Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Bắc Giang: Vụ vải thiều đạt sản lượng cao nhờ kết nối hiệu quả 4 nhà

Bắc Giang thu 6.900 tỷ đồng từ vụ vải thiều 2020

Sản lượng và doanh thu tăng mạnh

Theo báo cáo từ các cơ quan chức năng, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được khoảng 165.000 tấn vải thiều (tăng khoảng 15.000 tấn so với vụ 2019). Thị trường tiêu thụ có sự dịch chuyển theo hướng tích cực, đó là tăng thị phần trong nước. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ nội địa chiếm 52,5%; thị trường xuất khẩu là 47,5%.

Giá bán vải thiều năm nay bình quân đạt 31.200 đồng/kg (thấp hơn vụ vải 2019) nhưng bù lại sản lượng tăng (15.000 tấn), vì thế, tổng giá trị thu được từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 6.900 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với vụ vải năm 2019.

Về xuất khẩu, năm nay, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang đặt chân được thị trường khó tính là Nhật Bản (khoảng 200 tấn). Quả vải Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản rất ưa chuộng.

Năm nay cũng là năm đầu tiên tỉnh Bắc Giang chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều quy mô lớn với 63 điểm cầu trên cả nước và 4 điểm cầu ở 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Châu (Trung Quốc). Hội nghị đã giúp thúc đẩy hoạt động tiêu thụ vải thiều. Bên  cạnh đó, các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Lào Cai đã dành đường ưu tiên cho xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc.

Theo Sở Công Thương Bắc Giang, có được kết quả trên là do tỉnh đã chủ động xây dựng các kịch bản tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tỉnh đã chú trọng thị trường nội địa khi xác định nếu tất cả các cửa khẩu bị đóng lại do dịch bệnh thì quả vải sẽ tập trung tiêu thụ tại các chợ, siêu thị, khu - cụm công nghiệp trong cả nước.

Cùng với những giải pháp về thị trường, chủ trương sản xuất vải thiều sạch, an toàn được tỉnh quán triệt với tất cả các địa phương trồng vải và coi đây là nhiệm vụ cốt yếu, hướng đi sống còn cả trước mắt và lâu dài. Chỉ có như vậy, quả vải Bắc Giang mới có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa và các thị trường khó tính của thế giới.

Sự kết hợp của các đơn vị

Mùa vụ vải thiều năm 2020 kết thúc, đã đánh dấu một vụ mùa bội thu với bước chuyển mình quan trọng trong việc sản xuất và tiêu thụ. Để có những kết quả thành công như vậy, là sự vào cuộc hết sức trách nhiệm, đồng bộ của các cấp chính quyền, sự nỗ lực rất lớn của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng hành của các cơ quan truyền thông, báo chí. Đặc biệt là sự đổi mới, sáng tạo trong cách thức tổ chức hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều.

Ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá: "Thành công của vụ vải thiều năm nay là việc kết nối có hiệu quả, sáng tạo giữa "4 nhà": Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà kinh doanh".

Bên cạnh đó người đứng đầu Tỉnh Bắc Giang cũng dành lời cảm ơn nhà thứ 5 là các cơ quan truyền thông đã đồng hành cùng các cấp chính quyền và người dân trong suốt vụ vải vừa qua. Chia sẻ về điều này, ông Thái nhấn mạnh: " Sự tuyên truyền của các cơ quan thông tấn báo chí đã góp phần đưa hình ảnh, chất lượng quả vải thiều đến với người tiêu dùng. Thời gian chính vụ, rất nhiều nhà báo, phóng viên của các Báo TƯ và địa phương đã không tiếc thời gian, công sức ăn ngủ với bà con nông dân, với các tiểu thương để tác nghiệp và có những tuyến bài rất hay."  

Ý thức được giá trị của quả vải thiều- đặc sản trứ danh Lục Ngạn, người dân luôn chủ động trong việc khâu tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GloballGAP tạo ra sản phẩm vải thiều có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đồng đều và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.Sự đồng bộ từ khâu sản xuất đến xuất khẩu được thể hiện ở việc hoàn thiện, chuẩn hóa bao bì, tem nhãn và truy xuất nguồn gốc, công nghệ sơ chế, bảo quản đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu theo yêu cầu của phía nước bạn.

Thành công đáng kể đến bên cạnh việc vải thiều Lục Ngạn tiếp tục được xuất sang các thị trường Đông Nam Á, Hàn Quốc, Singapare, Mỹ, EU, Astralia,.... Năm 2020, lần đầu tiên vải thiều Lục Ngạn đạt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường khó tính Nhật Bản. Đây là một bước chuyển mình quan trọng để vải thiều Lục Ngạn định vị thương hiệu trên đất nước mặt trời mọc- một thị trường khó tính bậc nhất trên thế giới, tiến tới ước mơ đưa quả vải thiều Lục Ngạn tiếp tục chinh phục các thị trường mới trên thế giới.

Vụ mùa 2020 diễn ra khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các quốc gia trên thế giới. Để đảm bảo an toàn cho người dân và vụ vải thiều được tiêu thụ có hiệu quả, sự vào cuộc của nhiều cơ quan như Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an... trong việc tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, thương nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam khảo sát, thu mua tiêu thụ vải thiều; việc kết nối người dân và doanh nghiệp, thương nhân và các hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Có thể nói, sự kết hợp giữa "4 nhà" trong tổ chức sản xuất là rất quan trọng. Qua đó, thấy được sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của các cơ quan nhà nước trong việc đưa ra biện pháp thúc đẩy kinh tế phát triển, đặc biệt là kinh tế vùng.

Nhà doanh nghiệp đóng vai trò là cầu nối để thực hiện hoá chủ chương, chính sách của nhà nước và là bàn đạp đưa quả vải Lục Ngạn đi xa hơn vươn tầm quốc tế.

Qua vụ vải thiều năm nay là minh chứng rõ nét hiệu quả của mối quan hệ “4 nhà” đã được tỉnh Bắc Giang tổ chức thực hiện một cách sáng tạo và đã phát huy hiệu quả, không chỉ sản lượng mà chất lượng vải đạt sản lượng cao, số lượng các doanh nghiệp tham gia liên kết, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều nhiều hơn.

Đặc biệt, năm 2020 là năm khó khăn với tất cả các ngành vì dịch bệnh gây nên, tuy nhiên, việc xiết chặt an ninh và kiểm soát dịch chặt chẽ, việc tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều vẫn diễn ra thuận lợi. 

Dương Lâm

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/bac-giang-vu-vai-thieu-dat-san-luong-cao-nho-ket-noi-hieu-qua-4-nha-post88762.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY