Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Con đường 7 lần thay tên ở Sài Gòn

Đây là con đường dài nhất và rộng nhất trong quận Phú Nhuận (TP.HCM), dài 1.820m chạy từ cầu Công Lý đến công viên Chiến Thắng, giáp với đường Hoàng Văn Thụ bằng một “mũi tàu” đặt một cây xăng lâu đời hơn nửa thế kỷ. Đường đi ngang qua các phường 8, 10, 1

Ở cuối thế kỷ XIX, đây chỉ là con đường mòn mang số 26, rồi mang tên đường Impératrice nối dài. Sau đó là 7 lần đổi tên đường: cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, là đường Mac Mahon nối dài. Từ năm 1915 thành đường Charles de Gaulle nối dài. Đầu thập niên 1950, thành đường D. Lattre de Tassigny nối dài. Từ năm 1954 đổi thành đường Ngô Đình Khôi. Từ 1963, đổi thành đường Cách Mạng 1.11. Từ năm 1975 đổi thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Năm 1985 đổi thành đường Nguyễn Văn Trỗi đến nay.

Nhà văn Sơn Nam xác định trước năm 1932, con đường Mac Mahon còn nhỏ bé, nhà cửa thưa thớt với rẫy trồng rau cải.

Đến năm 1938, ngày 28.10, chính quyền Nam kỳ thuộc địa đã tổ chức lễ khánh thành công trình kéo dài đường Mac Mahon lên tới Tân Sơn Nhứt. Đây chính là lúc toàn bộ đường Nguyễn Văn Trỗi ngày nay được hình thành. Buổi sáng, Toàn quyền Đông Dương Brévié và Thống đốc Nam Kỳ Pagès đã đến dự lễ khánh thành được tổ chức khá long trọng. Sự hiện diện của hai quan chức này thể hiện vai trò huyết mạch của đoạn đường ở Phú Nhuận này, nối Sài Gòn với sân bay Tân Sơn Nhứt.

Nơi đầu cầu (sau này mang tên Công Lý) được hương chức làng Phú Nhuận đặt hai bên lề đường hai bàn hương án để cúng tế rất nghiêm cẩn. Nội vụ được nhật báo Sài Gòn lúc đó đưa tin.

Nhịp sống trên đường Cách Mạng 1.11 (nay là Nguyễn Văn Trỗi) năm 1967 - Ảnh: Aaron

Đến năm 1945, tại cầu Mac Mahon (nay là cầu Công Lý) diễn ra một trận đánh dữ dội giữa quân kháng chiến và lính Pháp. Quân kháng chiến đã bố trí phòng tuyến cầm chân Pháp, giằng co suốt 3 tuần, không cho bung ra hướng sân bay Tân Sơn Nhứt. Mười nghĩa quân hy sinh đã được chôn tại Vườn Dừa (nay là Đài Liệt sĩ Quận). Trước khi rút đi, dân quân đốt kho chứa vật liệu của lính Pháp phía sau chợ Phú Nhuận cháy suốt một ngày đêm.

Qua năm 1946, lại có một trận đánh gây rúng động dư luận. Quân kháng chiến đã tổ chức đánh biệt thự La Rosette của phi công Pháp, nằm cạnh cổng xe lửa số 7. Hằng đêm, vào khoảng 20 giờ có bảy phi công Pháp ngụ trong biệt thự này. Ngôi nhà chỉ có một thang lầu duy nhứt, nếu đột nhập sẽ bị lộ, chỉ có cách là giựt sập. Dân quân dùng hai quả đạn súng cối lép của Pháp được điều chỉnh lại, cột dây vào một cây đinh làm kim hỏa, giựt cho đinh đập vào hột nổ. Kết quả, hai quả đạn đều nổ tốt, nhóm phi công Pháp chết sạch, nhà sập một phần ba, dân quân còn đốt luôn một công xa trước khi rút lui.

Theo cuốn 300 năm Phú Nhuận mảnh đất - con người - truyền thống, Trường tiểu học Nguyễn Đình Chính hiện nay là ngôi trường duy nhất trong thành phố do viện trợ của Ngân hàng Hồi giáo Thế giới giúp xây dựng năm 1983, là trường phổ thông cơ sở bán trú đầu tiên tại Phú Nhuận, có 22 phòng học trên diện tích 2.000m2 ở phường 12. Nhà hát kế bên xây năm 1982, thời trước năm 1975 là bãi đất trống dùng huấn luyện chó tư nhân và quân khuyển. Sau này, Nhà hát nhập vào để mở rộng trường Nguyễn Đình Chính. Khoảng thập niên 1980, có một nhà sách nhân dân trước Nhà hát.

Ngôi biệt thự trước đây làm Ủy ban Nhân dân Quận ở phường 11, thời gian 1941-1945 là trụ sở đảng Hắc Long của phát xít Nhật. Chung quanh là doanh trại, đồn bót, cơ sở của Nhật. Còn Viện Y Dược học Dân tộc ở phường 10, thập niên 1930-1940 là biệt thự Armaco của Delignon, chủ hãng dệt ở Đà Nẵng, hãng đinh ở Khánh Hội... Về sau là Câu lạc bộ Sĩ quan không quân Pháp, từng bị đánh phá năm 1946. Đối diện với biệt thự Armaco là hãng sữa và chuồng nuôi ngựa đua của ông Cardanot.

Phía đường bên phải từ cầu đi xuống sân bay có Thánh đường Cộng đồng Hồi giáo lớn nhất ở Phú Nhuận thuộc phường 15 do Giáo Cả Mơ-Li xây năm 1969, có lối kiến trúc kiều Hồi với tháp tròn nóc nhọn, cửa hình con bích, trang trí trăng lưỡi liềm... Còn Nhà Văn hóa Quận số 70 Nguyễn Văn Trỗi, từ năm 1965 là Câu lạc bộ Báo chí của Mỹ. Xóm Mô gần cuối đường có nhiều mô đất, hầm của Nhật đào để tránh bom Đồng minh, trước năm 1975 nổi tiếng về các tệ nạn xã hội. Chỗ “mũi tàu” nhìn sang cổng Bộ tư lệnh Quân khu 7 nơi giáp nối hai con đường Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ, ở thập niên 1940 có trồng một cây xoài cổ thụ hai gốc - gọi là Xóm Xoài Đôi.

Đầu đường, là một xóm dân nghèo phần lớn làm công trong sân bay Tân Sơn Nhứt. Xóm này nằm giữa một đồng cỏ bao la (sau làm sân banh Cộng Hòa).

Trước năm 1975, đường mang tên Cách Mạng 1.11 nhưng người dân gọi tắt là đường Cách Mạng. Mỗi buổi trưa, tôi đi bộ từ nhà ra trạm xe buýt nằm gần ngã tư Cách Mạng - Trương Tấn Bửu để đón xe đi học trên ngã tư Bảy Hiền. Đây là con đường rộng, khá buồn tẻ vì đa số là biệt thự, ít có các cửa hàng sầm uất đông vui như phía đường Võ Di Nguy (Phan Đình Phùng). Các biệt thự trên đường đóng im ỉm bên cạnh các công sở. Nhà thờ của Hội Thánh Báp-tít Ân Điển thành lập năm 1962 tại số 209 Công Lý nối dài, nay là 161 Nguyễn Văn Trỗi vẫn còn là nhà có kiến trúc thấp. Trường học Quốc Anh cho học sinh xếp hàng dài để băng qua đường mỗi ngày.

Trên đường có một địa chỉ quen thuộc với dân Phú Nhuận là cửa tiệm Thái Bình bán thực phẩm nhập ngoại, đồ hộp. Kế bên là trường mẫu giáo Chim Non. Còn có vài căn biệt thự mặt tiền đường có kiến trúc lạ do kiến trúc sư Tô Công Văn thiết kế. Có một phòng thu âm trên đường này của nhạc sĩ Anh Bằng gần đường Nguyễn Huỳnh Đức, nhạc sĩ thường có mặt để hướng dẫn học viên hát. Đoạn gần chùa Đại Giác náo nhiệt hơn vì có tiệm bánh bao Ông Cả Cần ở góc Đại lộ Cách Mạng - Trương Quốc Dụng mà trước đó quán này là nhà hàng Tân Lâm Điểu.

Cầu Công Lý nối đôi bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Ảnh: Tuấn Nguyễn

Sau năm 1975, con đường được giới trẻ lui tới nhiều hơn khi Nhà hát Phú Nhuận mở ra. Nhà Văn hóa Phú Nhuận số 70-72 khoảng năm 1979 mở các lớp dạy họa viên kiến trúc, thiết kế cơ bản, kẻ chữ và phóng tranh cổ động, đào tạo múa và diễn kịch căn bản, chưa kể các chương trình văn nghệ. Đến đầu thập niên 2000, nhiều nhà hàng cao cấp bắt đầu xuất hiện trên đường này, gần khách sạn Omni. Lúc đó vẫn còn hai nhà hàng bán đồ ăn sáng của công ty bánh nổi tiếng Givral.

Qua mấy thập niên đến nay, đường được chỉnh trang rất đẹp không thua các đường lớn ở trung tâm thành phố với các showroom, nhà hàng, khách sạn cao cấp. Chỉ còn mỗi cái cổng xe lửa lạc hậu cần phải chắn ngang để cho xe lửa qua là dấu vết của quá khứ chưa được thay đổi.

Mạng Y Tế
Nguồn: Một thế giới (https://1thegioi.vn/con-duong-7-lan-thay-ten-o-sai-gon-189215.html)

Chủ đề liên quan:

quận phú nhuận sài gòn xưa

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY