Tại buổi làm việc, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, hiện đại đa số các trường vẫn đánh giá, với cách thức tổ chức và đề thi do Bộ GD-ĐT đảm nhiệm thì kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây vẫn là một trong những căn cứ quan trọng để các trường sử dụng để xét tuyển.
Vì vậy, các trường mong muốn kỳ thi sẽ diễn ra trung thực, khách quan, đánh giá công bằng năng lực thí sinh. Các trường đại học cũng thống nhất chỉ lấy 1 đầu điểm của bài thi tổ hợp là giải pháp căn cơ để chống học tủ. Tuy nhiên, với tình hình dịch COVID-19 như hiện nay, các trường mong muốn năm nay vẫn giữ nguyên 3 đầu điểm.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định kỳ thi năm nay sẽ giữ nguyên 3 đầu điểm đối với bài thi tổ hợp. Thời gian làm bài sẽ đảm bảo đánh giá năng lực học sinh ở các môn thành phần. Đối với một số trường đại học tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng, Bộ tôn trọng tinh thần tự chủ nhưng chỉ tổ chức thi khi thật sự cần thiết.
Về tổng thể, đề thi sẽ được điều chỉnh theo hướng nhẹ hơn so với năm 2019. Với các lý do này, không làm ảnh hưởng quá lớn đến định hướng lựa chọn các lĩnh vực, môn học mà các em đã lựa chọn từ trước.
Cần tiếp tục khẳng định rằng, cho dù các bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội sẽ được chấm với một đầu điểm nhưng nếu các em học và ôn tích cực, nắm vững kiến thức kỹ năng thì sẽ vẫn đạt kết quả cao chứ không phải cào bằng trong đánh giá đối với mọi thí sinh tham dự kỳ thi tới đây.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện và ban hành sớm quy chế thi tốt nghiệp THPT, quy chế xét tuyển và đề thi tham khảo. Bộ GD-ĐT phải đảm bảo kỳ thi an toàn, trung thực, chất lượng, không quá phức tạp và đảm bảo công tác xét tuyển diễn ra thuận lợi nhất cho các học sinh, các nhà trường và các trường đại học.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết sẽ sớm công bố quy chế tuyển sinh, chậm nhất là ngày 10.5 và kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ được tổ chức trong 1,5 ngày, dự kiến từ ngày 8.8.2020.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ gồm 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp KHTN và bài thi tổng hợp KHXH. Trong đó, bài thi KHTN gồm tổ hợp của 3 môn vật lý, hóa học và sinh học; Bài thi KHXH đối với thí sinh THPT gồm tổ hợp của 3 môn lịch sử, địa lý và giáo dục công dân; đối với thí sinh GDTX gồm tổ hợp của 2 môn lịch sử, địa lý. Thí sinh THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH. Thí sinh giáo dục thường xuyên phải thi 2 bài thi bắt buộc toán, ngữ văn và 1 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH.
Các bài thi toán, ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Kết quả làm bài của thí sinh trên phiếu TLTN được chấm bằng phần mềm máy tính do Bộ GD-ĐT cung cấp; bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận.