Bài liên quan
Cổ phiếu Nam Sông Hậu (PSH): Dòng tiền kinh doanh âm, cổ phiếu vẫn…tăng kịch trần?
Doanh nghiệp âm dòng tiền: Nhìn mặt để bắt hình dong
Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh “thách” cổ đông kiện ra tòa
Ngay từ quý IV/2019, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - BHN) phải đối mặt với tin đồn, tin giả ảnh hưởng đến công tác bán hàng. Nhưng những tác nhân đó chưa thấm tháp gì so với cú sốc vào ngày 1/1/2020, toàn bộ ngành bia bị tác động tiêu cực bởi Nghị định 100.
Tiếp đó là đại dịch Covid-19 bùng phát và Việt Nam bước vào giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều quán, hàng đóng cửa tác động tiêu cực đến hoạt động công ty như bồi thêm cú đá kép siết lợi nhuận Habeco ngày càng teo tóp.
Báo cáo của Habeco cho thấy lợi nhuận 4 tháng đầu năm của Habeco chỉ đạt gần 16 tỷ đồng, giảm đến 93% so với cùng kỳ năm 2019. Các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách đều suy giảm, chỉ đạt từ 44 - 50% so với cùng kỳ. Nhiều đơn vị thành viên phải ngừng hoạt động, cắt giảm lao động, tiền lương, dòng tiền bị ảnh hưởng lớn, tình hình tài chính mất cân đối…
Trước những khó khăn này buộc Habeco phải tính tới nước thoái toàn bộ vốn đầu tư và mong muốn chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư khác đối với công ty Cồn Rượu Hà Nội (Halico) khi công ty này đang kinh doanh thua lỗ và tình hình tài chính tiềm ẩn rủi ro cao… là thông tin mà Chủ tịch Habeco Trần Đình Thanh chia sẻ trong cuộc họp với cổ đông.
Theo ông Thanh, Habeco còn có góp vốn tại 5 công ty hoạt động ngoài ngành; trong đó có 3 công ty lĩnh vực bất động sản, 1 công ty giáo dục đào tạo và 1 công ty kinh doanh tổng hợp. Công tác thoái vốn đang gặp khó khăn do đây là những đơn vị chưa phải công ty đại chúng, kết quả kinh doanh kém hiệu quả và có lỗ lũy kế…
Chủ tịch Habeco nhận định, Covid-19 khiến thói quen tiêu dùng thay đổi tạo thành nhóm nhỏ hoặc ở nhà, Habeco đã tung ra những sản phẩm mới như chai PET lon 500ml với mức giá cả phù hợp với thời kỳ Covid-19. Tại thời gian này, công ty tập trung vào dòng sản phẩm bình dân.
Ngoài ra, Habeco có chiến lược tập trung vào hình ảnh thương hiệu mới mẻ, hiện đại và hòa nhập. Tại miền Trung và miền Nam, công ty cũng thành lập các công ty thương mại để xây dựng thị trường nhằm chiếm lĩnh thị phần, người đứng đầu Habeco chia sẻ.
Có thể nói, về mặt quy mô, nguồn lực, Habeco không thể so sánh với Sabeco, Heineken. Những năm qua, nhu cầu của người tiêu dùng tại miền Bắc tăng không nhiều nhưng Habeco tại miền Bắc đã chiếm khoảng một nửa công suất, khoảng 400 triệu lít. Các doanh nghiệp khác Heineken cũng tăng gấp đôi công suất nhà máy ở Thường Tín. Một số công ty khác về tay tư nhân dẫn đến việc cạnh tranh cũng không bình đẳng như các công ty Nhà nước.
Chủ tịch Habeco cũng thừa nhận, công ty ghi nhận việc mất thị phần những năm qua và đang củng cố tại các khu vực khác. Một số công ty sẵn sàng hi sinh lợi nhuận để dành lấy thị phần nhưng Habeco luôn phải có lợi nhuận do đặc thù là công ty Nhà nước,
Trên cơ sở này, năm 2020, Ban lãnh đạo Habeco trình cổ đông kế hoạch doanh thu 4.239 tỷ đồng, giảm 44% so với năm 2019 và lợi nhuận sau thuế 248 tỷ đồng, giảm 51%. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất từ khi công khai tài chính 2008 đến nay.
Về chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu là 225 triệu lít, giảm 44% so với năm trước. Trong đó sản lượng bia các loại 223,1 triệu lít, giảm 44% và nước uống đóng chai UniAqua là 1,9 triệu lít, giảm 26%.
Tổng giám đốc Habeco Ngô Quế Lâm cho biết các chỉ tiêu kinh doanh trên được đặt ra dựa trên kịch bản xấu nhất – dịch Covid-19 vẫn tồn tại trong năm 2020.
Chủ đề liên quan:
Cú đá kép đẩy lợi nhuận Habeco giảm đến 93%