo nghe vậy cho người môi giới đến xin nhưng ông từ chối. Họ nói với ông trưởng giả chẳng lẽ vì một cái bát mà phải dùng thần thông thì không xứng đáng. Họ tìm nhiều mưu mô để đoạt được bát trầm nhưng không được. Ông trưởng giả nghĩ rằng trong nước mình đang ở có nhiều tôn giáo họ tự xưng là A-la-hán cho nên ông treo giải thưởng như vậy người nào lấy được mới quả là A-la-hán. Nhưng bảy ngày trôi qua nhóm lục sư ngoại đạo không người nào thi hành theo tâm nguyện của ông trưởng giả.
Thế là một buổi sáng tinh sương, Ngài Mahāmoggallāna và Ngài Pindolabhāradvāja vào thành khất thực nghe dân chúng đồn xôn xao về bình bát trầm của ông trưởng giả, nên Mahāmoggallāna bảo Tôn giả Pindolabhāradvāja hãy đi thâu bát. Ông trưởng giả và dân chúng nhìn thấy tận mắt Tôn giả Pindolabhāradvāja lấy bát, ông trong sạch và hoan hỷ cúng dường tứ sự. Từ chuyện lấy bát của Tôn giả Pindolabhāradvāja, dân chúng kính trọng và sùng ái đệ tử của đức phật, nên họ rủ nhau đến chùa đông đảo để tìm. Ðức Phật hay biết chuyện này nên Ngài kêu Tôn giả Pindo vào và cấm từ nay về sau, Tôn giả và chư Tăng không được tự tiện dùng thần thông trước quần chúng.
Khi đức Phật cấm chế điều luật đó, nhóm lục sư ngoại đạo hay biết được và cho người đi tuyên truyền rằng: đệ tử của Sa môn Gotama còn vì danh lợi nên mới đi lấy bát còn chúng tôi là A-la-hán không vì danh lợi nên không lấy bát theo lời yêu cầu của trưởng giả. Sa môn Cồ Ðàm còn đập bát và cấm chế điều luật, không cho đệ tử sử dụng thần thông. Do đó họ quyết định thi thố thần thông với ông Sa môn Cồ Ðàm.
Vua Ajātasattu hay tin ngoại đạo nói như vậy, vội vã vào yết kiến Thế tôn và bạch rõ vấn đề những vị lãnh đạo tôn giáo đó muốn thách thức so tài thần lực với Thế tôn. Ðức Thế tôn trầm lặng trong giây lát, Ngài nói với nhà vua rằng Như Lai đồng ý so tài thần thông với họ. Vua nói:
– Bạch Thế tôn, còn việc Ngài cấm sử dụng thần thông thì sao?
– Tâu Ðại vương, Như Lai cấm đệ tử chứ Như Lai đâu có cấm Như Lai đâu!
Thế là đức phật báo rõ địa điểm và thời gian để so tài thần thông với nhóm lục sư ngoại đạo. ngày đó là rằm tháng sáu tại sāvatthī.
Khi ngoại đạo hay tin đức Phật đồng ý so tài thần thông với họ, nên họ rất sợ và hoang mang. Vì họ nghĩ rằng, Ngài cấm chế không cho đệ tử sử dụng thần thông thì chắc Ngài cũng không được phép sử dụng, ai ngờ bây giờ ông ta đồng ý đấu thần thông với chúng ta thì chúng ta tính sao đây? Nhưng dù sao thì đã lỡ công bố rồi! Nhóm Lục sư ngoại đạo cùng nhau kéo về Sàvatthì và họ kêu gọi tín đồ hùn tiền để xây tháp đài để so tài thần lực với Sa môn Gotama, nên họ thu được một số tiền rất lớn. Vua Pasenadi hay biết tín đồ của nhóm lục sư ngoại lo lắng cho thầy như vậy Ngài cũng nao nao trong lòng. Hôm sau vua vào lễ Phật và xin Phật cho Ðại vương xây một tháp đài giống như ngoại đạo để Thế tôn so tài với họ. Ðức Phật khước từ và Ngài bảo sẽ hiện thần thông dưới gốc cây xoài.
Ngoại đạo biết được cuộc nói chuyện giữa đức Phật và vua Pasenadi, nên họ cho đệ tử chặt hết những cây xoài trong thành Sāvatthī. Ðã đến ngày giờ so tài với ngoại đạo, Phật ngự vào thành nhưng chưa đến thành thì có một người giữ vườn Thượng Uyển thấy xoài chín hái dâng cho Phật. Phật hoan hỷ thọ lãnh và tìm một chỗ thích hợp ngồi thọ xoài, còn hạt xoài Ngài bảo người giữ vườn đào lỗ trồng và chính tay Ngài tưới nước. Chẳng bao lâu hạt xoài mọc lên một cây xoài xanh tươi nhiều hoa lá và có nhiều trái thơm ngon.
Dân chúng đến tham dự cuộc so tài của đức Phật và ngoại đạo, họ thấy xoài có nhiều trái chín nên họ hái cùng nhau ăn. Họ ăn xoài thấy hương vị ngon lạ lùng, càng ngon họ càng nguyền rủa bọn ngoại đạo vô cớ chặt hết những cây xoài trong thành Sāvatthī, nên họ thấy bọn ngoại đạo ở đâu họ dùng hạt xoài ném vào bọn ngoại đạo.
Sắp đến giờ so tài, bọn ngoại đạo khủng hoảng tinh thần trước quần chúng. Liền sau đó đức Phật hóa một con đường bằng ngọc báu, rồi Ngài đi thiền hành trên con đường đó.Tiếp theo, Ngài hóa thân, từ một thân thành nhiều thân, lúc đó quần chúng thấy nhiều Phật, Phật ngồi, nằm hoặc hai vị thuyết pháp với nhau… Cuối cùng, Ngài thị hiện song thông (yamakapāṭihāriya), với năng lực này chỉ có đức Chánh đẳng Chánh giác mới có thể thực hiện được.
Thần thông này cùng một lúc hiện ra hai điều kỳ diệu: từ thân vừa phún tia nước, vừa phún tia lửa; từ thân phát hào quang xanh và đỏ… Trước uy lực của một vị Phật như vậy, bọn ngoại đạo kiếp sợ và rút lui chạy tán loạn chỉ còn lại dân chúng đang hướng về đức Phật thành kính lễ bái. Ðồng thời Ngài thuyết một bài pháp đúng vào tâm lý của từng chúng sinh, nên hôm đó Chư thiên và nhân loại đắc đạo chứng quả nhiều vô số kể.
Trong giây lát, đức phật chiêm nghiệm bằng tuệ giải thoát, ngài thấy chư phật trong quá khứ sau khi dùng thần thông thắng ngoại đạo là ngự lên cõi trời tāvatiṃsā thuyết pháp độ phật mẫu bằng tạng vi diệu pháp (abhidhamma). hôm ấy đúng vào ngày rằm tháng sáu.
Một ngày sau lễ rằm tháng sáu, chư tăng trong truyền thống phật giáo nam truyền bắt đầu mùa an cư kiết hạ. trong chương “vào mùa mưa”, đại phẩm, tạng luật, có ghi:
Đức Thế Tôn ngự tại thành Vương-xá, Trúc Lâm. Lúc bấy giờ, việc an cư mùa mưa chưa được đức Thế Tôn quy định cho các Tỳ-kheo. Các vị Tỳ-kheo đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng và cả trong mùa mưa nữa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
– Vì sao các Sa-môn Thích Tử lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa? Ngay cả các du sĩ ngoại đạo, dù có giáo lý được thuyết tồi tệ, vẫn sống cố định một chỗ trong mùa mưa, ngay cả những con chim sau khi làm tổ trên các ngọn cây cũng sống cố định trong mùa mưa. Còn các sa-môn Thích Tử thì lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa. Các vị ấy đang dẫm đạp lên các loại cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống của loài chỉ có một giác quan, và đang gây nên việc giết hại hàng loạt chúng sanh nhỏ nhoi.
Các Tỳ-kheo nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Vì thế, các vị đã đem sự việc ấy trình lên đức Thế Tôn. Đức Phật nhân sự việc này mà bảo các Tỳ-kheo rằng:
– Này các Tỳ-kheo, ta cho phép an cư trong mùa mưa. Đây là hai thời điểm vào mùa an cư: thời điểm trước và thời điểm sau.
Thời điểm trước là ngày kế của ngày trăng tròn tháng Āsaḷha, thời điểm sau là vào ngày sau trăng tròn tháng sau. Tính theo âm lịch của Việt Nam nếu không có tháng nhuần thì thời điểm trước là ngày 16 tháng 6, thời điểm sau là ngày 16 tháng 7. Ngài dạy tiếp:
– Này các Tỳ-kheo, trong mùa an cư ba tháng thì không nên ra đi du hành. Vị nào ra đi thì phạm tội tác ác (dukkata).
Tuy nhiên, nếu có chuyện cần kíp và được thỉnh mời, vị Tỳ-kheo được phép rời trú xứ trong thời hạn không quá bảy ngày. Đức Phật dạy:
– Này các Tỳ-kheo, ta cho phép đi khi được thỉnh mời với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày; và không nên đi, nếu không được thỉnh mời.
Mùa an cư bắt đầu từ ngày rằm tháng āsaḷha (rằm tháng sáu). tuy nhiên, đức phật cũng cho phép bất kỳ một tỳ-kheo nào khởi sự chậm hơn một tháng, vào ngày rằm tháng bảy – gọi là “hậu an cư”. việc đình chỉ du hành chấm dứt vào ngày rằm tháng chín (āssina). nếu vị nào khởi sự chậm hơn một tháng, thì chấm dứt vào tháng mười (kattikā). chư tăng tổ chức lễ sám hối bố-tát (uposatha) đặc biệt, gọi là lễ tự tứ (pavāraṇā), đánh dấu kết thúc mùa an cư. sau đó, các tỳ-kheo công bố hoàn tất các phận sự trong giới luật, rời nơi an cư và bắt đầu du hành truyền đạo.
Như vậy, chúng ta thấy rằng: nếu như mình bỏ quên ý nghĩa của ngày rằm tháng sáu là mình đã bỏ quên một phần quan trọng trong lịch sử hoằng pháp của đức thế tôn.
Ngài giáng sanh vào lòng mẹ vào ngày rằm tháng sáu như là mở đầu cho kiếp sống cuối cùng của ngài, vì sau kiếp sống này, ngài sẽ không còn tái sanh luân hồi lại nữa. sự ra đi vĩ đại của bậc vĩ nhân từ bỏ nhung gấm, ngai vàng để mở đầu cho cuộc sống tu sĩ vô gia cư, xuất ly thế gian pháp. bài pháp đầu tiên được ngài thuyết giảng để mở đầu cho công cuộc hoằng pháp độ sanh, đem đến nguồn nước bất tử cho những chúng sanh hữu duyên với chánh pháp. rồi sau khi dùng song thong nhiếp phục được ngoại đạo, ngài bắt đầu mùa an cư thứ 7 của mình tại cung trời đạo lợi để thuyết pháp a-tỳ-đàm tiếp độ mẫu thân của ngài như là món quà báo đáp ân hiếu nghĩa. đối với chư tăng, sau ngày rằm tháng sáu cũng là ngày bắt đầu ba tháng an cư mùa mưa theo luật định. có lẽ quá nhiều cái bắt đầu từ ý nghĩa của ngày rằm tháng sáu, vậy thì chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu tu tập ngay từ bây giờ. đừng chần chừ mà hãy bắt đầu đi nhé!
Kính chúc chư Tăng, Tu nữ và quý Phật tử một mùa an cư nhiều sức khỏe, thật an lạc và tràn đầy hạnh phúc trong Giáo Pháp của Đức Thế Tôn.
Trích dẫn Nguồn: Báo Giác Ngộ
Cẩn Bạch ( Cáo Thị ), Chúng con vì lợi ích đa số mà thu nhặt những lời dạy, bài pháp của những người đang vì lợi ích chúng sinh mà chỉ dạy, vì vậy chúng con xin được phổ biến lại tại trang web này, rất mong Quý Thầy, Cô, Anh Chị Em đạo hữu hoan hỷ cho phép sử dụng vì mức đích phổ cập số đông. Nếu có vi phạm bản quyền rất mong Quý thầy bỏ qua và phản ánh tại : [email protected] , chúng con xin gỡ bỏ, và gửi lời sám hối. Namo buddhāya .
Tác giả: Tiểu Ngọc