Đó là muôn vàn những lời thở than của chúng bạn gửi cho tôi mỗi khi gặp chuyện buồn trong cuộc sống. Từ chuyện gia đình lục đục, bất hòa, công việc không thuận đến cả việc bị thất tình hay yêu đơn phương.
Tôi luôn thắc mắc vì sao lúc vui vẻ, hạnh phúc thì chẳng ai tìm đến tôi. Mà cứ lúc buồn khổ, bi ai, tuyệt vọng nhất thì các bạn lại chọn tôi là nơi đầu tiên để chia sẻ. Thật vinh hạnh quá thôi!
Than thở xong nỗi lòng là các bạn bảo tôi dắt đến chùa để buông xả hết phiền não, để quên hết nỗi buồn đau chất chứa trong lòng. nhiều lúc nghĩ mà thấy thương cho phật. những chuyện hạnh phúc, an lạc thì họ giữ lại và kể cho nhau nghe. còn những chuyện khổ đau tận cùng thì họ đến kể hết cho phật.
Không biết người khác thế nào, chứ các bạn tôi lúc đến chùa, đứng trước tượng Phật thì khuôn mặt hết sức bi ai. Giống như một đứa trẻ tìm được đúng nơi, đúng người để giãi bày hết nỗi niềm và tâm sự trong lòng.
Đây thực chất là một trong những vấn đề mà tôi thấy nhiều người gặp phải hiện nay. Khi gặp phải những phiền não, đắng cay trong cuộc đời chúng ta thường có xu hướng tìm đến chùa. Bởi từ xưa đến nay, trong tâm thức của người Việt thì cửa chùa là nơi từ bi và bình an nhất. Đó là nơi chúng ta tìm về sau những đắng cay, bão giông của cuộc đời. Và ở đó, có Đức Phật Đại từ Đại bi sẽ lắng nghe tất cả những khổ đau của chúng sinh.
Ảnh minh họa. |
Tôi thường hỏi các bạn tôi sau khi đi chùa về có cảm nhận như thế nào? và hầu hết các bạn tôi đều nói thấy đầu óc thảnh thơi và thân tâm thanh tịnh hơn. những lúc như vậy, tôi chỉ cười. bởi tôi biết sự thảnh thơi, thanh tịnh đó không phải do việc đến chùa đem lại cho các bạn cảm giác đó. mà đó là do tâm các bạn đã định, không còn những vọng động như ban đầu.
Khổ đau do tâm sinh ra. nên khi tâm đã tĩnh thì khổ đau sẽ không còn. chúng ta đến chùa lúc này chỉ là thói quen muốn tìm một nơi trú ẩn, một nơi mà lòng ta thấy an tâm hơn. không gian tĩnh mịch cùng với tiếng chuông chùa trầm ấm xen với tiếng tụng kinh, niệm phật của các sư thầy đã khiến chúng ta tạm quên đi những nỗi đau đang có.
Và khi trở về với thực tại, vào một khoảng khắc nào đó, những nỗi đau đó lại ùa về như một cơn cuồng phong. Khi đó, ta sẽ chẳng kịp tìm thấy nơi trú ẩn cho mình. Bởi vậy, khi gặp phiền não, khổ đau chúng ta đừng nên yếu đuối và né tránh nó.
Tôi vẫn luôn khuyên bạn tôi rằng: “Hãy thử nghĩ xem việc buồn đó có đáng để bạn để tâm không? Khi bạn đau khổ thế này thì người yêu của bạn biết chứ? Hay họ đang vui chơi và ăn uống no say. Nếu vậy, có đáng không khi bạn phải hi sinh tuổi trẻ vì một người xa lạ.
Bạn có biết khi bạn đau khổ, lụy tình rồi tuyệt thực có hai con người cũng buồn thương theo bạn. Họ cứ âm thầm nấu những món ăn ngon với mong ước bạn ăn được một chút cho mau khỏe. Nhìn dáng vẻ tiều tụy của bạn họ xót xa lắm chứ? Cớ sao bạn cứ chìm đắm trong cái nỗi đau không đáng có này?”
Trên đời này không có gì là nhất cả, tình yêu chỉ là cảm giác bất chợt đi qua cuộc đời bạn. Nhưng nó sẽ theo thời gian và lòng người mà thay đổi. Nếu như người đó rời xa bạn, bạn hãy học cách chờ đợi. Hãy để thời gian rửa sạch vết thương, để tâm hồn bạn lắng lại rồi nỗi đau của bạn cũng sẽ dần biến mất. Bạn đừng mơ ước một tình yêu hoàn hảo, cũng đừng thổi phồng nỗi đau khi nó không còn.
Khi còn học cấp 2, cô giáo tôi từng dạy: “Sứ mệnh của một người mẹ không phải trở thành chỗ dựa cho con. Mà phải khiến chỗ dựa đó trở nên không cần thiết.” Cũng giống như vậy. Cửa chùa không phải là nơi trú ẩn khi con người gặp bất hạnh.
Bạn hãy lấy chân tâm là ngôi chùa của chính bạn. Khi bạn lắng tâm và quán chiếu được mọi việc thì đâu cần phải tìm đến bất kì ngôi chùa nào để tìm sự bình yên. Bạn đã tìm thấy được sự bình yên ngay chính tại tâm mình.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng nói: “Đây là tôn giáo đơn giản của tôi. Không cần tu viện, không cần triết học phức tạp. Bộ não và trái tim của chúng ta là chùa chiền của chúng ta. Triết học là lòng tử tế.”
Các bạn à, chúng ta có tuổi trẻ. Đó là thứ quý giá nhất mà cuộc đời đem lại cho mỗi người. Nhưng nếu chúng ta không biết trân trọng thì nó sẽ trôi qua rất nhanh và lúc đó ta sẽ thấy vô cùng tiếc nuối.
Khi còn trẻ, hãy cứ yêu và sống hết mình. Dù có đau lòng, cũng hãy tươi cười và đón nhận nỗi đau ấy một cách vẹn nguyên nhất. Để đến khi cuộc đời bắt đầu đổ dồn xuống tận cùng của đau khổ thì khi nhìn lại, sẽ thấy ta đã từng mạnh mẽ như thế nào… Khi còn trẻ, thích khóc thì hãy khóc, thích đau thì cứ đau, nhưng bạn đừng phí hoài xuân sắc cho những thứ không đáng.
Và hơn hết, chúng ta phải học cách mạnh mẽ và đối diện với sự thật. Dù sự thật đó có đắng cay, đớn đau thế nào đi chăng nữa, chỉ cần chúng ta nhận diện được nó thì sẽ tìm được cách để hóa giải.
Bạn có thể đến chùa nhưng đừng coi đó là nơi cất giấu những phiền não hay khổ đau của mình. chùa không phải là nơi để bạn trú ẩn. hãy nghĩ đó là người thầy đáng kính, luôn đồng hành với bạn trên mọi cuộc hành trình. người thầy ấy sẽ luôn đem tới những lời khuyên hữu ích, răn dạy bạn và chỉ cho bạn được những thật – giả trong cuộc đời này.
Quan trọng hơn cả, vẫn là chính bản thân bạn. Khi hiểu rõ được chân tâm của mình cũng như bản chất của cõi sống này là vô thường thì bạn sẽ làm chủ được mọi phiền não của thế gian và an nhiên trước mọi nghịch cảnh của cuộc sống.