Bạn nên biết hôm nay

Công nghệ nào hỗ trợ điều trị vết thương sau sinh?

Trước đây, em từng nhiễm trùng vết mổ sau sinh, sốt cao, vết mổ sưng đỏ, chảy mủ, đau bụng phải điều trị kháng sinh kéo dài.

Sức khỏe và việc nuôi con bằng sữa mẹ bị ảnh hưởng. Về sau, vết mổ lên sẹo xấu nên em chưa dám có thai trở lại. Xin hỏi bác sĩ có cách nào để hỗ trợ điều trị vết thương sau sinh, tránh bị tương tự? (Thảo My, 29 tuổi, TP HCM).

Trả lời:

Nhiễm trùng vết mổ sau sinh là thực trạng đáng lo ngại. Nếu không được dự phòng tốt, tình trạng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính thẩm mỹ. Thực tế, không ít trường hợp sản phụ nhiễm trùng không điều trị kịp thời sẽ bị tụ dịch tụ mủ nhiều, sau khi điều trị sẽ để lại sẹo xấu.

Dấu hiệu nhiễm trùng dễ nhận biết như da đỏ, tiết dịch, sưng, nóng, nhạy cảm hoặc đau xung quanh vết mổ, vết thương (dù đó là vết rạch khi mổ lấy thai, khâu cắt tầng sinh môn hoặc vết rách)...

Trong trường hợp vết mổ của bạn từng bị nhiễm trùng, bị sẹo xấu, có thể sửa lại sẹo bằng cách cắt lọc bỏ sẹo cũ, may sửa lại vết mổ, dùng tia Plasma lạnh để hỗ trợ để giúp lành sẹo tốt, giảm nguy cơ nhiễm trùng. Nếu bạn mang thai, thai kỳ kế tiếp có chỉ định mổ lấy thai thì có thể kết hợp sửa lại sẹo khi mổ, tránh nguy cơ nhiễm trùng vết mổ. Bác sĩ có thể thăm khám chăm sóc kỹ, dùng kháng sinh điều trị giúp em giảm nguy cơ bị lại.

Hiện nay các bệnh viện đã trang bị công nghệ hiện đại hỗ trợ điều trị vết thương sau sinh. Trong đó, ứng dụng plasma lạnh trong y tế được coi là một kỹ thuật mới trong điều trị vết thương mạn tính, nhiễm trùng da. Đồng thời, phương pháp giúp giảm đau hiệu quả, mau lành vết thương, hạn chế sẹo, an toàn, không tác dụng phụ...

Chiếu tia Plasma cho sản phụ sau sinh tại BVĐK Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tia plasma được các nhà khoa học chứng minh có thể kích thích sản sinh hoạt chất sinh học chứa oxy, nitơ, ion, bức xạ UV-A... giúp tiêu diệt hoặc ức chế hoạt động của vi khuẩn mà không làm ảnh hưởng đến cấu trúc biểu mô xung quanh.

Tia plasma hỗ trợ làm lành vết thương với 3 tác động toàn diện gồm: khử khuẩn, làm sạch vết thương; tạo màng bảo vệ, kích thích tái tạo liền vết thương nhanh chóng. Khi chiếu vào vết thương, tia plasma có thể phá vỡ màng tế bào của chúng, làm mất hoạt tính protein khiến vi sinh vật này không thể tiếp tục hoạt động. Ngoài ra, sau khi chiếu plasma vào vết thương, một lớp màng protein sẽ xuất hiện trên nền vết thương giúp chống việc tái xâm nhập của vi khuẩn, từ đó thúc đẩy vết thương mau khép miệng, chóng lành, hạn chế sẹo xấu.

Sản phụ có thể lựa chọn điều trị vết thương bằng chiếu plasma lạnh sau sinh từ 6-10 giờ hoặc tùy theo tình trạng mà bác sĩ tư vấn khoảng thời gian phù hợp. Công nghệ này được chứng minh an toàn cho bà mẹ, trẻ sơ sinh vì không gây tổn hại tế bào da, không tác dụng phụ, không gây kích ứng. Phương pháp thực hiện rất nhẹ nhàng, không đau đớn.

Công nghệ tia plasma lạnh áp suất khí quyển (CAP) lần đầu tiên được đưa vào hỗ trợ điều trị vết thương hở tại Đức từ năm 2005. Từ năm 2010 được ứng dụng rộng rãi để hỗ trợ điều trị bệnh viêm da, điều trị những vết thương phù nề; lâu lành; nhiễm trùng, vết thương do bỏng, vết loét. Ngoài ra, phương pháp còn ứng dụng trong thẩm mỹ, nha khoa, tai mũi họng, sản khoa...

ThS.BSNT Lâm Hoàng DuyTrung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/cong-nghe-nao-ho-tro-dieu-tri-vet-thuong-sau-sinh-4524034.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY