Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Chiêu Hoàng sinh năm Mậu Dần (1218), khi bà chào đời, nhà Lý (1010-1225) đã vào thời kỳ suy tàn. Ông nội của bà, tức Lý Cao Tông được biết đến là ông Vua “chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi lên như ong, đói kém liền năm” nên cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy tàn. Tới đời Lý Huệ Tông, đất nước càng bi đát hơn.
Đền Rồng thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng ở Bắc Ninh |
Vua Huệ Tông vào cuối đời thường hay rượu chè, lâm bệnh gần như điên loạn, không thể cáng đáng nổi việc triều chính. Tháng 10/1224 Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ - người nắm quyền lực lớn nhất trong triều đình thời bấy giờ đã buộc Vua xuống chiếu lập Chiêu Thánh làm Hoàng Thái tử, nhường ngôi cho cô công chúa mới 6 tuổi, niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Từ đây sóng gió đã phủ lên cuộc đời vị nữ hoàng nhỏ tuổi này.
Cuộc chuyển giao ngôi vị từ họ Lý sang họ Trần kết thúc vào ngày 11 tháng Chạp năm 1225 tại điện Thiên An, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Chiêu Hoàng lúc đó mới 7 tuổi, được sắc phong làm Hoàng hậu, gọi là Chiêu Thánh. Ngỡ rằng từ đây cuộc đời bà chỉ có hạnh phúc nhưng người phụ nữ này lại bước vào một bi kịch.
Năm 1232, khi 14 tuổi bà sinh con trai nhưng không may thái tử mất ngay sau đó. Chiêu Hoàng ở bên chồng lâu nhưng mãi không có con nữa. Thái sư Trần Thủ Độ sợ Vua không có người thừa kế ngai vàng đã ép Trần Thái Tông phế truất ngôi Hoàng hậu của Chiêu Thánh, giáng bà xuống địa vị công chúa.
Sau đó ép Vua “cướp vợ” của anh Trần Liễu đưa vào cung phong làm Hoàng hậu Thuận Thiên. Điều trái ngang rằng, Hoàng hậu Thuận Thiên chính là chị gái của Chiêu Hoàng.
Niềm an ủi muộn màng
Đến năm 1258, sau chiến thắng chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất, Vua Trần Thái Tông xuống chiếu gả bà cho Lê Tần, vị tướng có công lớn trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.
Bà buộc phải chấp nhận nhưng ra ba điều kiện: Xóa bỏ lệnh truy sát, bức hại tôn thất nhà Lý; Lăng miếu thờ các vị hoàng đế, công thần triều Lý phải được giữ gìn, chăm lo chu đáo; Dinh của Lê Tần phải chuyển ra xa hoàng thành.
Sau khi được triều Trần chấp nhận các điều kiện này, Chiêu Hoàng mới lấy Lê Tần, năm ấy bà đã 40 tuổi nhưng vẫn còn xuân sắc.
20 năm sống với Lê Phụ Trần, Chiêu Thánh sinh được 2 người con. Con trai là Thượng vị hầu tông (có nghiên cứu cho rằng người này là danh tướng Trần Bình Trọng nổi tiếng với câu nói: Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một ch*t mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi).
Còn con gái của bà là Ứng Thụy công chúa Khuê. Theo chính sử, trong lần về thăm quê hương Cổ Pháp (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh), bà đã qua đời ở tuổi 60 và được thờ ở Đền Rồng. Điều đặc biệt là khi đó tóc bà vẫn đen nhánh, môi đỏ như tô son, đôi má vẫn hồng hào.
Các tư liệu lịch sử ghi chép trong thời gian làm Vua ngắn ngủi và cuộc đời bi kịch mà không nói nhiều về công trạng của Chiêu Hoàng. Còn trong dân gian, bà được trân trọng, được tôn làm thành hoàng ở một số vùng vì có công giúp dân, giúp làng.
Theo cuốn “Lý Thái hậu thực lục”, bản thành tích chữ Hán và một số tài liệu khác cho biết: Sống với Vua Trần nhiều năm mà không có con nên Chiêu Hoàng có nỗi buồn mênh mông, cảm thấy như có điều gì đã định sẵn tự trời xanh. Lý Chiêu Hoàng đi nhiều nơi, đến đâu bà cũng bỏ tiền lập đàn cúng tế, phát chẩn giúp người nghèo.
Bức họa trên tường mô phỏng cảnh Nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng thiết triều. |
Dấu chân và ân đức của bà còn đến với người dân ở nơi miền biển cho đến vùng rừng núi xa xôi như tại Hải Phòng, Thái Nguyên đến nay vẫn còn đền miếu khói nhang không dứt.
Bên cạnh các khu vực Đền Đô (Bắc Ninh) có một quần thể di tích nổi tiếng với bề dày gần nghìn năm lịch sử, đó là Thọ Lăng Thiên Đức, nơi yên nghỉ của các Vua Lý, trong đó có Lý Chiêu Hoàng.
Về việc lựa chọn nơi này, sử chép rằng vào tháng 2/1010, Lý Thái Tổ từ kinh đô Hoa Lư về thăm quê hương Cổ Pháp, khi đến khu rừng Báng, nơi cha mẹ mình từng nghỉ chân, ông trông thấy cây cối xanh tốt, loài chim bay liệng, cảm động rơi nước mắt liền sai đo mười dặm và chọn nơi đây làm nơi an nghỉ của mình. Khu vực này ngày nay thuộc thôn Cao Lâm, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh.
Ngoài lăng Lý Thái Tổ hình lòng chảo, các lăng khác đều xây hình chóp nón được gọi bằng các tên dân dã như Lăng Cả (lăng Vua Lý Thái Tổ), Lăng Hai (lăng Vua Lý Thái Tông), Lăng ông Voi (Lý Nhân Tông)... Lăng mộ Lý Chiêu Hoàng được gọi là Lăng Cửa Mả. Tuy nhiên, một số tài liệu chép rằng lăng mộ Lý Chiêu Hoàng nằm bên Hồ Tây của đất Thăng Long xưa, thuộc làng Yên Thái.
Một điều nữa, tuy là Vua chính thức của vương triều nhà Lý - vương triều rực rỡ của nước Đại Việt, đặt nền móng cho sự thịnh trị của các triều đại sau này - nhưng Lý Chiêu Hoàng không được sử sách công nhận một cách công bằng. Nhà Lý có 9 vị Vua nhưng chỉ có 8 vị trước bà (từ Lý Thái Tổ tới Lý Huệ Tông) được thờ tại Đền Đô, riêng bà lại thờ tại khu vực khác, gọi là Đền Rồng.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng vì Lý Chiêu Hoàng đã để mất ngôi nhà Lý nên bị coi là mang tội với dòng họ, không được thừa nhận và phải thờ riêng.
Còn theo Giáo sư Sử học Vũ Văn Ninh, có thể vì bà làm Vua trong 2 năm nhưng do còn nhỏ nên không có công lao gì với đất nước. Hơn nữa, về sau bà đã nhường ngôi Vua, rồi lại bị phế ngôi hoàng hậu, trở thành công chúa và cuối cùng “xuất giá tòng phu” không còn là người trong cung thất nhà Lý.
Đền Rồng được xem là một lựa chọn du xuân lý tưởng tại miền quan họ. Đền tọa lạc tại phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Chính điện của đền thờ Lý Chiêu Hoàng, vị Vua thứ 9 và cũng là vị vua cuối cùng của nhà Lý.
Đền được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 13, sau nhiều năm xuống cấp trầm trọng thì đền được xây mới vào dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Hà Nội. Như vậy, đến nay vẫn có nhiều tài liệu khác nhau ghi chép về nơi an nghỉ của Nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng.
Hải Lăng/Báo Pháp Luật
Chủ đề liên quan:
Bi kịch cuộc đời nữ hoàng đế duy nhất Việt Nam lăng Lý Thái Tổ lăng mộ Lý Chiêu Hoàng Lý Chiêu Hoàng Nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng