Bạn nên biết hôm nay

Chỉ số SpO2 dưới 93%, gọi cấp cứu ngay

F0 tại nhà dấu hiệu chuyển nặng như tri giác lơ mơ, li bì, khó thở nặng, thở hụt hơi, nhịp thở trên 30 lần một phút, SpO2 dưới 93%, tím tái môi... cần gọi 115 hoặc đội phản ứng nhanh của quận huyện.

Đây là hướng dẫn mới cho F0 cách ly tại nhà, của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), ngày 4/8.

Hướng dẫn trước, F0 tại nhà khi có dấu hiệu chuyển nặng thì liên hệ y tế địa phương. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu HCDC hướng dẫn cụ thể cách theo dõi chỉ số oxy trong máu (SpO2) và cách xử trí cho các mức SpO2 tương ứng.

Theo đó, F0 cần tự theo dõi sức khỏe như đo nhiệt độ hai lần một ngày, đo chỉ số oxy trong máu (SpO2) nếu có điều kiện, theo dõi các triệu chứng mới xuất hiện của bản thân dù tình trạng đang tạm ổn.

Khi xuất hiện những triệu chứng như sốt trên 38,5 độ, đau tức ngực, đau họng, mất mùi, mất vị giác... cần liên lạc với nhân viên y tế để được tư vấn hoặc khám lại.

Sở Y tế thành phố cũng hướng dẫn, người chỉ số SpO2 trên 97%, không có dấu hiệu bất thường, nhân viên y tế hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

Người SpO2 từ 95-96% kèm các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, đau ngực..., cần được thở oxy qua mũi, chuyển đến cơ sở cách ly tập trung F0 trên địa bàn để theo dõi và điều trị.

Người SpO2 dưới 94% kèm các triệu chứng nặng như thở gắng sức, cần thở oxy qua mask nên chuyển đến khu vực cấp cứu của cơ sở cách ly tập trung F0 hoặc bệnh viện dã chiến.

Người tình trạng nguy kịch, tím tái, hôn mê, ngừng thở..., phải thở oxy qua mask hoặc hồi sinh tim phổi cơ bản, chuyển đến bệnh viện gần nhất.

Cách sử dụng và lưu ý khi đo nồng độ oxy trong máu SpO2
Cách đếm nhịp thở
Ba bài tập thở cho F0 tại nhà

Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng chiều 3/8 cũng hướng dẫn các quận huyện quản lý sức khỏe F0 cách ly tại nhà. Thành phố lập Tổ phản ứng nhanh trực 24/7 tại mỗi phường, xã với thành phần gồm bác sĩ, điều dưỡng của trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện, Công an, Đoàn thanh niên.... Nhân viên trạm y tế chịu trách nhiệm chính trong công tác sơ cấp cứu cho người dân trên địa bàn.

Tổ phản ứng nhanh của địa phương khi nhận cuộc gọi của người dân, phải đánh giá ngay mức nguy cơ dựa vào triệu chứng qua khai báo của người gọi để quyết định đưa xe vận chuyển đến nhà người dân. Trên xe có bình oxy, dụng cụ thở oxy, máy đo SpO2...

Hiện, f0 mới phát hiện tại cộng đồng, không triệu chứng lâm sàng, không yếu tố nguy cơ (không có bệnh nền hoặc có bệnh nền đã điều trị ổn định, không béo phì) được cách ly tại nhà trong 14 ngày, không cần cách ly tập trung tại các cơ sở của quận, huyện.

HCDC khuyến cáo F0 không ra khỏi nhà, giữ khoảng cách trên 2 mét khi tiếp xúc, luôn mang khẩu trang và tấm che giọt bắn lúc được tiếp tế, sát khuẩn tay thường xuyên. Nếu trong phòng chỉ có một mình, có thể không cần phải mang khẩu trang.

Để tăng sức đề kháng, cần uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, vận động, tập thể dục điều độ. Bảo đảm vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt bằng cách ăn sạch uống sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhà vệ sinh phải luôn sạch sẽ, luôn mang khẩu trang khi đi vệ sinh, rửa tay sạch sau đi vệ sinh. Phòng ở phải thông thoáng, thường xuyên làm vệ sinh sạch sẽ bề mặt các vật dụng và bề mặt sàn.

Máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2. Ảnh: Hữu Khoa.

Lê Phương

Các bệnh viện đang lâm vào cảnh thiếu trang thiết bị y tế và phòng hộ khi ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng chương trình "Tiếp sức cho tâm dịch". Xem chi tiết tại đây.

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/chi-so-spo2-duoi-93-goi-cap-cuu-ngay-4335791.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY