Mọi việc bắt đầu từ tháng 2/2006, hình ảnh Britney đặt con trai đầu lòng - bé Sean ngồi trên lòng mình và lái xe hơi, gây mất an toàn cho cả hai mẹ con và đặc biệt là đứa trẻ, đã khiến cô gặp rắc rối lớn đầu tiên. |
Mọi việc bắt đầu từ tháng 2/2006, hình ảnh Britney đặt con trai đầu lòng - bé Sean ngồi trên lòng mình và lái xe hơi, gây mất an toàn cho cả hai mẹ con và đặc biệt là đứa trẻ, đã khiến cô gặp rắc rối lớn đầu tiên.
Là người của công chúng, từng hành động của Britney đều bị quan sát. Ngay lập tức, các nhà hoạt động vì quyền của trẻ em lên án Britney vì đã có hành động quá liều lĩnh đối với an toàn của con nhỏ. Britney sau đó lên tiếng giải thích rằng ở thời điểm ấy, cô sợ hãi vì bị thợ săn ảnh đeo bám nên đã tìm cách lái xe đi ngay, dù vậy, cô cũng thừa nhận hành vi của mình là sai.
Sau khi sinh con trai thứ hai hồi tháng 9/2006, Britney đệ đơn ly hôn Kevin Federline vào tháng 11/2006. Tháng 2/2007, cô vào trung tâm cai nghiện nhưng chỉ lưu lại chưa đầy một ngày.
Ngay đêm hôm sau, Britney tự cạo trọc đầu mình trong một salon tóc, rồi lại vào các trung tâm điều trị cai nghiện. Trước những bất ổn của một người mẹ như Britney, chồng cũ của cô đã giành được toàn quyền nuôi hai con trai chung của họ.
Britney tự cạo trọc đầu mình trong một salon tóc, rồi lại vào các trung tâm điều trị cai nghiện. |
Tháng 1/2008, Britney nhập viện sau khi cảnh sát tới nhà và nhận thấy nữ ca sĩ đang không bình thường vì chịu ảnh hưởng của chất kích thích. Britney tiếp tục bị tước quyền thăm nom hai con trai nhưng cô có những sự chống đối xung quanh quyết định này của tòa án. Sau đó, cô phải nhập viện điều trị tâm lý một cách bắt buộc bởi những rối loạn bất thường khó kiểm soát.
Chính từ đây, tòa án đã đưa Britney vào diện cần có người giám hộ, và người đó chính là cha của cô - ông Jamie Spears. Cùng với các bên luật sư và dưới sự giám sát chung của nhà chức trách, ông Jamie Spears có quyền quản lý tài sản của con gái... Đó chính là cách thức bắt đầu của một bi kịch kéo dài chưa thấy hồi kết trong cuộc đời của "công chúa nhạc pop".
Thời gian gần đây, một talkshow nằm trong chương trình "The Late Late Show with Craig Ferguson" do MC người Mỹ Craig Ferguson dẫn dắt gây sốt trở lại sau 14 năm.
Trong một tập phát sóng, sau khi chứng kiến loạt thông tin xoay quanh sự bất ổn của britney spears bùng nổ trên các trang tin giải trí, sau khi thấy có quá nhiều lời bình luận chê bai, chỉ trích, giễu cợt xung quanh sự tuột dốc không phanh của một ngôi sao ca nhạc, ông craig ferguson đã tuyên bố sẽ không hùa vào trào lưu lấy britney ra làm trò đùa:
"Cách chúng ta đang cười cợt, chế giễu sự tuột dốc của cô ấy giống như thể chúng ta đang cười cợt đứa trẻ của chính mình, đứa trẻ đang tập đi và không ngừng ngã lên ngã xuống, còn ta cứ để thế hay sao? Những ai đã làm cha mẹ chắc chắn sẽ chạy lại giúp đứa con của mình. Các bạn đang bị làm sao vậy?
Không có người cha người mẹ nào cứ thế cười cợt cầm máy quay ghi lại cảnh con mình tập đi và ngã lên ngã xuống đến mức khốn khổ. Còn tôi lại thấy chính chúng ta đang là những người cầm máy quay chứng kiến cô gái trẻ Britney ngã lên ngã xuống. Chúng ta thật tệ, chúng ta tệ đến vậy thật sao? Cô ấy đang sống trong một bi kịch, tôi sợ rằng cô ấy sẽ ch*t mất".
Thời điểm Britney sa sút, có cả "rừng" phóng viên ảnh ngày đêm đeo bám cô để bắt được những khoảnh khắc "kém đẹp". |
Trong talkshow ấy, khán giả có mặt tại trường quay nghe và... bật cười trước những lời dẫn dắt và phân tích vấn đề của Craig Ferguson.
Sau cùng, Craig Ferguson phải nhấn mạnh rằng ông không đùa và không hề có ý giễu nhại gì trong cách phân tích câu chuyện của Britney ở thời điểm ấy - hồi năm 2007: "Đây không phải một câu chuyện đùa, thưa các bạn!".
Cần phải hiểu rằng, giai đoạn thập niên 2000 là thời kỳ bùng nổ của dòng tin tức giải trí về giới sao. Thợ săn ảnh thời kỳ này là một công việc cực kỳ "béo bở", ảnh độc chụp các ngôi sao nếu được bán độc quyền cho các trang tin giải trí có thể đạt mức giá vài trăm cho tới vài nghìn USD.
Thời điểm Britney sa sút, có cả "rừng" phóng viên ảnh ngày đêm đeo bám cô để bắt được những khoảnh khắc "kém đẹp": Britney ăn uống ngay ngoài phố; Britney bật khóc, la hét, gây gổ với thợ săn ảnh; Britney để con ngồi trên lòng khi đang lái xe; Britney bước xuống xe hơi, để lộ việc không mặc nội y... Tất cả những bức ảnh ấy ở tại thời điểm ấy... đều rất được giá.
Cơn khủng hoảng tâm lý của Britney khi ấy đã thu hút sự quan tâm rất lớn của truyền thông - công chúng, nó xảy ra đúng vào thời khắc không may nhất, khi nghề săn ảnh đang hoạt động ở mức độ như "vũ bão". Những ngày đầu của đời sống "cư dân mạng", của sự phát triển tin tức online từng gắn liền với những câu chuyện về giới sao.
Đen đủi thay, cú trượt ngã của Britney nằm trọn ở trong thời điểm ấy, thợ săn ảnh đeo bám cô không ngừng nghỉ, để nuôi dưỡng một dòng tin ăn khách, để "hạ bệ" một "công chúa pop", để người hâm mộ sửng sốt thấy thần tượng của họ "hóa ra là như thế"...
Cách thức đưa tin và đăng ảnh của dòng tin giải trí thời điểm ấy nhằm mục đích gây sốt, gây sốc, xóa bỏ đi khoảng cách giữa ngôi sao và công chúng, để công chúng thấy rằng phía sau những hình ảnh hoàn hảo còn có rất nhiều những khoảnh khắc như thế, những góc khuất đời tư như thế...
Giờ đây, britney spears được nhìn nhận như một biểu tượng của nhạc pop, một nhân vật của văn hóa đại chúng, cô đã bán được hơn 100 triệu đĩa hát trên toàn thế giới, là một trong những ca sĩ ăn khách nhất trên toàn cầu, được tạp chí âm nhạc billboard xếp thứ 8 trong danh sách những ca sĩ đình đám nhất thập niên 2000...
Tất cả những điều ấy cho thấy một góc nhìn toàn cảnh công bằng hơn về sự nghiệp của Britney, rằng cô có sức hấp dẫn và có cả tài năng để đạt được một sự nghiệp lớn, không phải đơn thuần là một nữ ca sĩ "ăn may" và có ê-kíp "nhào nặn" giỏi.
Ngay cả ở thời điểm đỉnh cao sự nghiệp, Britney vẫn phải chịu đựng những gièm pha cho rằng cô là một ca sĩ "công nghiệp", không có thực tài, một biểu tượng "ăn may"... |
Vậy nhưng ngay cả ở thời điểm đỉnh cao sự nghiệp, Britney vẫn phải chịu đựng những gièm pha cho rằng cô là một ca sĩ "công nghiệp", không có thực tài, một biểu tượng "ăn may"... Đó là một cách nhìn nhận đầy định kiến, khi thành công của một ngôi sao nữ lại có thể bị nghi ngờ, phỉ báng, gièm pha đến thế.
Hồi thập niên 2000, những định kiến về sức khỏe tinh thần cũng còn rất lớn, khi những ngôi sao nữ vốn nổi tiếng xinh đẹp, gợi cảm bị rơi vào tình trạng suy sụp, truyền thông - công chúng chưa có được sự cảm thông như bây giờ.
Những ngôi sao nữ vốn xinh đẹp, nóng bỏng, nếu phải trải qua một cú trượt ngã vì những khủng hoảng đời tư, liền bị "dìm" không thương tiếc, như thể những thành quả mà họ đạt được trước đó quả là... không hề xứng đáng. Sự suy sụp liền được xem như thể một bằng chứng đầy "hể hả", khẳng định sự kém cỏi của một ngôi sao.
Tờ tin tức The Atlantic (Mỹ) thậm chí khái quát lên rằng dường như con người ta luôn có một sự thù ghét dai dẳng đối với những người phụ nữ vừa đẹp, vừa giỏi, lại vừa giàu, đơn giản bởi người ta không thể ngừng quan sát những phụ nữ ấy, nhưng trong lòng thì vẫn dấy lên những xúc cảm tiêu cực.
The Atlantic lấy dẫn chứng về ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian, một nữ tỷ phú bắt đầu sự nghiệp từ việc bị lộ... clip "nóng". Người ta đã từng chế nhạo Kim Kardashian như một "trò hề" hạ cấp mới xuất hiện trong giới giải trí, chỉ để rồi không ngừng chứng kiến người phụ nữ này đi hết từ bước tiến này sang bước tiến khác qua năm tháng.
Đến khi không thể phủ nhận được thực lực của người phụ nữ này nữa, thì những giọng điệu giễu cợt, nhạo báng mới giảm đi về mức độ. Dường như những phụ nữ nổi tiếng trong nền công nghiệp giải trí luôn phải chịu đựng một thái độ định kiến rất khắc nghiệt từ số đông.
Một gameshow truyền hình của Mỹ còn từng đưa vào một câu hỏi trong phần thi thách đố rằng: "Britney Spears đã mất đi những thứ gì?". Các câu trả lời như "tóc", "hôn nhân", "sự tỉnh táo" đều là những câu trả lời đúng. Cả người dẫn, người chơi và khán giả khi ấy cùng cười ồ, vì thấy câu hỏi rất vui, rất "thời thượng"...
Trải qua thời gian, cách nhìn nhận của truyền thông và công chúng đã trở nên văn minh hơn, nhưng cần nhắc lại để thấy rằng, cả truyền thông và công chúng đã từng có thời "độc ác" trước những sa sút, suy sụp trong đời tư của Britney tới mức nào.
Nữ nhà báo Kathryn VanArendonk của tờ tin tức Vulture (Mỹ) cũng từng chỉ ra rằng giai đoạn trượt dốc nặng nề của Britney xảy ra sau khi cô có hai người con lần lượt chào đời vào hai năm 2005 và 2006, khi ấy, Britney còn chưa bước qua tuổi 25.
Thời điểm này, chưa có nhiều người nói về hiện tượng trầm cảm sau sinh, nhưng khi nhìn lại, nữ nhà báo Kathryn VanArendonk cho rằng cách Britney phản ứng đầy giận dữ với thợ săn ảnh hay việc cô bất ngờ cạo trọc đầu, có lẽ Britney cũng từng gặp phải những vấn đề tâm lý sau khi sinh nở.
Britney càng trở nên khốn khổ, suy sụp, sự quan tâm của truyền thông - công chúng dành cho cô càng lớn. |
Thời điểm ấy, bất cứ hành động lập dị, bất thường nào của Britney cũng đều bị thổi phồng, phóng đại lên và xuất hiện trên khắp các trang tin giải trí, còn công chúng thì đặc biệt quan tâm tới những vật lộn khốn khổ của Britney ở thời điểm ấy.
Britney càng trở nên khốn khổ, suy sụp, sự quan tâm của truyền thông - công chúng dành cho cô càng lớn, mọi người chờ đợi chứng kiến những gì xảy ra tiếp theo, chờ đợi xem Britney trượt dốc tới mức độ nào. Càng suy sụp, sức ép dư luận lên "công chúa pop" càng lớn.
Khi ấy, một tờ tạp chí từng có bài viết "khen ngợi" hành động cạo trọc đầu của Britney, rằng đó là "điều thú vị nhất" mà cô từng làm được, thậm chí một câu hỏi còn đặt ra trong bài: "Liệu cô ấy rồi có bị sốc Thu*c hay tự sát không?". Công chúng cùng "nín thở" quan sát và tự hỏi "liệu có thế chăng"...
Trong một đầu sách của mình, triết gia người Pháp - Michel Foucault đã từng nói về một hình thái của sự hành hạ, đó là khi một người trở thành đối tượng bị công kích bởi số đông, không ngừng bị săm soi, bình phẩm đến từng chi tiết nhỏ dù ở bất cứ nơi đâu, ở bất cứ thời điểm nào mà người đó xuất hiện...
Britney Spears đã từng phải chịu đựng sự săm soi gây khủng hoảng như thế bởi giới truyền thông và công chúng. Ngay sau đó, cô phải chịu đựng sự giám hộ gây bàng hoàng, sửng sốt kéo dài suốt nhiều năm tháng.
Nhìn lại tất cả những chuyện ấy, tờ tin tức The Atlantic kết luận rằng truyền thông Mỹ vẫn còn một chặng đường dài phải đi trước khi đạt đến sự văn minh, tiến bộ đích thực, nhưng cũng cần ghi nhận rằng giờ đây, các ngôi sao khi trải qua một đợt khủng hoảng đã được truyền thông - công chúng nhìn nhận với sự cảm thông, rộng lượng hơn nhiều so với thời của Britney Spears.
Hơn thế, cách thức truyền thông đưa tin về các ngôi sao nữ cũng đã thay đổi theo hướng tôn trọng hơn nhiều. Trong talkshow của mình hồi năm 2007, khi nói về cơn suy sụp của Britney, MC truyền hình Craig Ferguson từng lên tiếng: "Đừng tấn công người đang rơi vào cảnh khốn khổ", đó là một cách nhìn đầy cảm thông và rộng lượng mà truyền thông - công chúng ngày nay đang hướng tới.
Cách nhìn của ông Ferguson ở thời điểm năm 2007 đã vượt trước cách nhìn của truyền thông thời bấy giờ, ở ông có sự nhân hậu, cảm thông đáng trân trọng. Cần nhiều năm tháng đi qua trước khi mọi người cũng nhìn nhận giống ông, rằng: Đừng tấn công khi người khác đang rơi vào cảnh khốn khổ!