Dinh dưỡng hôm nay

Chế biến củ sắn mà quên làm bước này, ông nội hại cháu trai chết thảm

Củ sắn chứa nhiều giá trị dinh dưỡng như khoai lang, khoai tây,... cung cấp năng lượng cho cơ thể, nhưng nếu chế biến sai cách, loại củ này có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong giống như trường hợp dưới đây.

Mới đây, một cậu bé họ Lục (7 tuổi) đến từ thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã tử vong sau khi ăn củ sắn. Theo đó, do quá đói nên Lục liên tục khóc lóc, đòi ông nội kiếm cái gì đó cho mình ăn. Vì vậy, ông nội của Lục đã luộc sắn cho cậu ăn.

Tuy nhiên, do quá vội vàng nên ông không lột vỏ sắn, chỉ rửa sạch rồi bỏ luôn vào nồi để luộc. Không chỉ vậy, ông của bé Lục còn luộc không kỹ nên sau khi ăn, bé Lục đã bị ngộ độc và phải nhập viện ngay lập tức. Tuy đã tận tình cứu chữa nhưng bé Lục không thể qua khỏi.

Trước vấn đề này, Tưởng Ngọc Lộ - Phó giám đốc Viện an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Tây cho biết, củ sắn chưa được sơ chế đúng cách cộng thêm việc đứa trẻ đó ăn một lượng lớn nên đã gây ra thảm kịch. Các bác sĩ cho biết, trong củ, thân và lá của củ sắn đều có chất độc. Tiêu thụ khoảng 150g củ sắn tươi cũng có thể dẫn đến ngộ độc.

Các triệu chứng ngộ độc sau khi ăn củ sắn là chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đánh trống ngực và tứ chi không có lực. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị bất tỉnh, hơi thở yếu và hôn mê. Cuối cùng, họ có thể tử vong vì suy hô hấp hoặc ngừng tim.

Các bác sĩ cũng khuyên rằng, khi ăn phải củ sắn chưa nấu chín, tốt hơn hết bạn hãy kích thích cổ họng để nôn chúng ra. Sau đó, hay tới bệnh viện để kiểm tra, tránh trường hợp xấu xảy ra.

Cách loại bỏ độc tố trong củ sắn

Củ sắn có chứa độc tố acid cyanhydric (HCN), là một chất dễ bay hơi, dễ hòa tan trong nước, có thể bị oxy hóa thành acid cyanic không độc hoặc kết hợp với đường cũng tạo thành chất không độc. Để loại bỏ độc tố trong củ sắn, bạn có thể thực hiện những cách sau:

- Lột vỏ sắn và ngâm trong nước càng lâu càng tốt (khoảng ½ đến 1 ngày) trước khi chế biến.

- Khi luộc sắn, bạn nên thay nước 2-3 lần và nên mở nắp vung để độc tố bay hơi.

- Sắn cắt lát, phơi khô cũng có thể làm giảm độc tố trong sắn.

- Đối với món lá sắn muối chua, bạn phải rửa lá thật sạch, ngâm lâu trong nước hoặc luộc kỹ trước khi chế biến.

Những lưu ý khi ăn củ sắn

- Ăn sắn luộc chấm đường hoặc mật để làm giảm độc tố, tránh nguy cơ ngộ độc.

- Không nên ăn sắn nướng.

- Khi bị ngộ độc củ sắn nhẹ, nên uống nước đường hoặc ăn mía. Trong trường hợp nặng hãy tới ngay bệnh viện để điều trị.

- Phụ nữ mang thai không nên ăn củ sắn: Trong củ sắn có chứa nhiều chất độc axit cyanhydric, dễ gây rối loạn tiêu hóa hoặc thậm chí là ngộc độc. Vì vậy, phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn loại thực phẩm này.

- Không nên cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi ăn củ sắn: Hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, chưa thực hiện tốt việc tiêu hóa và đào thải độc tố. Trong khi đó, củ sắn có chứa độc tố, ăn trong thời gian dài có thể khiến độc tố tích tụ trong cơ thể trẻ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Tuệ Nhi

Theo Tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/che-bien-cu-san-ma-quen-lam-buoc-nay-ong-noi-hai-chau-trai-chet-tham-28744/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY