Nhưng trong đại dịch Covid-19, "châm ngôn" ấy đã bị thứ virus quỷ quyệt làm đảo ngược. Hết thảy ngành nghề với hàng tỷ con người đã cùng chìm trong "nỗi đau na ná nhau" của sự suy thoái, đổ vỡ. Báo chí, như một lẽ đương nhiên, cũng nằm trong số đó. Chưa cần đến 100 ngày, Virus Corona đã giang tay giáng cú đấm cực mạnh làm chao đảo hầu hết các nền báo chí.
Mỹ- nơi vẫn được coi là có ngành công nghiệp báo chí được xếp vào hàng hùng mạnh nhất- rốt cuộc lại là nơi hứng chịu sớm nhất, nặng nề nhất những hệ lụy từ "siêu bão Corona". Sụt giảm ít nhất 19% doanh thu- đó là ước tính của BuzzFeed News về thực trạng kinh doanh của ngành công nghiệp báo chí Mỹ trong mấy tháng "dính dịch Covid-19" vừa qua. Con số này cũng gần trùng với báo cáo của Công ty tư vấn kinh doanh FTI Consulting Inc khi cho rằng doanh thu quảng cáo trên các báo tại Mỹ đã giảm 20% đến 30% trong thời gian gần đây. Để bù sớt cho sự sụt giảm, giải pháp khả dĩ nhất vẫn là sa thải và cắt giảm chi phí.
Tại châu Á, châu Úc, sự suy thoái cũng không kém phần dữ dội. News Corp Australia, vừa thông báo sẽ tạm ngừng xuất bản tới 60 ấn phẩm báo chí từ 9/4/2020. Hai tờ báo hàng đầu Philippines là Malaya Business Insight và ManilaStandard Today cũng vừa quyết định tạm dừng xuất bản.
Ngành công nghiệp báo chí toàn cầu chao đảo là vậy, báo chí Việt Nam cũng trong tình cảnh không thể khác. Nói như Bộ trưởng Bộ TT& TT Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí thời gian qua đã nói nhiều về những những ngành bị tác động nhiều nhất bởi Covid-19: du lịch, vận tải, sản xuất, bán lẻ... nhưng chính báo chí cũng nằm trong những ngành nghề bị Covid-19 làm cho điêu đứng nhất. Chưa có những thống kê đầy đủ nhưng ước tính, sự sụt giảm ít nhất là 50%, thậm chí với nhiều tờ con số này còn lớn hơn nhiều.
Nghiệt ngã và trớ trêu, "cú tát mạnh" của Covid-19 tới báo chí lại xảy đến đúng vào thời điểm ngành côngnghiệp báo chí đang trong cơn bĩ cực, nhất là báo in. Nhiều tờ báo thời gian qua đã phải cám cảnh nhìn lượng độc giả và doanh thu dần rơi vào tay báo điện tử và các trang mạng xã hội. Tại Mỹ, châu Âu, hay Việt Nam, tác động nặng nề gây ra bởi Covid-19 đã bồi thêm một nhát dao chí mạng, tạo nên một thực tế đau đớn: đẩy những tờ báo đang hấp hối đến "cửa tử" nhanh hơn, khiến cả những tờ báo, những tập đoàn báo chí hùng mạnh vào cơn chao đảo, khủng hoảng chưa từng có.
Những câu hỏi ấy đã được đặt ra từ lâu, khi công chúng thay đổi cách thức tiếp nhận thông tin, tiệm cận nhiều hơn tới các loại hình truyền thông mới. Cách đây chừng chục năm, đã có chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông còn đưa ra dự đoán rằng đến năm 2017: "hầu như báo giấy sẽ không còn ở Mỹ". “Dự báo” ấy, ít nhất, đến thời điểm này chưa xảy ra. Ngờ vực của tờ “The Independent”: Stop Press?- Chấm dứt báo in? 3 năm trước giờ cũng chưa trở thành hiện thực.
Vì sao báo in vẫn tồn tại? Vì sao báo chí truyền thống và chính thống vẫn là địa chỉ lui tới chính yếu của công chúng?
Đáp án cho những băn khoăn này, không gì khác là thế mạnh riêng có mà báo in nói riêng, báo chí truyền thống nói chung sở hữu. Đó là việc cung cấp những thông tin đã được kiểm chứng một cách tối đa, những thông tin sâu, riêng biệt và có chính kiến riêng của tòa soạn dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng vì lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội, đặt lên trên mọi suy diễn chủ quan, vượt qua những mưu đồ trục lợi của cá nhân.
Càng trong những tình huống khó khăn, cân não nhất, thì những yếu tố riêng có ấy của báo chí càng chứng tỏ sức mạnh của mình.
Đại dịch Covid-19 đã là "phép thử" rõ nét cho điều ấy. “Độc giả cần thông tin chân thực, khách quan, kịp thời về đại dịch.Trong bối cảnh tin giả lan tràn hoành hành, khiến công chúng hoang mang, thông tin chất lượng, chính xác về đại dịch quan trọng hơn bao giờ hết”, có ai ngờ đâu những lời ngợi ca báo chí truyền thống ấy được phát đi từ những "đại gia" mạng xã hội, vẫn được xem là "kỳ phùng địch thủ" của báo chí như Facebook và Twitter.
Tại Việt Nam, có thể nói không ngoa ngôn rằng, Covid-19 đã là dịp để báo chí chính thống thể hiện vai trò "kênh truyền thông chủ lực, dẫn dắt thông tin, điều tiết mạng xã hội, định hướng dư luận". Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đã nhiều lần tuyên dương báo chí là "lực lượng trực tiếp xung trận chống dịch cùng lực lượng quân đội, y tế, công an...". Tại giao ban báo chí trực tuyến về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch ngày 10/4, Phó Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh: "Báo chí góp phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch".
Như vậy, trong khó khăn bộn bề âu lo bởi gánh nặng "cơm áo gạo tiền" nhuận bút, trong những chao đảo chưa từng có của kinh tế báo chí, trong hiểm nguy khó lường khi tác nghiệp trong một đại dịch mà lây lan nhanh là đặc tính số 1, các cơ quan báo chí vẫn tiên phong vào cuộc với tâm thế tích cực, quyết liệt nhất. Báo chí đã vào cuộc, bằng sứ mệnh, trách nhiệm và trái tim nồng ấm với đất nước, vì sự tin yêu của độc giả.
Đã từ lâu, giới báo chí truyền thống đã nhận diện rất rõ về cơn bĩ cực mà họ đã, đang và sẽ còn phải đối mặt, nhận diện rõ về những ưu thế về tiện ích, độ lan tỏa mà công nghệ đã tạo cho những loại hình truyền thông mới. Đã từ lâu, báo giới đã hiểu rằng để bảo toàn cho sự tồn tại của mình, cách duy nhất là chuyển đổi và "nâng cấp" chính mình, vừa để thích nghi với những nhu cầu thông tin mới vừa giữ cho mình lợi thế riêng biệt trong biển sóng cạnh tranh ngày càng dữ dội.
Trên bình diện quốc tế, con đường tồn tại ấy được hóa giải bằng nhiều cách. Từ việc buộc mình phải nỗ lực đổi mới, bắt đầu ngay từ việc thay đổi… khổ báo, như cách Wall Street Jourrnal đã làm, chấp nhận chuyển từ việc in trên khổ giấy lớn Broadsheet mang tính“nghiêm túc” sang tabloid- khổ báo từng một thời bị dè bỉu. Rồi chuyển đổi, từ báo giấy sang online, rồi thực hiện mô hìnhpaywall - thu phí đọc tin và giờ đây là đòi bản quyền từ các hãng công nghệ ; Thực hiện chuyển dịch quyết liệt cho một hướng đi mới: Nichemarkets- thị trường ngách, hướng tới những nội dung chất lượng, đặc biệt và khác biệt, “phản ánh phải chân xác - bình luận phải có chiều sâu thông tin và phân tích phải minh triết” như cách New York Times đã làm và rất thành công.
Tại Việt Nam, nhiều tòa soạn thời gian qua cũng đã có sự chuyển dịch liên tục về phương cách, tư duy, chiến lược làm báo, nỗ lực làm mới mình. Thị trường ngách- tập trung vào bản sắc và chất lượng cũng đã là hướng đi được nhiều tờ báo như Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt hướng mạnh tới.
Hướng tới những tác phẩm chính thống, những bài viết chất lượng cao và nội dung bản quyền, sử dụng công nghệ như "cánh tay nối dài" là hướng đi hiện nay của báo điện tử Vietnamplus; phát triển những đề tài có chiều sâu, riêng có, đậm bản sắc, xây dựng báo chí dữ liệu với hệ thống cung cấp thông tin toàn cảnh, đa dạng, phong phú trên nền tảng trí tuệ nhân tạo và tự động... là một trong những hướng đi đang được tờ Vietnamnet tìm kiếm với quyết tâm đổi mới hiệu quả nhất để phát triển...
Báo Lao Động như chia sẻ của Tổng Thư ký Tòa soạn Hoàng Lâm, luôn xác định đầu tư vào những chuyên mục mang hàm lượng trí tuệ, chất xám cao và sự dấn thân đồng thời tận dụng công nghệ để sáng tạo nội dung...
Rõ ràng, báo chí đã không hề khuất phục trước mọi thử thách, không hề thụ động, không lúc nào ngừng sáng tạo, ngừng nỗ lực và quyết liệt hết mức cho sự tồn tại của mình.
Nhưng, trong bối cảnh kinh tế báo chí "bộn bề khó khăn" như hiện tại, như "cây sồi mọc ở khu đất trống, buộc phải đấu tranh cho sự sinh tồn, chống chọi với gió mưa và mặt trời rát bỏng", báo chí dù trong thể chế nào, nền kinh tế nào thì nỗ lực tự thân chưa bao giờ là đủ.
Trên đất Mỹ, nhìn thấy rõ cơn sóng thần bĩ cực đang chờ chực đổ sập xuống báo chí truyền thống, hai đại gia mạng xã hội như Facebook, Twitter, dù thực tế là "kỳ phùng địch thủ", đã không thể can tâm ngồi yên đứng nhìn.
Cũng đang chịu suy giảm nặng nề doanh thu bởi Covid-19 nhưng Facebook đã là người đi đầu trong việc “giải cứu báo chí” khi tuyên bố đầu tư 100 triệu USD cho báo chí. Đối tượng được ưu tiên nhất trong Dự án giải cứu báo chí của Facebook là những tờ báo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Trước mắt là khoản trợ cấp 5.000 USD cho mỗi tờ báo đang chịu khủng hoảng tại Mỹ và Canada với mục tiêu: Khoản tiền này sẽ không chỉ giúp các tờ báo gỡ khó ngay trong thời điểm này mà còn tạo cơ hội cho truyền thông địa phương đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh doanh theo hướng phát triển kỹ thuật số bền vững hơn.
Trước đó, cũng để "giải cứu báo chí", đầu năm 2019, Facebook đã chi 300 triệu USD vào các chương trình tin tức trong vòng 3 năm. Twitter cũng vừa cam kết sẽ hỗ trợ các tờ báo tại Mỹ với tổng số tiền là 1 triệu USD.
Một tin vui cho báo chí Mỹ, đặc biệt là các tờ báo, nhà xuất bản địa phương vốn hạn chế về tiềm lực, trong đạo luật cứu trợ trị giá 2,2 nghìn tỉ USD vừa được Tổng thống Donald Trump ký ngày 3/4 có tên họ. Một quỹ liên bang để trả tiền cho các quảng cáo trên báo chính phủ cũng là một ý kiến đang được bàn luận sôi nổi.
95 năm qua, Báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn là binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng văn hóa, luôn đi đầu, tiên phong và ý thức được sứ mệnh tuyên truyền của mình… Như chia sẻ của Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi: "Rõ ràng là, báo chí có một trách nhiệm rất to lớn trong đời sống xã hội. Báo chí không chỉ đơn thuần hoạt động như những doanh nghiệp mà là thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó", "Càng khó khăn thì báo chí càng phải năng động để vượt khó, đòi hỏi báo chí phải năng động, sáng tạo", nhưng, "Thực tế là, báo chí luôn cần được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp chính quyền, để có đủ năng lực, đủ sức mạnh, đủ điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ, để nhà báo “sống” hết lòng với nghề".
Những mong mỏi ấy cụ thể sẽ là gì? Như của nhà báo, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư là: “Trong cơn bĩ cực này, báo chí ít nhất cũng phải được hưởng hỗ trợ của Chính phủ như doanh nghiệp khó khăn bởi khác với doanh nghiệp thuần túy, sản phẩm của báo chí là thông tin, một loại hàng hóa đặc biệt. Báo chí cần được xem xét như doanh nghiệp và nằm trong đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Nghị định mà Bộ Tài chính đang chủ trì hoàn thiện theo Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19";
Như mong mỏi của nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập báo Tiền Phong là: “Có thể có một khoản kinh phí đáng kể cho việc thông tin, tuyên truyền phòng chống COVID- 19”; như nhà báo Lưu Quang Định – Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày Nay/Dân Việt là việc “báo chí cần những lối đi, cần có những cơ chế thoáng hơn nữa, được cơ quan chủ quản, Bộ Thông tin & Truyền thông, Chính phủ xem xét hỗ trợ về quy định, cơ chế để các cơ quan báo chí được phép tăng cường làm những việc ngoài mặt báo, theo tôn chỉ mục đích của mình, muốn có được cơ chế đặt hàng từ Bộ, từ Chính phủ theo tinh thần và chủ trương đã đưa ra từ lâu, mong muốn luật chơi sòng phẳng hơn nữa giữa báo chí với các nhà mạng viễn thông”…
Như nhà báo Lê Trọng Minh – Tổng Biên tập báo Đầu tư là việc: "Chính phủ vẫn có thể hỗ trợ các cơ quan báo chí khắc phục khó khăn bằng việc tạm thời cho phép điều tiết Quỹ phát triển sự nghiệp của chính cơ quan báo chí để trả lương, nhuận bút. Quỹ này hàng năm vẫn được bổ sung từ chính phần chênh lệch thu chi của cơ quan báo chí (nếu có)"...
Nói như một đồng nghiệp của tôi, trong tình cảnh các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí phải tự chủ về tài chính dường như đã “kiệt sức”, việc lên tiếng “cầu cứu” cũng là vạn bất đắc dĩ, không còn lựa chọn nào hơn... Sự vạn bất đắc dĩ ấy, những mong muốn ấy, mong rằng sẽ được lắng nghe và thấu hiểu.
Cũng tại buổi giao ban, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết từ tình hình thực tế báo chí, Bộ TT&TT đang báo cáo Chính phủ về việc tăng ngân sách đặt hàng báo chí và đề nghị giảm, giãn, miễn thuế cho các cơ quan báo chí cũng như xin lùi thời gian tự chủ báo chí. Bộ đã có công văn gửi các cơ quan chủ quản của báo chí là các bộ, các địa phương tăng ngân sách cho cơ quan báo chí. Bộ cũng đã đề nghị lên Ban chỉ đạo và Chính phủ là anh em báo chí tác nghiệp trong dịch Covid-19 được hưởng chế độ đặc thù như nghị quyết 30 của Chính phủ. Bộ TT&TT cũng đã quyết định sử dụng 9 tỷ đồng ngân sách dự phòng để đặt hàng báo chí, truyền hình; huy động 3 tỷ tiền mặt từ các doanh nghiệp viễn thông để hỗ trợ trực tiếp cho các phóng viên tác nghiệp trong dịch Covid-19. Các nhà mạng viễn thông cũng đã ra quyết định miễn phí toàn bộ kênh truyền và hosting máy chủ cho các cơ quan báo chí điện tử trong 2 tháng 4-5/2020...
Tờ Vogue Italia đã chọn trang bìa màu trắng cho số báo xuất bản giữa những ngày đỉnh dịch Covid-19, như lý giải của Tổng Biên tập Emanuele Farneti: Chúng tôi chọn màu trắng vì màu trắng là sự hồi sinh, là ánh sáng sau bóng tối… Nó đại diện cho không gian và thời gian để suy nghĩ, cũng như để lắng lại… Màu trắng là biểu tượng của một tương lai tươi sáng hơn. Màu trắng không phải là đầu hàng, mà là một tờ giấy trắng đang chờ được viết, trang tiêu đề của một câu chuyện mới sắp bắt đầu...
Thật vậy, ngày mai sẽ luôn là một ngày mới... Trong khủng hoảng bởi đại dịch, nếu chúng ta lắng lại một chút, không lảng tránh hay nhìn theo cách khác, kiên định với con đường mình đã chọn, biết hy vọng, biết nuôi niềm tin, thì một trang mới nhất định sẽ lại bắt đầu, ngày mai biết đâu sẽ tốt hơn ngày hôm qua.