Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Cảnh báo hậu quả nghiêm trọng do dùng mỹ phẩm giả, kém chất lượng

(MangYTe) - Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh vừa tiến hành tiêu hủy 1.482 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu.

Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh cho biết, thực hiện phương án xử lý tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu, tại nhà máy xử lý chất thải rắn TP.Móng Cái thuộc Công ty CP xử lý chất thải Miền Đông (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), Đội Kiểm soát Hải quan số 1 phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch và Viện Kiểm sát Nhân dân TP tiến hành tiêu hủy các sản phẩm hàng hóa vi phạm do đơn vị bắt giữ trong tháng 1/2022.

Hàng hóa mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bị tiêu hủy. (Ảnh: BCĐ 389 Quảng Ninh)

Theo đó, hàng hóa tiêu hủy gồm 1.482 sản phẩm mỹ phẩm (dầu gội, dung dịch tẩy sơn móng tay, sơn móng tay) do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Việc tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính góp phần tuyên truyền rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về tác hại của việc kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đồng thời, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các cá nhân và doanh nghiệp.

Thông tin về tác hại của mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, TS. BS Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, để có giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng thật, tác dụng nhanh, dễ lừa người dùng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thủy ngân, kẽm, cyanua.

Hậu quả là nhiều người sau khi sử dụng bị dị ứng, thậm chí đáng lẽ chữa sạm da, trẻ hóa da lại càng bị sạm nặng hơn. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 1.500 bệnh nhân, trong đó nhiều bệnh lý do dùng mỹ phẩm giả. Điểm chung của các trường hợp sử dụng mỹ phẩm giả thường là mắc các triệu chứng viêm da tiếp xúc cấp tính, có dị ứng hoặc kích ứng. Việc điều trị, khắc phục dị ứng thường mất thời gian dài và tốn kém tiền bạc, chưa kể nếu không may bị nặng sẽ để lại hậu quả trên da suốt đời, thậm chí T* vong do nhiễm độc chì.

Hơn nữa, trong sản phẩm làm giả, sản phẩm chất lượng kém thường có các hoạt chất, hóa chất gây ra dị ứng, hóa chất chấm sẽ làm tổn thương da, khiến da nổi mẩn đỏ, ngứa, thậm chí mưng mủ.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bác sĩ Phạm Hồng Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM cũng cảnh báo: “Nếu sử dụng mỹ phẩm giả lâu dài, hậu quả nặng nề hơn khiến da bị ngộ độc do mỹ phẩm có chứa kim loại nặng hoặc thủy ngân. Có nhiều trường hợp người dùng phải nhập viện, để lại di chứng hoặc điều trị không hết.

Mỹ phẩm giả thường không có chất bảo vệ da hoặc thành phần không được nghiên cứu kỹ càng dễ dẫn đến việc chúng phản ứng với nhau gây kích ứng da. Mỹ phẩm giả cũng không qua khâu kiểm nghiệm nào vì thế chẳng ai đảm bảo chắc chắn nó an toàn cho làn da của người tiêu dùng".

Việc làm đẹp là nhu cầu cần thiết và biết làm đẹp một cách thông minh cũng không phải điều khó khăn. Để tránh mua nhầm mỹ phẩm giả, kém chất lượng, người tiêu dùng nên đến những địa điểm bán uy tín, tránh hậu quả đáng tiếc, không vì ham rẻ mà "tiền mất, tật mang".

An Dương

Mạng Y Tế
Nguồn: VietQ (https://vietq.vn/canh-bao-hau-qua-nghiem-trong-do-dung-my-pham-gia-kem-chat-luong-d199676.html)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY