Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Cẩn trọng với những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm amidan

Viêm amidan là căn bệnh phổ biến, dễ gặp ở cả người lớn và trẻ em. Đặc biệt viêm amidan hốc mủ rất dễ tái phát và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Amidan là tổ chức nằm ở bên thành họng, giao điểm của đường ăn và đường thở nên có chức năng bảo vệ giúp tăng khả năng chống đỡ của mũi họng với các virus, vi khuẩn gây bệnh.

Đồng thời amidan còn có chức năng tiết ra các kháng thể tự nhiên chống lại sự nhiễm trùng.

Trong một số trường hợp, do nguyên nhân nào đó mà amidan không thể kháng lại được sự tấn công của các loại vi khuẩn, virus làm cho amidan bị sưng lên, đó chính là thời điểm bệnh viêm amidan xuất hiện.

Viêm amidan là căn bệnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ em

Phân biệt viêm amidan cấp tính và mãn tính

Bệnh viêm amidan được chia thành 2 cấp độ chính đó là viêm amidan cấp tính và viêm amidan mãn tính.

Viêm amidan cấp tính

Viêm amidan cấp tính xảy ra khi 2 khối amidan bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Đây là căn bệnh khiến đau họng, amidan sưng đỏ, gây cảm giác đau đớn rất khó chịu. Hầu hết trong cuộc đời mỗi người, ai cũng đã từng bị bệnh viêm amidan.

Đây là tình trạng viễm nhiễm khuẩn giới hạn ở amidan do vi khuẩn hoặc siêu vi. Loại vi khuẩn gây amidan cấp tính chủ yếu là liên cầu trùng tan huyết beta nhóm A.

Loại khuẩn này cũng là tác nhân gây sốt thấp khớp, có thể dẫn tới biến chứng ở van tim và viêm van cầu thận cấp.

Những trường hợp viêm amidan phần lớp do vi khuẩn, trong đó tỉ lệ do liên cầu nhóm A là cao nhất.

Một số siêu vi trùng gây nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cũng có thể dẫn tới viêm amidan cấp nhưng tỉ lệ thấp hơn.

Ở một số người, viêm amidan chỉ xuất hiện một hoặc một vài lần rồi biến mất hoàn toàn, không bao giờ tái phát lại nữa thì về sau gọi là viêm amidan cấp tính. Những trường hợp này xảy ra ở trẻ em nhiều hơn là người lớn.

Ảnh minh họa

Triệu chứng viêm amidan cấp:

Nếu bị viêm amidan cấp, bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng như: sốt cao, rét run, đau họng, vướng họng, ăn uống khó khăn, hơi thở hôi, sưng hạch dưới hàm, hạch cổ trước, nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ, khớp…

Bệnh viêm amidan cấp nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như viêm tấy quanh amiđan, áp-xe (tụ mủ) quanh amiđan, áp xe amiđan, áp xe hạch cổ viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm khí - phế quản.

Đặc biệt viêm amiđan do liên cầu trùng có thể gây biến chứng sốt thấp khớp, thấp tim, viêm vi cầu thận, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm độc tố liên cầu nhóm A (sốt, hạ huyết áp, suy thận, suy hô hấp cấp và tử vong rất nhanh).

Viêm amidan mãn tính

Viêm amidan mãn tính là tình trạng viêm amidan thường xuyên, tái phát nhiều lần tùy vào mức độ viêm nhiễm và khả năng chống chịu của cơ thể.

Bệnh viêm amidan mãn tính thường gặp nhiều ở trẻ em và thanh niên hơn so với người lớn.

Loại vi khuẩn gây bệnh chủ yếu là vi khuẩn gram dương hay gặp là liên cầu tan huyết Beta nhóm A.

Triệu chứng viêm amidan mãn tính:

Viêm amiđan mạn tính trong đợt cấp tái hồi có triệu chứng chủ yếu như đau họng tái đi tái lại, sốt nhẹ, mệt mỏi, đau nhức xương khớp, hạch cổ to lên, hơi thở hôi.

Ngoài đợt tái hồi bệnh nhân có các triệu chứng kéo dài như khó nuốt, đau tai, hạch cổ to, hôi miệng, khạc ra chất bã đậu hôi. Khi khám thấy amidan to hoặc teo, nhưng bề mặt amidan có nhiều chấm trắng như bã đậu.

Ở trẻ em, tình trạng viêm amidan mãn tính thường dẫn tới viêm amidan quá phát, làm amidan to hơn bình thường, có thể dẫn tới rối loạn hô hấp, rối loạn phát âm, khó nuốt, dễ bị ọc, ói...

Các rối loạn xảy ra do viêm amidan cần được điều trị kịp thời, nếu không nó có thể ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

Viêm amidan hốc mủ

Trường hợp viêm amidan cấp không được chữa trị hoặc chữa trị không đúng, trên cơ sở đó vi sinh vật tấn công, nhất là ở người có sức đề kháng kém sẽ dẫn tới viêm amidan hốc mủ.

Có nhiều loại vi khuẩn gây viêm amidan hốc mủ như H.influenzae, tụ cầu, xoắn khuẩn Vincent, đặc biệt là liên cầu khuẩn nhóm A (St.pyogenes).

Triệu chứng viêm amidan hốc mủ:

Amidan thường sưng to, có các hốc mủ với triệu chứng chính như: đau họng, rát họng, có thể sốt hoặc không; có đờm trong họng và tạo cảm giác vướng cổ, rất khó khạc hoặc nuốt.

Xuất hiện mủ quanh amidan (quan sát bằng mắt thường thì sẽ thấy nhiều đốm mủ trắng ở amidan); hơi thở có mùi hôi, đôi khi bạn khạc ra những hạt nhỏ màu trắng xanh có mùi rất hôi.

Đường hô hấp có nhiều đờm khiến người bệnh thở khò khè, đêm ngủ phát ra tiếng như ngủ ngáy, khó thở, trẻ nhỏ có thể bị hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Viêm amidan quá phát

Viêm amidan quá phát xảy ra khi bệnh nhân bị viêm amidan mãn tính khiến amidan sưng to lên.

Viêm amidan quá phát được chia thành 3 cấp độ khác nhau. Để biết bệnh nhân đang ở cấp độ nào, cách tốt nhất là đến kiểm tra tại các cơ sở y tế để được bác sĩ có chuyên môn thăm khám.

Viêm amidan quá phát độ 1: là tình trạng amidan có kích thước to tròn, cuống gọn. Chiều ngang của amidan này bằng 1/4 so với khoảng cách giữa chân 2 trụ trước của amidan.

Viêm amidan quá phát độ 2: có hình dạng to tròn tương tự như loại độ 1. Tuy nhiên chiều ngang lại bằng 1/3 so với khoảng cách giữa chân 2 trụ trước của amidan.

Viêm amidan quá phát độ 3: lại có chiều ngang bằng 1/2 so với khoảng cách giữa chân 2 trụ trước của amidan.

Triệu chứng viêm amidan quá phát

Khi bị viêm amidan quá phát, vùng amidan sẽ sưng to ở hai bên thành họng, lấn vào khoảng hẹp ở khoang họng. Phần trụ trước sưng đỏ. Viêm amidan quá phát thường gặp nhất ở trẻ em với các biểu hiện như:

- Amidan sưng to khiến trẻ khó ăn, ăn chậm, cơ thể mệt mỏi.

- Hởi thở có mùi hôi, ho khan kéo dài, đặc biệt hay ho về đêm.

- Đau rát khó chịu như có vật mắc ở họng.

Nguyên nhân gây bệnh viêm amidan

Dưới góc nhìn Đông y

Trong Đông y, khu vực họng - hầu được coi là cửa ngõ để dẫn vào phế, mà amidan là một bộ phận nằm ngay tại cửa ngõ. Do đó nó rất dễ bị các yếu tố bên ngoài gây tác động, xâm nhập, tấn công và gây ra bệnh.

Bên cạnh đó, cũng có thể là do chức năng của các tạng phủ mất điều hòa từ đó sinh ra đờm, lâu dần gây tắc phế khiến cho phế khí lưu thông khó khăn.

Điều này kéo dài sẽ làm cho amidan mất đi chức năng bảo vệ và dẫn đến việc xâm nhập gây bệnh của các yếu tố bên ngoài. Cụ thể đó tình trạng gan nóng, chức năng thận suy giảm…

Dưới góc nhìn Tây y

Do viêm nhiễm:

Thời tiết giao mùa, chuyển lạnh đột ngột, thay đổi môi trường sống... là những điều kiện thích hợp để các loại vi khuẩn, virus có sẵn trong mũi họng, hay những loại vi khuẩn, virus còn sót lại sau đợt nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như cúm, sỏi, ho... sinh sôi, phát triển và gây viêm tổ chức amidan.

Những loại vi khuẩn - virus có khả năng gây viêm amidan nhiều nhất đó là liên cầu tan huyết nhóm A, liên cầu khuẩn, virus Parainfluenzae, virus Eppstein - Barr, virus Adeno…

Do vị trí và cấu trúc của amidan:

Vì amidan nằm ở vị trí giao điểm giữa đường thở và đường ăn, nên nó thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh. Bên cạnh đó, cấu trúc khe hốc của amidan cũng biến nó trở thành địa điểm cư trú lý tưởng cho các loại vi khuẩn gây bệnh, khiến bệnh có thể xuất hiện vào bất cứ lúc nào.

Do tạng bạch huyết:

Một số trường hợp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ sẽ có hạc ở vùng cổ hoặc ở họng, cùng với các tổ chức bạch huyết xung quanh cũng có thể là nguyên nhân gây nên chứng viêm amidan.

Do vệ sinh răng miệng họng kém:

Việc vệ sinh răng miệng có vai trò quan trọng trong việc phòng tránh các bệnh liên quan đến đường hô hấp trên, trong đó có amidan.

Vệ sinh răng miệng họng kem, ít đánh răng và súc miệng sẽ làm gia tăng đáng kể các virus, vi khuẩn trong khoang miệng, chúng tấn công xuống tổ chức họng, dẫn tới viêm amidan.

Yếu tố môi trường:

Nếu môi trường quá ô nhiễm, có nhiều khói bụi, chất độc hại… hoặc môi trường làm việc nhiều hóa chất….cũng khiến con người có nguy cơ mắc phải các vấn đề về đường hô hấp.

Những biến chứng có thể gặp phải do viêm amidan

Mặc dù là căn bệnh thường gặp, tuy nhiên viêm amidan vẫn có thể để lại những biến chứng khó lường. Khi bệnh tiến triển thành viêm amidan hốc mủ, nếu không được điều trị dứt điểm và đúng cách sẽ dẫn tới tình trạng tái phát liên tục nhiều lần.

Viêm amidan hốc mủ có thể dẫn tới viêm xoang, viêm thanh quản, viêm đường hô hấp dưới như viêm khí, phế quản, viêm phổi, gây áp-xe amidan nguy hiểm.

Bên cạnh đó, biến chứng đang lo ngại nhất là viêm amidan hốc mủ do tác nhân là vi khuẩn liên cầu nhóm A. Vi khuẩn này có cấu trúc vách của nó gần giống với tổ chức bao khớp, cầu thận, tổ chức của trái tim (gờ cơ, cột cơ tim), cho nên khi chúng xuất hiện trong cơ thể gây viêm amidan, cơ thể sẽ sinh kháng thể chống lại chúng, đồng thời kháng thể đó chống lại tổ chức của chính mình (gọi là bệnh tự miễn).

Điều trị viêm amidan

Có nhiều cách điều trị viêm amidan khác nhau. Tùy thuộc vào mức độ viêm của từng bệnh nhân mà có hướng điều trị phù hợp.

Trường hợp viêm amidan cấp tính do virus gây ra thì bệnh thường tự khỏi sau một thời gian và chỉ cần điều trị các triệu chứng là đủ.

Tuy nhiên, với bệnh viêm amidan do vi khuẩn xâm nhập thì bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh.

Khi sử dụng kháng sinh, lưu ý dùng đủ liều lượng mà bác sĩ chỉ định. Không nên ngừng thuốc sớm, ngay cả khi đã đỡ các triệu chứng. Bởi việc dùng thuốc không đủ liều có thể khiến vi khuẩn tái xâm nhập khiến bệnh tái phát, gây tình trạng nhờn thuốc, khiến vi khuẩn phát triển mạnh hơn dẫn đến kháng thuốc.

Bên cạnh đó, người bệnh cần áp dụng thêm các biện pháp vệ sinh bao gồm rửa tay với xà phòng diệt khuẩn thường xuyên, đánh răng sau mỗi bữa ăn và súc miệng, họng với nước sát khuẩn chuyên dụng hoặc nước muối sinh lý.

Để giảm đau và hạ sốt, có thể uống Paracetamol hay Ibuprofen sẽ giúp cơ thể dễ chịu hơn.

Cắt bỏ amidan

Cắt amidan được coi là cách điều trị phổ biến và dứt điểm nhất đối với bệnh nhân bị viêm amidan quá phát. Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào cũng cần cắt bỏ amidan.

Cắt amidan là biện pháp phổ biến và dứt điểm với những trường hợp viêm amidan quá phát

Bên cạnh đó, cắt amidan cũng có thể để lại những di chứng nguy hại cho sức khỏe. Vì thế để biết chắc chắn về việc có nên cắt bỏ amidan hay không, cần có sự thăm khám và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.

Những trường hợp buộc phải cắt amidan thường là do bệnh tái phát liên tục nhiều lần không khỏi, có thể 7, 8 lần một năm hoặc nhiều hơn. Hoặc bệnh nhân gặp phải biến chứng viêm amidan như áp xe quanh amidan, có hạch ở cổ...

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/can-trong-voi-nhung-bien-chung-nguy-hiem-cua-benh-viem-amidan-25587/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY