Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM lo ngại như trên tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP.HCM đã họp trực tuyến nghe báo cáo về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn chiều ngày 24-3.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng các chuyên gia đã dự báo dù Việt Nam có kinh nghiệm chống dịch trong giai đoạn trước nhưng dịch lần này sẽ có hàng nghìn người mắc bệnh.
“Từ đầu tháng 3 đến nay đã có trên 350.000 người nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó gần 100.000 người từ Hoa Kỳ và châu Âu. Những người này đã đi qua nhiều địa phương, tiếp xúc với hàng trăm nghìn người, do đó một khi phát triển một ca nhiễm bệnh thì tìm ra người có nguy cơ lây nhiễm vô cùng khó khăn” – ông Bỉnh nói.
Theo ông Bỉnh, tuần này là “thời gian vàng” để phòng chống dịch bệnh, cần phải khẩn trương. Nếu không có những giải pháp quyết liệt thì dịch bệnh lây lan rất nhanh.
“Một khi đã vượt quá 2.000 ca thì tăng lên 11.000 ca chỉ trong vòng 4 ngày thôi. Một con số khủng khiếp” – ông Bỉnh nói khi so sánh với những con số ở Italy để mọi người lưu ý và có những giải pháp quyết liệt.
Ông Bỉnh cho rằng, những người nhập cảnh vào Việt Nam trước ngày 17-3 thì thời gian từ 20-3 trở đi kéo dài đến 30-4 là thời gian cao điểm phát triển dịch bệnh. Thực tế cho thấy trong ba ngày qua liên tục xuất hiện các ca dương tính COVID-19 trong cả nước.
Theo ông Bỉnh, nguy cơ lây nhiễm lớn nhất là những người về từ vùng dịch, thông qua sân bay lớn như Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Một nguy cơ nữa là phát hiện lây nhiễm trong cộng đồng dân cư, những du học sinh, khách du lịch đến TP.HCM trước ngày thông báo đã tiếp xúc nhiều nơi. Tại TP.HCM đã xuất hiện hai ổ dịch trong cộng đồng, trong đó đáng lo ngại nhất là ở quán bar Buddha (phường Thảo Điềnm quận 2), từ ca này đã lây cho sáu người khác.
“Họ di chuyển rất nhiều trong TP.HCM, làm cho các cơ quan chức năng rất vất vả trong quá trình đi tiếp cận những nơi mà họ tiếp xúc” – ông Bỉnh nói, đồng thời khẳng định khả năng lây lan của những người nước ngoài ở TP.HCM cho cộng đồng rất cao. Một người tiếp tân đã dương tính.
Nguồn lây thứ ba là đội ngũ cán bộ tiếp xúc trực tiếp với công dân trở về từ các vùng có dịch. Tuy nhiên, hiện nay chưa phát hiện ca nào dương tính với COVID-19.
Về các giải pháp, ông Bỉnh nhấn mạnh trong tuần này Sở Y tế đề nghị UBND TP chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp quyết liệt như: truyền thông cho tất cả mọi người, đặc biệt là người trên 60 tuổi ở nhà; người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn; mọi người không có nhiệm vụ càng ở nhà càng tốt, tránh đi ra ngoài, nếu đi phải mang khẩu trang và đặc biệt phải cách nhau 2 mét, không tụ tập trên đường phố để tránh nguy cơ lây lan...
Cũng theo ôn Bỉnh, người dân cần thực hiện nghiêm túc biện pháp đeo khẩu trang để trách dịch bệnh lây lan. Các phương tiện công cộng không nên mở máy lạnh mà nên mở cửa kính để thông thoáng, kể cả xe buýt... Các cửa hàng không cần thiết thì nên đóng cửa, trừ các cửa hàng như xăng dầu, lương thực thực phẩm. Giải phóng học sinh, sinh viên vẫn còn lưu trú ở các ký túc xá để tránh lây bệnh.
Ngoài ra, ông Bỉnh đề nghị các ban chỉ đạo phòng chống dịch của các quận huyện chỉ đạo UBND phường, xã thành lập các tổ công tác đến từng nhà, các cơ sở lưu trú để rà soát kỹ danh sách những người nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 8-3 đến nay chưa được cách ly.
Dịch COVID-19: 3 bệnh nhân đang diễn biến rất nặng
(PLO)- Hiện có ba bệnh nhân diễn biến sức khỏe đang rất nặng và được theo dõi kỹ tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Chủ đề liên quan:
350.000 nhập cảnh vào tphcm đã có người nhập cảnh Người nhập cảnh vào Việt Nam nguy cơ lây lan dịch covid 19 ở tphcm nhập cảnh nhập cảnh vào Việt Nam ổ dịch covid 19 tại tphcm vào Việt Nam việt nam