Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Chuyện đáng sợ về DỊ ỨNG THUỐC

Nhiều ghi nhận gần đây tại các bệnh viện trong nước cho thấy, số trường hợp mắc và tử vong do dị ứng thuốc đang ngày càng gia tăng và trở thành mối lo lớn của cả cộng đồng.

Chị Hoàng Thị Thanh (35 tuổi, ở Châu Đốc, An Giang), nhập viện Chợ Rẫy trong tình trạng bong tróc da toàn thân và đang bong tiếp da đầu. Chị bị cảm sốt nên đến chữa tại một phòng khám tư. Tại đây, bác sĩ đã chích cho chị một mũi thuốc và kê toa thuốc về nhà. Ngay sau đó chị bị tê, ngứa và nổi mẩn đỏ quanh môi. Hôm sau chị báo cho bác sĩ, nhưng vị này bảo không sao và vẫn chích thêm thuốc và đưa thuốc uống 2 lần/ ngày. Lần này, sau khi về nhà, chị nổi mẩn đỏ nhiều hơn, người cứ bức rức khó chịu không thể tả nên phải vào nằm cấp cứu ở bệnh viện huyện. Sau đó, chị bị bóng nước lan khắp người, gia đình phải xin chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy để chữa trị.

Còn trường hợp ông Trần Văn Dũng (56 tuổi, ở phường 6, Q.Gò Vấp, Tp.HCM), bị cảm cúm, ông tự ra nhà thuốc tự mua kháng sinh về uống, ông không nhớ là loại thuốc gì, sau khi uống thuốc sang đến ngày thứ ba thì ông bị nổi mẩn đỏ toàn thân và ngứa không ngừng, người sưng tấy và nóng bừng, sau đó sốt cao và đi ngoài. Ông Dũng đã được gia đình nhanh chóng đưa vào nhập viện tại Bệnh viện Gia Định trong tình trạng kiệt sức, da toàn thân bị bong tróc, người mất nước...

Cả hai trường hợp trên khi khám đều cho kết quả dị ứng với thuốc kháng sinh. Do đều nhập viện kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nhiều người không may mắn được như vậy.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân bị dị ứng thuốc

Theo ý kiến của BS. Lê Đình Phương (Khoa Tổng quát, Bệnh viện FV, Tp.HCM): “Dị ứng thuốc có thể xảy ra với bất kỳ ai do tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc và tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Sự tùy tiện trong việc sử dụng thuốc của người dân, uống thuốc, tiêm thuốc không theo kê đơn, hướng dẫn của bác sĩ, không đúng bệnh và liều lượng cũng là nguyên nhân gây ra dị ứng thuốc”.

Cũng theo bác sĩ Phương, một số thuốc thường gây dị ứng bao gồm dòng thuốc kháng sinh (Pennicilin, Streptomycin, Chlorocid, Sulfamid), thuốc hạ nhiệt, giảm đau (Aspirin, Pyramidon, Paracetamol, Butadion), thuốc an thần, gây ngủ, gây tê (Luminal, Gardenal, Novocain), thuốc chữa phong, lao, sốt rét (Rimifon, Nivakin), dẫn xuất iod brôm... thuốc cản quang có chứa iod, thuốc điều trị bệnh phong, thuốc điều trị đái tháo đường có gốc sulfamid, thuốc điều trị đau khớp, thuốc kháng động kinh, thuốc điều trị gút… Ngay cả nhiều loại thuốc bổ, vitamin, kể cả thuốc bổ Đông y với người có cơ địa dị ứng cũng có thể gây tai biến dị ứng, nhiễm độc...

Cảnh giác trước các biểu hiện dị ứng thuốc

Biểu hiện của dị ứng thuốc rất đa dạng, nhẹ là các kích ứng, tác dụng phụ như buồn nôn, ói mửa, nặng có thể sốt cao, mê sảng, tổn thương nội tạng và ngũ quan dẫn đến tử vong.

Sau đây là một số biểu hiện thường gặp của dị ứng thuốc:

Viêm da dị ứng: Thương tổn cơ bản là mụn nước kèm theo ban đỏ, ngứa, phù da và tiến triển theo nhiều giai đoạn. Viêm da dị ứng có thể xuất hiện nhanh sau một vài giờ, trung bình sau vài ba ngày, có khi hàng tuần sau khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc.

Đỏ da toàn thân: Bệnh xuất hiện từ 2-3 ngày, trung bình 6-7 ngày, đôi khi 2-3 tuần sau khi dùng thuốc. Người bệnh thấy bừng nóng, ngứa khắp người, sốt cao, rối loạn tiêu hóa, nổi ban đỏ toàn thân, trên da có vảy trắng, các kẽ chân tay có thể nứt và chảy nước vàng, đôi khi bị bội nhiễm có mủ.

Theo thống kê, dị ứng thuốc ở nước ta chiếm một tỷ lệ khá cao (khoảng từ 7-8% dân số). Nằm trong số nước có tỷ lệ dị ứng thuốc cao nhất thế giới. - Theo PGS, TS. Bùi Khắc Hậu, Đại học Y Hà Nội

Mày đay: Là biểu hiện lâm sàng nhẹ và ban đầu của phần lớn các trường hợp dị ứng thuốc. Sau khi dùng thuốc (nhanh từ 5-10 phút, chậm có thể vài ngày), người bệnh cảm thấy nóng bừng, ngứa, trên da nổi ban cùng sẩn phù. Trường hợp nặng có thể có khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, sốt cao...

Chứng mất bạch cầu hạt: Biểu hiện lâm sàng điển hình là sốt cao đột ngột, mệt mỏi, sức khỏe giảm sút nhanh, nổi ban dạng sởi, dạng xuất huyết, loét hoại tử niêm mạc miệng, mũi họng, cơ quan sinh dục, viêm phổi, viêm tắc tĩnh mạch, nhiễm xuất huyết dễ dẫn tới tử vong.

Phù Quincke: Là tình trạng phù cục bộ, phù thường xuất hiện nhanh sau khi dùng thuốc ở những vùng da mỏng, môi, cổ, quanh mắt, bụng, các chi, bộ phận sinh dục... Màu da vùng phù bình thường hoặc hơi hồng nhạt, đôi khi phối hợp với mày đay. Trường hợp phù Quincke ở họng, thanh quản, người bệnh có thể bị nghẹt thở; ở ruột, dạ dày gây đau bụng; ở não gây đau đầu…

Bệnh huyết thanh: Thường xuất hiện vào ngày thứ hai đến ngày thứ 14 sau khi dùng thuốc với biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, buồn nôn, đau khớp, sưng nhiều hạch, sốt cao 38-39 độ C, gan to, nổi ban mày đay khắp người. Nếu phát hiện kịp thời và ngừng ngay việc dùng thuốc, các triệu chứng trên sẽ dần hết.

Sốc phản vệ: Là tai biến dị ứng nghiêm trọng, dễ gây tử vong. Biểu hiện lâm sàng đa dạng, có thể xảy ra ngay sau khi dùng thuốc vài giây cho đến 20-30 phút, khởi đầu bằng cảm giác lạ thường (tê môi, lưỡi, bồn chồn, sợ hãi...). Tiếp đó là sự xuất hiện nhanh các triệu chứng như khó thở, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, ngứa ran khắp người, đau quặn bụng, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ, thể cấp tính người bệnh có thể hôn mê, nghẹt thở, rối loạn nhịp tim, ngừng tim và tử vong sau ít phút.

Hồng ban đa dạng: Bệnh bắt đầu sau một vài ngày dùng thuốc với những biểu hiện: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau khớp, sưng hạch, có cảm giác nóng bỏng toàn thân, trên da xuất hiện các sẩn tròn giống sẩn mày đay, rìa nổi gờ cao, đỏ hơi cộm, vùng trung tâm của sẩn hơi lõm và nhăn. Ngoài sẩn còn có các mụn nước, bọng nước, tổn thương niêm mạc các hốc tự nhiên, tổn thương nội tạng… trường hợp nặng có thể gây tử vong.

Xử lý khôn ngoan khi bị dự ứng thuốc

Như vậy dị ứng thuốc là một tai biến nhiều khi rất nguy hiểm, gây tổn thương ở hầu hết các cơ quan, từ ngoài da đến nội tạng.

Cấp cứu và điều trị nhiều khi rất phức tạp, kéo dài, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là với bệnh nhân ở xa cơ sở y tế.

Dự phòng dị ứng thuốc không phải dễ, nhiều khi ngay cả bản thân thầy thuốc cũng không thể lường trước được phản ứng của từng bệnh nhân đối một loại thuốc nào đó.

Vì vậy, cách tốt nhất để tự bảo vệ bản thân là mọi người không nên lạm dụng thuốc và đặc biệt không tự mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh và một số thuốc chuyên khoa đặc trị, kể cả thuốc nhỏ mắt, bôi da có chứa kháng sinh cũng phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

Điều cần làm khi bị dị ứng thuốc

- Khi thấy nổi hồng ban trên da, đặc biệt có kèm thêm tổn thương niêm mạc như mắt, mũi, miệng hoặc bất cứ một biểu hiện bất thường nào sau khi dùng bất cứ một loại thuốc nào... thì bạn tuyệt đối không được tự ý điều trị bằng các biện pháp dân gian mà cần đến bệnh viện khám chữa kịp thời.

- Ghi nhớ tiền căn dị ứng thuốc của mình và báo với bác sĩ khi phải chữa bệnh.

- Khi có biểu hiện dị ứng thuốc thì phải ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức.

Quỳnh Anh

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/chuyen-dang-so-ve-di-ung-thuoc-18544/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY