Khoa học hôm nay

Có thể mắc COVID-19 nghiêm trọng hơn nếu tiếp xúc với không khí ô nhiễm thời gian dài

Có thể mắc COVID-19 nghiêm trọng hơn nếu tiếp xúc với không khí ô nhiễm thời gian dài

Một nghiên cứu cho thấy những người sống ở những nơi có nồng độ nitơ điôxít (NO2) gây ô nhiễm trong khí quyển cao hơn có khả năng phải vào các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) hoặc phải thở máy sau khi mắc COVID-19.

NO2 được thải vào khí quyển khi nhiên liệu hóa thạch bị đốt cháy và khí này được biết là có tác hại với phổi của con người. Đặc biệt, các tế bào nội mô (vốn tạo thành một lớp màng mỏng lót bên trong tim và mạch máu) bị hư hỏng và điều này ngăn cản quá trình chuyển oxy từ hơi thở vào máu con người.

Kết quả của chúng tôi cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc tiếp xúc NO2 trong thời gian dài với tỷ lệ T* vong do COVID-19 và tỷ lệ mắc bệnh COVID-19”, theo nhóm các nhà nghiên cứu người Đức với người đứng đầu là Susanne Koch thuộc Universitätsmedizin Berlin - bệnh viện giảng dạy lớn.

Các nhà khoa học trước đây đã xác định mối liên hệ giữa COVID-19 và ô nhiễm không khí, nhưng rất ít nghiên cứu tập trung vào các ca đặc biệt nghiêm trọng hoặc tình trạng sức khỏe tiềm ẩn ở những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này.

Susanne Koch và nhóm của bà đã sử dụng dữ liệu ô nhiễm không khí để tính toán mức độ NO2 trung bình cho mỗi quận ở Đức. Mức cao nhất được tìm thấy ở Frankfurt, trong khi mức thấp nhất là tại Suhl, một quận nhỏ ở bang Thuringia. Nhóm tiết lộ trong báo cáo của mình, được trình bày tuần trước cho Euroanaesthesia, cuộc họp thường niên của Hiệp hội Gây mê và Chăm sóc Chuyên sâu châu Âu ở thành phố Milan (Ý).

Nhóm của Susanne Koch cũng nghiên cứu dữ liệu về số lượng bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện Đức đã yêu cầu điều trị ICU và thở máy trong một tháng vào năm 2020. Những số liệu này được điều chỉnh cho các yếu tố khác, chẳng hạn như tình trạng sức khỏe từ trước.

Sau khi phân tích kết quả của họ, nhóm nghiên cứu báo cáo rằng trung bình cần 28 giường ICU và 19 máy thở cho bệnh nhân COVID-19 ở mỗi quận trong số 10 quận có mức độ tiếp xúc NO2 dài hạn thấp nhất. Những con số này tương phản với mức trung bình cần có 144 giường ICU và 102 máy thở ở 10 quận có mức độ tiếp xúc NO2 dài hạn cao nhất.

Nghiên cứu mang ý nghĩa đáng lo ngại. Tại Vương quốc Anh, 75% khu vực thành thị vào năm 2019 có mức độ ô nhiễm không khí cao bất ngờ, nhấn mạnh thực tế rằng chính phủ Anh hầu như không đạt được tiến bộ nào về các nghĩa vụ pháp lý đáng lẽ phải được đáp ứng vào 2010. Trong thời gian phong tỏa, lượng NO2 tạm thời giảm ở một số khu vực. Tuy nhiên, tình trạng giao thông và ô nhiễm đang trở lại mức cũ ở nhiều thị trấn cùng thành phố.

Theo Đại học Y sĩ Hoàng gia, ô nhiễm không khí gây ra tương đương 40.000 ca T* vong sớm mỗi năm và có liên quan đến ung thư, hen suyễn, đột quỵ, bệnh tim, tiểu đường, béo phì cùng những thay đổi liên quan đến chứng sa sút trí tuệ. Bây giờ bằng chứng cho thấy COVID-19 nên được thêm vào danh sách này.

Các nhà khoa học thừa nhận rằng nghiên cứu của Đức không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa ô nhiễm không khí và bệnh COVID-19 nghiêm trọng. Tuy nhiên, họ đã gợi ý một mối liên hệ nhân quả hợp lý có thể giải thích mối quan hệ giữa COVID-19 nghiêm trọng và mức độ NO2 trong khí quyển.

Vi rút SARS-CoV-2 được biết là liên kết với thụ thể ACE2 khi nó xâm nhập vào các tế bào sau khi lây nhiễm sang người. Thụ thể ACE2 có nhiều vai trò quan trọng, một trong số đó liên quan đến việc giúp cơ thể điều chỉnh mức angiotensin II - một loại protein làm tăng tình trạng viêm. Nói cách khác, ACE2 giúp ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm.

Tuy nhiên, khi COVID-19 liên kết với ACE2, các phanh này bị loại bỏ. Người ta cũng biết rằng ô nhiễm không khí gây ra sự phát tán các chất tương tự angiotensin II. Vì vậy, sự kết hợp giữa COVID-19 và tiếp xúc với ô nhiễm không khí lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn, bệnh nghiêm trọng hơn, cần nhiều ICU và thở máy hơn, nhóm nghiên cứu lập luận.

Susanne Koch nói thêm: “Tiếp xúc với không khí ô nhiễm xung quanh có thể gây ra một loạt các bệnh khác, bao gồm đau tim, đột quỵ, hen suyễn, ung thư phổi và sẽ tiếp tục gây hại cho sức khỏe sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc. Cần cấp bách chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, giao thông sạch và nông nghiệp bền vững để cải thiện chất lượng không khí. Giảm phát thải không chỉ giúp hạn chế khủng hoảng khí hậu mà còn cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân trên khắp thế giới".

Mạng Y Tế
Nguồn: Một thế giới (https://1thegioi.vn/co-the-mac-covid-19-nghiem-trong-hon-neu-tiep-xuc-voi-khong-khi-o-nhiem-thoi-gian-dai-182696.html)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY