Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

8 bước để có bàn chân đẹp không tì vết

Không cần đến spa hay các trung tâm thẩm mỹ, chỉ cần đầu tư một chút thời gian mỗi ngày, bạn hoàn toàn có thể tự tin sải bước trên đôi bàn chân khỏe mạnh và xinh đẹp.

1. Tẩy da chết

Da chết thường xuất hiện ở gót chân, hai bên và đầu xương bàn chân. Nếu không để ý, các lớp da chết sẽ nhanh chóng tạo thành các vết chai sần. Michael Harrison-Blount, giảng viên y khoa của Đại học Salford, Anh khuyên bạn: “Cách tốt nhất là dùng giũa bàn chân hoặc dụng cụ bào mòn (đá bọt) để loại bỏ lớp da cứng và sau đó rửa sạch chân với nước mát”.

Khắc phục: Không đi giày, dép quá chật. Mỗi ngày nên ngâm nước ấm khoảng 15 phút do da mềm rồi dùng dụng cụ bào mòn loại bỏ bớt chỗ da dày. Tẩy tế bào chết ở chân bằng kem tẩy tế bào chết hoặc muối tắm.

2. Kiểm tra các vết sưng tấy

Các vết sưng tấy hoặc tật ngón chân khoằm xuống... đều ảnh hưởng đến xương và khớp bàn chân. Hiện tượng sưng tấy thường phát triển chậm, có yếu tố di truyền và phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Mặc dù giày dép không phải là nguyên nhân chính của các vết sưng nhưng nó có thể làm trầm trọng hơn căn bệnh này.

Khắc phục: Mang giày rộng hơn, đế thấp; chọn xăng đan thay cho giày để hạn chế chạm vào các vết sưng, tránh giày cao gót.

3. Lựa chọn thực phẩm để móng khỏe

Nếu móng chân khô và dễ gãy, có khả năng chế độ ăn uống của bạn thiếu chất béo và các vitamin cần thiết.

Khắc phục: Một chế độ ăn uống giàu vitamin B12, C, E, kẽm và biotin sẽ giúp cải thiện tình trạng này. Nếu thiếu bất cứ loại vitamin nào trong này, móng chân đều có thể trở nên méo mó, giòn, dày lên hoặc đổi màu.

Ăn nhiều cá và thịt, trứng và các sản phẩm từ sữa, rau xà lách, cà chua và cà rốt.

4. Cắt móng đúng cách

Trong quá trình chăm sóc tay chân, kỹ thuật cắt móng rất quan trọng. Michael Harrison-Blount khuyên bạn không nên sử dụng kéo.Tốt nhất nên dùng kìm cắt móng hoặc bấm móng tay vì chúng có lưỡi cắt nhỏ và sắc bén hơn.

Khắc phục: Cắt móng mỗi tuần một lần, nên cắt bằng và không quá sát. Khi dùng dùng giũa làm mịn các cạnh móng nên tránh loại giũa bằng kim loại vì chúng có thể làm vỡ móng.

5. Xử lý vàng móng

Móng chân dày, cứng, mọc chậm và có màu vàng hoặc nâu có thể là kết quả việc móng ít được tiếp xúc với ánh sáng. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn nên ngừng sơn móng trong khoảng một tháng. Nếu tình hình vẫn không khá lên, nhiều khả năng bạn đã bị nấm móng. Việc điều trị không kịp thời sẽ khiến cho móng dày lên, giòn và rụng đi.

Khắc phục: Với người bị nấm móng nhẹ có thể sử dụng thuốc sơn móng chống nấm để điều trị. Nếu nặng, bạn cần gặp bác sỹ.

6. Dưỡng ẩm chân

Bước thứ 6 này giúp giảm tình trạng chai sần ở bàn chân. Khi thấy da chân dày lên, bạn cần sử dụng kem dưỡng ẩm với các dưỡng chất có tác dụng thẩm thấu sâu để da chân mềm hơn.

Khắc phục: Bôi kem dưỡng ẩm vào ban đêm sau khi đã rửa chân sạch sẽ. Sử dụng loại kem dưỡng da chân có chứa urea, chất này có tác dụng loại bỏ các vết chai chân và tế bào da khô tồn tại trên da.

7. Giữ chân luôn khô thoáng

Tiếp xúc nhiều với môi trường ẩm ướt, đặc biệt là nước bẩn dễ khiến bạn bị nấm da bàn chân, gây ngứa, lở loét; thường gặp nhất ở vùng da nằm giữa các ngón chân.

Khắc phục:

- Rửa chân hàng ngày và lau khô cẩn thận

- Không bao giờ đi tất ướt, thay tất thường xuyên để giữ chân khô

8. Chăm sóc gót chân

Gần 1/3 dân số Anh bị bệnh nứt gót chân, thường xuất hiện khi da bị mất nước. Dù không quá nghiêm trọng nhưng nó có thể dẫn đến bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng nếu không điều trị kịp thời, đặc biệt là khi có tác động của hóa chất (xà phòng, chất bám dính).

Khắc phục: Sử dụng kem đặc trị, chữa nứt gót, đồng thời sử dụng thêm sản phẩm có chứa keratin giúp phục hồi độ đàn hồi và tính linh hoạt tự nhiên của gót chân.

Sam Sam

Theo chuyên đề Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/8-buoc-de-co-ban-chan-dep-khong-ti-vet-15887/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY