Bệnh viện C và Bệnh viện Đà Nẵng hiện là 2 điểm nóng nhất tại TP. Đà Nẵng về dịch bệnh. Ở nơi ấy vô vàn hiểm nguy, nhưng những chiến sĩ áo trắng vẫn sẵn sàng tình nguyện xông pha vào những điểm nóng nhất và giữ tinh thần lạc quan, động viên nhau cùng vượt qua.
Chia sẻ từ trong tâm dịch, bác sĩ Trịnh Minh Thế, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện C cho hay: “Lúc Bệnh viện chuẩn bị phong tỏa, các khoa đều phải bố trí ít nhất 50% quân số để bảo đảm chuyên môn, riêng khoa mình chỉ cần 1 kíp để bảo đảm mổ cấp cứu nội viện, lãnh đạo đồng ý ngay và bảo anh em ở lại phải thật sự tự nguyện. Chỉ sau mấy phút hội ý, đã có 5 người tình nguyện ở lại bệnh viện trong bối cảnh này.”
“Chúng tôi đã hơn 5 ngày sát cánh bên nhau, gần 500 bệnh nhân, hơn 500 cán bộ nhân viên, sinh viên, người lao động, bảo vệ... cả Ban Giám đốc, tất cả các Trưởng khoa, phòng, Trung tâm, gần hết các điều dưỡng trưởng, chúng tôi luôn động viên, hỗ trợ lẫn nhau, làm bất cứ việc gì bởi Bệnh viện đã là đơn vị khép kín. Lãnh đạo đã có những lời chia sẻ, động viên chân tình đến cán bộ nhân viên và bệnh nhân, người nhà, mình nghe mà chảy nước mắt”.
"Chúng tôi vẫn vững vàng giúp bệnh nhân thoát khỏi hiểm nguy, mong muốn bên ngoài hãy tỉnh táo, tuân thủ các biện pháp cách ly, giãn cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay... Mong đến ngày chúng ta lại được sống thoải mái, vui vẻ”, bác sĩ Trịnh Minh Thế gửi đôi lời nhắn nhủ.
Chị Thái Thu Hà, một nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng tâm sự về khoảng thời gian từ khi vào tập trung tại Bệnh viện: Cứ ngồi nhắn tin cho nhau cả ngày nghe ca nào bị dương tính là lập tức xem lại hành trình mình có tiếp xúc với người đó không? Gặp ở đâu? Nhưng hơn ai hết những lời động viên qua lại với nhau khiến chúng tôi vượt qua… nỗi sợ, giúp chúng tôi gần nhau hơn, biết tin tức của nhau nhiều hơn. Qua những tin nhắn, chúng tôi động viên nhau nhiều hơn, cười nhiều hơn để cùng nhau vượt qua cơn bão dịch.
Bộ đồ bảo hộ rất nóng và phải đeo kính, tấm chắn... làm hạn chế tầm nhìn và di chuyển khi vừa chăm sóc người bệnh vừa lo hoàn thành thủ tục hồ sơ, khi mặc đồ bảo hộ chúng tôi phải viết tên sau lưng áo để phân biệt gọi tên nhân viên (vì trùm từ đầu tới chân không phân biệt được ai). Thương lắm đồng nghiệp của tôi khi bạn ấy nói: “Em khóc chút xíu được không mọi người, vì thực sự em rất mệt, em không biết sẽ gồng được bao lâu...”. Rồi có những mẹ bầu chỉ còn 2 tuần nữa là sinh mà giờ không biết sẽ sinh ở đâu, chỉ còn biết mong mỏi mọi thứ bình an.
Khi dịch xảy ra, nhân viên y tế không chỉ chăm sóc người bệnh mà còn làm nhiệm vụ được phân công, người thì đứng chốt trạm làm công việc giao hàng viện trợ, người thì đưa cơm... Dù ở công việc nào, mọi người đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Có người được phân công ngồi tại chỗ cũng là nhiệm vụ đc giao vì ở yên cũng là chống dịch.
“Hôm hay tin các giáo sư, bác sĩ đầu ngành của 2 bệnh viện lớn đến hỗ trợ, chúng tôi lại càng thêm niềm tin và nghĩ rằng mọi nỗ lực của mọi người sẽ được đền đáp. Mồ hôi chảy ra trên áo chính là niềm vui ngày chiến thắng. Tôi biết mọi thứ không dễ dàng gì nhưng đồng lòng chúng ta sẽ chiến thắng”, chị Hà bày tỏ.
Các nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Facebook Thái Thu Hà
Trong những ngày này, mạng xã hội liên tục chia sẻ video được chính bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện C quay cảnh các bác sĩ hát động viên người bệnh. Hình ảnh trong video là bác sĩ Lê Văn Đương, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện C, trong bộ đồ bảo hộ và khẩu trang kín mặt, vẫn cổ vũ, bắt nhịp cho các bệnh nhân hát vang bài ca “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Bài hát nổi tiếng trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt giờ đây là niềm cổ vũ, là tinh thần lạc quan quyết tâm chống “giặc dịch” mà người bác sĩ kiên cường muốn truyền động lực cho bệnh nhân.
Đoạn video đã chạm đến trái tim hàng vạn người theo dõi trên Facebook. Chị Bảo Thuỳ chia sẻ: “Tiếng hát át tiếng bom, tiếng hát động viên bệnh nhân vơi bớt nỗi đau. Cảm ơn anh Lê Văn Đương, người truyền lửa, người bảo vệ sự sống, bảo vệ bình an. Nơi tuyến đầu, mong anh và các anh chị đồng nghiệp giữ gìn sức khoẻ và mạnh mẽ chiến đấu đến cùng anh nhé!”
Gửi lời động viên đến toàn thể đội ngũ y bác sĩ cùng các bệnh nhân tại Bệnh viện C, bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C chia sẻ: “Đừng để nỗi sợ làm chúng ta gục ngã, làm chúng ta mất tinh thần, để làm tốt công việc cho đến ngày chiến thắng. Lãnh đạo Bộ Y tế sẵn sàng cung ứng nhân lực và vật lực bất cứ lúc nào. Đà Nẵng đã có nhiều kinh nghiệm trong tình huống dịch bệnh này, cả nước đã trang bị cho Đà Nẵng các chuyên gia giám sát dịch tễ, cả hệ thống chính trị tại Đà Nẵng đã chủ động vào cuộc quyết liệt nên yên tâm không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống giặc dịch. Chúng ta hãy giữ cái đầu lạnh, sáng suốt nhất, làm tốt nhất việc bảo vệ bệnh nhân và chính mình”.
“Hãy giữ vững trong tim mình niềm tin chiến thắng, rằng Đà Nẵng sẽ vượt qua thử thách, để chứng minh bản lĩnh của chính mình. Tôi xin gửi đến tất cả mọi người lời san sẻ yêu thương nhất, gửi đến tất cả anh chị em đồng nghiệp niềm tin chiến thắng”, bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện gửi thông điệp từ trong Bệnh viện.
Các nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Facebook Thái Thu Hà
Kết lại bài viết này, xin trích bài thơ do chị Nguyễn Thị Ngọc Uyển gửi tặng đội ngũ y bác sĩ đang nỗ lực chiến đấu với dịch bệnh.
Bỗng một ngày Đà Nẵng có bão giông!
Mấy chục triệu trái tim nghiêng về nơi ấy
Chợ Rẫy, Bạch Mai, bay vào không ngần ngại.
Cả nước một lòng chắc bão sẽ mau tan.
Có một chiều anh nói phải xa em
Mà chưa hẹn thời gian ngày trở lại
Cuộc chiến của đồng đội anh vẫn còn xa ngái
Em mỉm cười... nước mắt cất vào tim.
Đà Nẵng hôm nay bỗng im ắng lạ thường!
Những con đường thôi ngóng người qua lại
Đôi mắt trĩu buồn vương màu ái ngại
Sau cánh cổng viện kia... giông tố bão bùng.
Này những chiến binh áo trắng anh hùng!
Cả Đà Nẵng nghiêng mình mong ngóng
Ở trong kia tất cả sẽ yên bình
Ở ngoài này màu nắng sẽ lung linh...
NguồnBáo Chính phủ
Chủ đề liên quan: