Bài viết gửi một lời đe dọa đến Bắc Kinh: nếu Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia nhằm siết chặt sự kiểm soát của mình đối với thành phố, nước Anh sẽ thay đổi quy định nhập cư.
“Công dân Anh ở nước ngoài” (BNO), loại hộ chiếu dành cho những người sinh ra tại thuộc địa của Anh trước khi nó được trao trả cho Trung Quốc năm 1997, có thể được thêm những quyền bổ sung, bao gồm quyền được làm việc, “sẽ mở đường cho những người này nhận quốc tịch Anh”.
Văn phòng Nội chính Anh cho biết quyền lợi này sẽ được mở rộng cho không chỉ 350.000 người đang sở hữu hộ chiếu hải ngoại, mà cho cả 2,9 triệu người đủ tiêu chuẩn được cấp loại hộ chiếu này.
Theo Thủ tướng Anh Johnson, “Điều này sẽ tạo nên một trong những thay đổi lớn nhất trong hệ thống thị thực của chúng tôi từ trước đến nay.”
Đề nghị này là một cử chỉ rất táo bạo nhằm chọc giận Trung Quốc và Bộ ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng đưa ra một lời đáp trả đầy giận dữ. Phe dân chủ Hong Kong đã tổ chức ăn mừng.
Craig Choy, một luật sư cũng là nhà vận động dân chủ, nói rằng anh đã cảm thấy thoải mái hơn khi “chúng tôi được nước Anh hỗ trợ”. Anh cũng nói thêm rằng anh “thật sự cảm động” khi nhìn những nhà lập pháp Anh đưa ra lời đề nghị này.
Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn chưa vội thu xếp hành lý, vì những lời nói tử tế chẳng thể cho biết chính xác lời đề nghị gồm những gì.
Anh là một trong số những nước ít ỏi phân biệt rõ ràng giữa công dân và người mang quốc tịch. Hộ chiếu BNO nhìn giống hệt hộ chiếu của người mang quốc tịch Anh, tuy nhiên lại mang ít quyền lợi hơn.
Những người có hộ chiếu Anh tại nước ngoài có thể yêu cầu sự hỗ trợ từ các Đại sứ quán Anh, trừ Đại sứ quán Anh tại Trung Quốc. Họ cũng có thể đến nước Anh trong vòng sáu tháng mà không cần thị thực.
Ngoài ra, họ không được thêm gì nhiều.
Những người có hộ chiếu BNO không mặc nhiên có quyền sinh sống, làm việc hoặc học tập tại nước Anh. Họ vẫn phải qua cửa kiểm soát nhập cảnh khi vào nước Anh.
Tương tự như người Ấn Độ hay người Nigeria, họ phải đăng ký giấy phép lao động, cũng như trả những khoản phí đắt đỏ và phụ thu sức khỏe
Về phần mình, Bắc Kinh xem những người có hộ chiếu Hong Kong chỉ là những công dân Trung Quốc
Đề nghị của ông Johnson là kéo dài thời hạn mà những người mang hộ chiếu BNO có thể ở lại nước Anh từ sáu lên mười hai tháng, và trao cho họ quyền làm việc.
Nhưng vẫn không rõ liệu những người này cần phải có đề nghị làm việc, người bảo lãnh và phải đáp ứng mức lương tối thiểu như đa số những người nhập cư, hay sẽ được quyền đi lại và tìm việc làm như những công dân châu Âu hay không.
“Nếu đề nghị này bắt buộc phải có người bảo lãnh thì nó cũng chẳng có ý nghĩa gì.” Choy nói.
Cũng như không rõ những người mang hộ chiếu hải ngoại phải ở lại và làm việc ở Anh bao lâu để được đăng ký định cư. Phần lớn người nhập cư phải sống ở Anh năm năm với thị thực phù hợp để được đăng ký định cư.
Người Hong Kong sẽ mong một sự đảm bảo rằng, nếu bị từ chối gia hạn sau 12 tháng, họ sẽ không bị trục xuất về nước. Một luật sư về nhập cư cho rằng đề nghị này là một “sự trì hoãn” chứ không phải là “chốn nương tựa”.
Hơn nữa, chỉ những người Hong Kong sinh ra trước cuộc trao trả năm 1997 mới đủ điều kiện được hưởng tư cách người mang hộ chiếu hải ngoại. Điều kiện này loại trừ những người trẻ tuổi hơn, những người chống đối Trung Quốc mạnh mẽ nhất.
Jimmy Lai, một tỷ phú ủng hộ phong trào vận động dân chủ đã đăng lên Twitter rằng lớp trẻ của Hong Kong “nên được ưu tiên hơn người già chúng tôi”.
Từ phía Trung Quốc đại lục, điều này đã làm lu mờ sức mạnh của mối đe doa từ nước Anh. Kể cả nếu những điều khoản hẹp hòi trong luật nhập cư được loại bỏ, ít có khả năng người Hong Kong ồ ạt chuyển đến Anh.
Emily Lau, người từng là một nhà lập pháp cho biết “Quốc tịch Anh", hay được nghĩ tới như là, “một chiếc phao cứu sinh”.
“Khi mọi thứ trở nên tồi tệ, bạn có nơi để tới. Nhưng nếu mọi việc ổn định, chẳng ai muốn đột ngột rời bỏ nơi ở của mình cả”.
Đến nay, lời đề nghị của ông Johnson trong có vẻ giống một nước cờ địa chính trị hơn là một chính sách nhập cư cụ thể.