Mô tả: Cây thảo to có khi cao tới 2-3m, hay hơn, sống nhiều năm nhờ thân to. Lá ôm thân, có cuống dài, phiến nguyên, hình tim, dài tới 80-90cm, rộng 20-60cm, màu lục sáng, có khi có chấm trắng. Cụm hoa thành buồng ở nách lá, có mo màu vàng. Hoa đơn tính, hoa cái ở dưới, hoa lép ở giữa, hoa đực ở trên. Hoa trần, ở hoa đực có nhiều nhị, dính nhau thành hợp nhị, mở bằng lỗ. Hoa cái có bầu 1 ô, chứa vài noãn ở đáy. Quả mọng màu đỏ.
Nơi sống và thu hái: Cây của Ðông dương, Ấn Độ, mọc hoang và cũng được trồng ở đồng bằng và vùng núi làm cảnh. Thu hái thân rễ quanh năm, lấy về, gọt bỏ vỏ, thái mỏng ngâm trong nước sạch 5-7 ngày, thay nước thường xuyên, rồi phơi khô. Khi dùng tươi, phải rang với gạo cho tới khi gạo cháy, rồi thêm nước và đun sôi đến khi gạo mềm nhừ thì lấy ra.
Tính vị, tác dụng: Vị cay, tính ấm, có độc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, khư phong tiêu thũng, chỉ thống, khử hủ sinh cơ, kiện vị, chỉ khái.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ráy được dùng chữa cúm, cảm mạo, sốt cao, trúng nắng, lao phổi, phong thấp đau nhức khớp, sa nang, mụn nhọt, ghẻ lở, trúng độc và rắn độc cắn, bỏng lửa.
Dân gian cũng dùng bột củ ráy, bột khoai sọ tẩm nước làm thành bánh, đắp bó để cầm máu và bó gãy xương, thân cây Ráy giã nhỏ, thêm nước uống, còn lá dùng đắp trị rắn cắn, bọ cạp đốt, sưng tấy.
Ráy (tên khoa học: Alocasia macrorrhizos) là loài thực vật có hoa thuộc họ Ráy, bản địa tại các khu rừng mưa nhiệt đới từ Malaysia đến Queensland, hiện được trồng tại nhiều vùng nhiệt đới khác.