Đặc biệt, trong đó thì băng tần 24,25 ~ 27,5 GHz sẽ được chia thành 8 khối theo phương thức truyền dẫn song công (phát một tần số, thu một tần số), mỗi khối rộng 400MHz, mỗi doanh nghiệp viễn thông được xem xét cấp phép không quá 3 khối trong tổng số 8 khối và được sử dụng theo quy định trong giấy phép sử dụng băng tần.
Tính đến thời điểm hiện nay, được cấp phép thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G có 3 nhà mạng tại Việt Nam gồm Viettel, MobiFone và VNPT. Tuy nhiên trong thời gian tới, Bộ TT&TT có thể sẽ cấp phép cho một số nhà mạng nữa trong nỗ lực đẩy mạnh độ phủ của mạng 5G len lỏi tận ngõ ngách.
Cùng với đó, Bộ TT&TT cho biết rằng mạng 5G triển khai trên băng tần này sẽ đạt hiệu quả cao khi có độ hài hòa tần số và hệ sinh thái lớn, bảo đảm vùng phủ sóng cho dịch vụ băng rộng tốc độ cao, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số - xã hội số, làm hạ tầng cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và Internet kết nối vạn vật (IoT).
Trước đó, vào tháng 6 năm nay, các nhà mạng cũng đã ký một thoả thuận giao ước sẽ dùng chung 1.200 trạm BTS để tiếp tục triển khai hạ tầng, giảm chi phí đầu tư phát triển 5G. Đây được đánh giá là mô hình tốt để các doanh nghiệp viễn thông cùng triển khai trong thời gian tới.
Và trong thời điểm hiện tại, các nhà mạng đều đã sẵn sàng cho việc triển khai 5G, và chỉ đợi một số chính sách, thông tư được ban hành nhằm hợp thức hóa, cũng như định hình rõ về mô hình, độ phủ của các dịch vụ 5G tại Việt Nam. Thông tư số 19/2020/TT-BTTTT về quy hoạch băng tần cho 5G sẽ là bước đệm quan trọng để 3 nhà mạng lớn gồm Viettel, VNPT, MobiFone cùng tiên phong và triển khai các gói dịch vụ dựa trên dải băng tần được cấp phép trong thời gian tới.