Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện phải được đặt lên hàng đầu

Trong tuần qua các ca mắc Covid-19 tăng nhanh, xảy ra tại nhiều địa phương. Đến nay nhiều địa phương đã có người bị mắc Covid-19, một số bệnh viện đã có ca nhiễm Covid-19. Chủng mới của virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ và Anh đã xuất hiện ở nước ta. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng phải đặt vấn đề phòng, chống nhiễm khuẩn trong tất cả các bệnh viện lên hàng đầu.
PGS.TS Trần Đắc Phu.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đợt dịch này có yếu tố chủng mới của virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ và Anh nên lây lan nhanh hơn. Trong thời gian chỉ vài ngày từ trường hợp F1 đã trở thành F0, kể cả F2 cũng thành F0. Vì thế đã lây lan nhanh sang nhiều tỉnh, thành phố.

Thứ hai là hình thái lây có sự khác nhau nhiều so với các đợt dịch trước như: Lây ở các quán karaoke, quán bar, máy bay; lây trong khu cách ly và bệnh viện, rồi từ bệnh viện lây cho cộng đồng.

Thứ ba, đợt này phức tạp vì rơi đúng vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 nên càng phức tạp, vì nhiều người sau khi tiếp xúc với những ca dương tính đã đi nhiều chỗ, tham gia nhiều sự kiện đông người. Đơn cử, trường hợp ở Hà Nam đi uống bia, trường hợp ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương đi đám cưới.

Như vậy tạo nên rất nhiều ổ dịch. Mặc dù các ổ dịch lần này không bùng to như Hải Dương nhưng lại gây nên nhiều ổ dịch tại nhiều địa phương do đó phải truy vết, phát hiện các trường hợp để phong tỏa, dập dịch các địa bàn khi có dịch xảy ra.

PV: Lần này dịch lại xảy ra tại nhiều bệnh viện, nhất là các bệnh viện lớn. Sự nguy hiểm có hơn các đợt dịch trước, thưa ông?

PGS Trần Đắc Phu: Lần này nguồn lây từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, do có sự di chuyển bệnh nhân nên lây nhiễm.

Việc giải quyết trong bệnh viện chúng ta đã có kinh nghiệm phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai, Đà Nẵng và có thể kiểm soát được vì ngoài Khoa Gan - Mật của Bệnh viện K thì tại các chỗ khác dịch chưa vào những nơi có bệnh nhân nặng như trường hợp xảy ra tại Bệnh viện Đà Nẵng trước đây.

Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta rất cần chú ý đến vấn đề cộng đồng. Vì Bệnh viện K hay các bệnh viện đa khoa khác còn có điều trị ngoại trú, chăm sóc người nhà bệnh nhân ở khu bên ngoài, rồi hàng quán bán xung quanh khu vực các bệnh viện. Nếu không quản lý tốt dịch sẽ lây mạnh ra cộng đồng.

Theo ông, với sự biến đổi và lây nhanh của virus mới, có nên mở rộng phạm vi giãn cách xã hội tại một số nơi xuất hiện nhiều điểm nóng để ngăn dịch không lan rộng?

-Cần thực hiện giãn cách xã hội sao cho hợp lý. Tôi đã từng đề cập chúng ta phải điều tra, phong tỏa theo điều tra dịch tễ. Dịch đến đâu điều tra đến đó, nhà cửa phong tỏa đến đó.

Ví dụ một ổ dịch đang ở đây nhưng “chạy” sang chỗ khác thì chỗ khác phải điều tra, tìm các trường hợp. Lúc đầu có thể phong tỏa rộng nhưng về sau thấy không có yếu tố dịch tễ nữa thì có thể khoanh gọn lại vùng cách ly. Ví dụ với một chung cư lớn, song bệnh nhân đó không đi đến các tầng khác thì ta chỉ phong tỏa một tầng. Tương tự ở trong bệnh viện, nếu chỉ bị ở một khoa thì chỉ cần phong tỏa một khoa.

Bên cạnh đó, cần xét nghiệm cộng đồng bên ngoài các bệnh viện xem ở ngoài cộng đồng như thế nào. Nếu không lây ra cộng đồng không phải giãn cách xã hội. Lây ra cộng đồng mới phải giãn cách xã hội. Hiện thành phố Hà Nội đang xét nghiệm diện rộng có chỉ định, xét nghiệm tất cả các đối tượng có nguy cơ như chuyên gia, khu vực xung quanh bệnh viện, sân bay, chợ… để đánh giá xem nguy cơ như thế nào. Sau đó mới tiếp tục thực hiện giãn cách ở mức độ nào để không ảnh hưởng một cách không đáng có tới phát triển kinh tế - xã hội và an sinh của người dân. Chúng ta phải giãn cách một cách hợp lý nhất, giãn cách rộng mà không chặt còn nguy hiểm hơn. Tôi nói ví dụ giãn cách một tòa nhà chung cư nhưng để mỗi một chốt cách ly tại tầng 1, còn các tầng vẫn đi lại với nhau. Như thế còn nguy hiểm hơn việc chỉ phong tỏa 1 tầng có bệnh nhân. Các tầng khác không có bệnh nhân phong tỏa làm gì?

Cũng cần lưu ý rằng, trong lúc này chúng ta đang thực hiện trạng thái bình thường mới, thực hiện “mục tiêu kép” nên vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh cho tốt, lơ là sẽ nguy hiểm. Do đó chỉ không tụ tập đông người, cấm một số việc có nguy cơ cao, tức là giãn cách theo đối tượng, địa bàn chứ không phải giãn cách cả thành phố.

Phun khử khuẩn khu vực Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều, ngày 7/5. Ảnh: Quang Vinh.

Vậy, chúng ta cần kịch bản gì để đối phó với dịch trong thời gian tới, nhất là dịch đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành?

-Hiện đã có những quy định rất chuẩn về phòng bệnh trong các cơ sở y tế. Đó là những quy định kết hợp giữa quy định của tổ chức quốc tế, kinh nghiệm các nước và các quy định do chính ta xây dựng lên. Vấn đề là ở khâu thực hiện, có sơ suất trong khâu thực hiện nên dẫn tới lây nhiễm.

Tôi cũng xin nói rằng rất khó trong việc phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế. bộ y tế đã cảnh báo và đã từng xảy ra các trường hợp tại bệnh viện bạch mai, bệnh viện đà nẵng nhưng giờ lại bị. thật sự là rất khó nhưng nguyên tắc là không được phép được xảy ra.

Về nguyên nhân, có sự lây nhiễm ở bệnh viện do bệnh viện điều trị covid-19; có nguyên nhân lây do bệnh nhân khác đến khám và điều trị rồi lây cho nhân viên và bệnh nhân của bệnh viện.

Ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cũng có giả thuyết các bệnh nhân khác họ vào không có triệu chứng, hoặc vào có triệu chứng song bệnh viện lơ là, không tầm soát. Khi vào bệnh viện làm lây ra bệnh nhân và cán bộ nhân viên y bác sĩ. Kể cả người nhà bệnh nhân đến thăm nom, hoặc bác sĩ, nhân viên y tế khi đi ra cộng đồng, bị nhiễm ở cộng đồng khi vào viện họ có thể lây cho người trong bệnh viện.

Vừa qua theo báo cáo của lãnh đạo bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương, tất cả những người thực hiện điều trị cho bệnh nhân nhiễm covid-19 không bị lây nhiễm, mà những nhân viên ở khoa khác bị. như thế rất có thể lây nhiễm từ bệnh nhân bên ngoài, hoặc người nhà đến viện làm lây cho những bệnh nhân ở bên trong. rồi chuyển bệnh nhân từ bệnh viện này sang bệnh viện khác cũng lây. như vừa qua lây từ bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương sang bệnh viện k.

Vì thế chúng ta phải có cách sàng lọc, phải rà soát lại tất cả các quy trình để hạn chế lây nhiễm. Khi bệnh nhân nghi ngờ vào trong bệnh viện phải sàng lọc ngay từ đầu. Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có quy định về phân tuyến, phân luồng.

Theo đó bệnh nhân bị nhiễm đi luồng nào, bệnh nhân nghi ngờ đi luồng nào. Bên cạnh đó cần phải xét nghiệm định kỳ hoặc đột xuất để phát hiện xem có lây không? Có ca bệnh trong bệnh viện mình không? Như Hà Nội vừa qua đã xét nghiệm hơn 10 ngàn mẫu của các nhân viên y tế và bệnh nhân tại các khoa có nghi ngờ nhiễm.

Đặc biệt cần rà soát tất cả các quy trình, từ kiến thức mặc quần áo, bảo hộ vì bảo hộ không cẩn thận cũng bị lây. Chưa kể các quy định về chất thải, khử khuẩn cần rà soát lại và cần thực hiện nghiêm quy trình của Bộ Y tế. Quy trình này không thể lơ là được, phải thực hiện mọi lúc, mọi nơi, vì lơ là một chút có thể lây lan ngay.

Tôi nghĩ các bệnh viện không chủ quan nhưng sơ suất là bị. Cho nên phải đặt vấn đề phòng chống nhiễm khuẩn trong tất cả các bệnh viện lên hàng đầu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mạng Y Tế
Nguồn: Đại đoàn kết (http://daidoanket.vn/chong-nhiem-khuan-trong-benh-vien-phai-duoc-dat-len-hang-dau-561830.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY