Như Thanh niên đã đưa tin, vào trưa 1.7, Bộ TT-TT vừa có văn bản số 2357/BTTTT-CTS về việc ngừng phát sóng truyền hình analog (truyền hình mặt đất) đối với các trạm phát tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Nhiều người trẻ cho rằng hình ảnh ăng-ten, chiếc ti vi bị nhòe vì mưa bão là những kỷ niệm không giờ quên.
Nguyễn Thị Kim Ngân, 21 tuổi, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết hồi xưa dưới quê (Đồng Nai) mọi người thường hay gọi là truyền hình có cây ăng-ten để dễ hiểu hơn là cụm từ “truyền hình mặt đất”.
“Nhà nghèo làm lụng quanh năm gia đình mới mua được cái truyền hình màu bự. Lúc đó mình mừng lắm, mỗi chiều đi học về là giành cái truyền hình để xem phim hoạt hình. Vào những ngày mưa gió thì thôi rồi không thể nào xem được… phải chạy ra ngoài xoay cây ăng-ten, nhớ nhất là mấy lần nhờ ba làm giùm. Lúc đó, ngoài sân thì ba hét to 'được chưa con, đài hết hột chưa', tôi thì bên trong la lên 'quay qua trái chút, qua phải chút xíu đi ba', chật vật mãi mới xem được, nhưng ba tôi phải thay áo khác vì nó đã ướt sũng vì mưa”, Kim Ngân kể lại.
Đồng cảm với Kim Ngân, anh Nguyễn Bảo Thái, 27 tuổi, quê ở Phú Yên cho rằng đối với anh truyền hình mặt đất là một kỷ niệm không bao giờ quên.
“Ngày đó nhà nào có tivi là 'dữ' lắm rồi, mỗi lần có mưa hay gió lớn là lại phải chạy ra xoay chiều ăng-ten lại cho đúng hướng đài, nếu không nó bị mờ, mất màu. Thường thì ba là người đứng xoay còn mình ở trong nhà quan sát ti vi. Nếu thấy ti vi sáng, rõ hơn thì ra tín hiệu cho ba dừng lại", anh Thái chia sẻ.
Anh Thái còn cho hay: “Người dân bây giờ quá bận rộn với công việc, đâu còn thời gian xem ti vi, huống chi là việc chỉnh ăng ten bất tiện như vậy... Việc bỏ truyền hình anolog cũng là việc thiết yếu thôi, mình cũng ủng hộ việc này dù có chút tiếc nuối".
Với chị Hồ Thị Trinh, 27 tuổi, làm việc tại số 300 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM, cây ăng-ten gắn liền với tuổi thơ chị.
Chị Trinh kể: “Nhớ lúc nhỏ, nhà nghèo không có tivi, chị em tôi phải chạy sang nhà hàng xóm xem. Mỗi lần đài mất sóng hoặc kênh mình muốn xem chớp chớp, thì tôi tình nguyện chạy ra hè xoay cây ăng-ten để lấy sóng. Tôi nhớ hồi đó nhà nào có tivi đều gắn ăng ten. Ăng-ten được cố định trên cây tre cao cả chục mét".
“Hồi đó câu hỏi mà hầu hết những đứa trẻ được phân công xoay ăng-ten như chúng tôi đều sử dụng là 'trong chưa, trong chưa?'. Câu hỏi không có chủ ngữ nhưng mỗi khi nhà bên cạnh nghe chúng tôi thốt lên là biết đang xoay ăng-ten...”, chị Trinh chia sẻ.
Còn Nguyễn thị Hoàng Oanh, 21 tuổi, ở Quảng Trị, hiện học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: “Gì chứ nhắc đến cây ăng-ten là một 'nùi' kỷ niệm luôn đó. Hồi nhỏ cả xóm xúm vào coi một cái ti vi, ta nói vui lắm. Xong đến đoạn phim hay ti vi mất sóng, mọi người rối rít, ai là đàn ông khỏe mạnh thì được cử đi xoay ăng-ten. Có khi ra xoay, giữ ăng-ten thì ti vi rõ còn bỏ ra là mờ, thành ra bắt người xoay đứng đó giữ luôn. Lúc hết phim thì người giữ ăng-ten theo hỏi nội dung ra sao, nhân vật chính được cứu chưa..., mắc cười lắm. Sau này hiện đại rồi, nhiều nhà có điều kiện hơn, không còn coi chung ti vi nữa, cũng không còn ăng-ten. Nhưng với mình thì cây ăng-ten là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất”.
Từ 24 giờ ngày 30.6, các trạm phát lại tại 9 tỉnh thuộc Nhóm II và 12 tỉnh thuộc Nhóm III sẽ chính thức ngừng phát sóng truyền hình analog. Các tỉnh thành thuộc hai nhóm này bao gồm: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận. Trước đó, từ ngày 16.8.2016, truyền hình analog cũng đã ngừng phát sóng các thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương và Cần Thơ để chuyển hẳn sang sử dụng truyền hình số mặt đất... |