Cụ thể, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk (CDC Đắk Lắk), tính đến sáng 16-7 đã ghi nhận có thêm ba người dương tính với bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên có công văn hướng dẫn bốn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum triển khai tiêm vaccine chống dịch bệnh bạch hầu. Mới đây, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk phối hợp với BV đa khoa vùng Tây Nguyên tổ chức đoàn công tác tăng cường cho Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk nhằm hỗ trợ, hướng dẫn công tác tiếp nhận, cách ly và điều trị các trường hợp mắc bạch hầu. Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo chính quyền các địa phương huyện, thị xã, thành phố phối hợp với ngành y tế chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh theo quy định.
Trong khi đó, tại Gia Lai, ông Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết khi phát hiện ca dương tính với bệnh, ngành y tế địa phương đã thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh, phun tiêu độc khử trùng; tổ chức khám sàng lọc cho hàng ngàn người, cấp hơn 51.000 liều kháng sinh điều trị dự phòng Erythromycin, đồng thời tiêm vaccine cho toàn bộ hơn 1.400 người dân làng Bông Hiot.
Ngày 15-7, ông Êban Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Nông, cho biết địa phương dự kiến tiêm 82.000 vaccine cho các xã đang ghi nhận ca bệnh bạch hầu, đang điều trị cho 17 trường hợp, giám sát được 1.139 người, đã lấy 1.071 mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm xác định bệnh bạch hầu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lộc Vương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Kon Tum, cho biết ngoài 27 ca dương tính với bệnh thì còn 112 mẫu xét nghiệm chưa có kết quả. Trung tâm đã nhận 100.000 liều vaccine Td từ Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, đang cấp phát cho trung tâm y tế huyện, thành phố để tiến hành tiêm cho người dân.
Chủ đề liên quan:
93 ca dương tính ba trường hợp tử vong bệnh bạch hầu các tỉnh tây nguyên cơ quan y tế