Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Cảnh báo bệnh thủy đậu gây biến chứng ở trẻ sơ sinh

(HNMO) - Ở người có suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, thủy đậu có thể tiến triển nặng dẫn đến các biến chứng nội tạng như viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn tới tử vong.

(HNMO) - Ở người có suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, thủy đậu có thể tiến triển nặng dẫn đến các biến chứng nội tạng như viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn tới tử vong.

Ngày 6-4, Bệnh viện Nhi trung ương đưa ra cảnh báo về biến chứng của bệnh thủy đậu đối với trẻ sơ sinh.

Cụ thể, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) vừa tiếp nhận bé Đ.H (27 ngày tuổi, ở Bắc Giang). Khi sinh bé được 5 ngày thì mẹ bé bị lây nhiễm thủy đậu từ con gái lớn (7 tuổi). Do không có biện pháp cách ly an toàn, người mẹ lại làm lây nhiễm thủy đậu sang bé Đ.H.

Ban đầu, trên da của bé xuất hiện các tổn thương dạng nốt phỏng, rồi lan ra toàn thân. Ngoài ra, bé liên tục có các cơn sốt cao lên tới 38,5°C, kèm theo ho nhiều, thở mệt.

Bé H được chẩn đoán viêm phổi trên bệnh nhân thủy đậu. Bé được điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh 4 ngày nhưng tình trạng suy hô hấp ngày càng tăng. Ngày 20-3, bệnh nhi được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương).

Tại đây, các bác sĩ đã thăm khám cho bệnh nhi, tiến hành điều trị theo phác đồ bệnh thủy đậu. Sau 7 ngày, trẻ dần hồi phục, các nốt ban phỏng nước đã khô và đóng vảy, viêm phổi được kiểm soát.

Bệnh thủy đậu (Chickenpox) là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do vi rút Varicella Zoster (VZV) gây nên. Thủy đậu xảy ra chủ yếu ở trẻ em, biểu hiện bằng sốt và phát ban dạng nốt phỏng, thường diễn biến lành tính. Ở người có suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, thủy đậu có thể tiến triển nặng dẫn đến các biến chứng nội tạng như viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn tới tử vong.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Phương Thảo, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh khi mắc thủy đậu rất dễ gặp những biến chứng khó lường. Vì vậy, việc cha mẹ nhận biết được biểu hiện bệnh sớm, theo dõi dấu hiệu trở nặng để đưa con đến cơ sở y tế điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết.

“Giai đoạn tiền triệu chứng thường kéo dài 1-2 ngày trước khi xuất hiện ban. Người bệnh mệt mỏi, sốt từ 37,8°-39,4°C. Ban trên da xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra tất cả vùng khác trên cơ thể. Ban lúc đầu có dạng dát sẩn, tiến triển đến phỏng nước trong vòng vài giờ đến một vài ngày; phần lớn các nốt phỏng có kích thước nhỏ 5-10mm, có vùng viền đỏ xung quanh. Các tổn thương da có dạng tròn hoặc bầu dục; vùng giữa vết phỏng dần trở nên lõm khi quá trình thoái triển của tổn thương bắt đầu”, bác sĩ Nguyễn Phương Thảo lưu ý.

Các nốt phỏng ban đầu có dịch trong, dạng giọt sương, sau đó dịch trở nên đục; nốt phỏng bị vỡ hoặc thoái triển, đóng vảy; vảy rụng sau 1-2 tuần, để lại một sẹo lõm nông. Ban xuất hiện từng đợt liên tiếp trong 2-4 ngày; trên mỗi vùng da có thể xuất hiện tất cả giai đoạn của ban - dát sẩn, phỏng nước và vảy.

Theo các chuyên gia, vi rút thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp. Nguồn lây lớn nhất là người bị thủy đậu; người bệnh có khả năng lây cho người khác khoảng 48 giờ trước khi xuất hiện ban, trong giai đoạn phát ban (thường kéo dài 4-5 ngày) và cho đến khi ban đóng vảy.

Thủy đậu là bệnh dễ lây truyền. Tỷ lệ lây nhiễm lên đến 90% ở những người chưa có miễn dịch. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, tất cả trẻ em trên 1 tuổi (cho tới 12 tuổi) chưa mắc thủy đậu và người lớn chưa có kháng thể với Herpes zoster, cần tiêm vắc xin phòng thủy đậu. Trẻ em cần được tiêm một liều vắc xin và người lớn được tiêm hai liều.

Mạng Y Tế
Nguồn: Hà Nội Mới (http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1060486/canh-bao-benh-thuy-dau-gay-bien-chung-o-tre-so-sinh)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY